5. Cấu trúc của đề tài
2.1.4 Nhân vật và văn hóa đại chúng thời hậu hiện đại
Trong những trang văn của mình, Haruki Murakami không đi theo con đường mà nhiều bậc tài danh khác của văn chương Nhật Bản, chẳng hạn như Kawabata đã đi. Kawabata là người lữ khách lang thang u sầu, nguyện suốt đời đi tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp xứ Phù Tang. Tuy nhiên Murakami đã không tiếp nối cái ý chí ấy. Tác phẩm của ông hiện hữu nhiều yếu tố Tây phương. Chính Murakami cũng thẳng thắn thừa nhận ông là người “xa lạ”, không mấy mặn mà với văn chương cổ Nhật Bản. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu bởi Haruki Murakami tuy sinh ra ở Nhật nhưng ngay từ nhỏ, ông đã tiếp xúc với văn chương phương Tây qua những tác giả kinh điển như Dostoyevsky, Balzac hay Kafka. Sau này ông cũng đã có nhiều năm tháng sống và làm việc tại nước ngoài. Do vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi trong Kafka bên bờ biển tràn ngập những hình tượng văn hóa đại chúng, đặc biệt là những nhân vật có nguồn gốc từ Mỹ hoặc phương Tây. Điêu khắc gia Koichi Tamura – cha của Kafka – khi hiện thân ở mặt bên kia của con người ông
(kẻ giết mèo) đã mượn hình dàng bên ngoài của Johnnie Walker – một nhãn hiệu whisky nổi tiếng ở Anh và trên thế giới. Tương tự như vậy, một “khái niệm” cũng hiện diện với tư cách là một tay dắt gái dưới vỏ bọc của Đại tá Sanders – biểu tượng của hãng đồ ăn nhanh KFC ở Mỹ. Ngoài ra, trong các cuộc đối thoại của nhân vật, Murakami cũng lồng vào đó những hình ảnh của các nhân vật đương thời như: Stephen King (nhà văn Mỹ chuyên viết truyện kinh dị, rất ăn khách), Arnold Schwarzenegger (sinh ở Áo, là một nhân vật nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực: lực sĩ thể hình, tài tử điện ảnh, doanh nhân, chính trị gia), ngôi sao ca nhạc Duke Ellington, ban nhạc kinh điển The Beatles, Princes… Khó có thể tìm thấy những dòng văn miêu tả vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản như bộ áo Kimono, hoa anh đào hay văn hóa trà đạo… Vẻ đẹp ấy lẩn khuất đâu đó, khó hiện hữu cụ thể trong những trang văn của ông. Thế vào đó là cuộc sống bộn bề sôi động ngoài kia, là cuộc vận lộn của các nhân vật với những sóng gió thường ngày, để vượt qua những khó khăn về cả vật chất và tinh thần. Vì thế, người ta nhìn thấy trong Kafka bên bờ biển những vật dụng hiện đại như: thẻ ATM, máy nghe nhạc CD Walkman hay trò pachinko (trò bi sắt chơi bằng máy) hoặc các tiệm cafeteria, cửa hàng McDonald’s, siêu thị Yoshinoya, 7 – Eleven, Denny’s, ngoài ra còn có cả các sản phẩm giải trí thời đại như manga, phim hoạt hình Moomin hay các phim của Walt Disney. Thậm chí ngôn ngữ thời thượng bây giờ như: “miss”, “hit” hay “my pleasure” cũng được dùng một cách “nguyên mẫu” trong những đoạn hội thoại. Mà không chỉ tồn tại trong riêng
Kafka bên bờ biển, hình sản phẩm của xã hội đương thời cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của ông. Nhân vật của Murakami ăn mì ăn liền, nghe Rock, Jazz hoặc Nat King Cole, uống capuchino, cocktail Robin’s Nest hay vào các bar để kiếm tìm sự giải trí. Họ đi xe Mazda Miata, Golf, BMW 320, jeep Cherokee và bàn luận về xe Ferralli, họ say mê bóng chày, cổ vũ nhiệt tình cho đội New York Yankees, Chunichi, họ mặc quần jean, áo pull, áo sơmi Hawaii, đi giày Topsiders và đeo kính mát Ray Bans, họ nghe tin tức về Israel và Palestine, về phía Tây Nhật Bản, về những sự kiện nổi bật, giật gân trong ngày… Những điều ấy chứng tỏ Murakami hòa nhập với thế giới hiện thời, thoải mái sống trong đó và gom nhặt
những sản phẩm của thế giới ấy, sử dụng chúng nhuần nhuyễn trong các sáng tác của mình. Dĩ nhiên, “phần Nhật Bản” cùng tồn tại trong tác phẩm của ông, chẳng hạn như Truyện Genji hay tiểu thuyết Natsume Soseki. Ông cũng hướng cái nhìn của mình đến “phần cổ điển” như bi kịch Hy Lạp, Nghìn lẻ một đêm hay các bản nhạc của Schubert. Những “phần Nhật Bản” và “phần cổ điển” ấy đóng vai trò như một ẩn dụ, đồng thời cũng là bước đệm để nối liền văn hóa đương đại với những sản phẩm vốn được coi là kinh điển.
Nhân vật trong Kafka bên bờ biển nói riêng và trong những sáng tác khác của Haruki Murakami nói chung rất gần gũi với văn hóa thời hậu hiện đại. Điều đó khiến tác phẩm của ông mang đậm hơi thở thời đại, làm chúng trở nên chân thực, thân thiết, dễ tiếp xúc, nhất là đối với giới trẻ. Tuy nhiên, vì điều này, ông cũng nhận được không ít những chỉ trích. Masao Miyoshi thì coi những sáng tác ấy là
taishibungaku – văn chương đại chúng, chỉ những độc giả dễ dãi mới quan tâm. Nhưng nếu nhìn vào những điều mà các cuốn sách của Murakami đã làm được thì có lẽ chúng ta nên có cái nhìn tích cực về vấn đề này. Bởi “Murakami cũng là một điển hình cho ta thấy một nhân vật tinh hoa của văn chương đương đại Nhật Bản 20 năm trở lại đây, đấy là tìm kiếm sự khác biệt và phá vỡ những định kiến khi người ta hình dung về văn hóa Nhật lâu nay. Rõ ràng, không thể cứ nói đến văn hóa Nhật là người ta chỉ hình dung về samurai, về geisha, trà đạo, cắm hoa, thơ haiku, kịch Noh hay vẻ đẹp truyền thống duy mỹ trong các tác phẩm của Kawwabata, Mishima, Tanizaki, Akutagawa… Tôi cho rằng đấy mới là điều quan trọng chứ không phải văn chương của ông đậm hay nhạt bản sắc văn hóa Nhật” (Trần Tiễn Cao Đăng) [29]. Quan trọng hơn, việc đưa những yếu tố văn hóa đại chúng này đã chứng tỏ “chất” hậu hiện đại trong sáng tác của Murakami. Những sản phẩm văn hóa ấy tượng trưng cho thời đại hậu công nghiệp. Mà thời đại kỹ trị lại chính là hiện thực mà phần lớn các tác phẩm hậu hiện đại muốn hướng đến. Murakami cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Hơn nữa, những sản phẩm văn hóa ấy đã trở nên phổ biến, lưu thông trên toàn thế giới. Việc sử dụng chúng cũng giống như một cách để nhà văn “xã hội hóa”, “thế giới hóa” nhân vật của mình. Nó khiến cho những vấn đề
vốn được coi là cá nhân, riêng tư nhất cũng trở nên phổ quát, đồng thời khiến nhân vật của ông gần gũi, “mở rộng biên giới” hơn rất nhiều.