Hậu hiện đại trong cách nhìn về con người

Một phần của tài liệu (Trang 33 - 37)

5. Cấu trúc của đề tài

2.1 Hậu hiện đại trong cách nhìn về con người

2.1.1. Thế giới nhân vật khác thường và sự mờ hóa nhân vật

Có thể nói, xây dựng nhân vật là công việc cốt tử của nhà văn. Nhân vật sẽ có chức năng như điểm trung gian, để từ đó truyền đi những tín hiệu ý nghĩa từ nhà văn tới bạn đọc. Nói cách khác, nhà văn nói qua nhân vật và người đọc hiểu từ nhân vật. GS. Hà Minh Đức đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm văn học trong cuốn Lý luận văn học: “Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng (…) Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định” [5, tr.126].

Ý thức được điều đó nên các nhà văn đã không tiếc công sức tìm tòi, xây dựng những nhân vật phù hợp nhất, hoàn hảo nhất để giúp mình truyền tải thông điệp văn chương. Các nhà văn hậu hiện đại cũng chủ tâm xây dựng những nhân vật tối ưu cho mình. Nhưng khác với những nhà văn hiện đại, khác với kiểu tiểu thuyết Bildungsroman, nhân vật trong tác phẩm hậu hiện đại không được xây dựng một cách chi tiết, tỉ mỉ theo kiểu khắc họa cũng không được miêu tả theo trình tự thời gian. Các nhân vật hậu hiện đại không được trực diện miêu tả, mà chỉ như những nét phác họa từ ngoại hình đến tính cách. Thậm chí, đôi khi các nhân vật còn không rõ ràng về nguồn gốc. Họ mơ hồ trong quá khứ và không tương lai.

Các nhân vật trong tiểu thuyết của Haruki Murakami cũng mơ hồ như vậy. Ngay cả với Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời – cuốn tiểu thuyết có màn mở đầu không thể cổ điển hơn – cũng chất chứa biết bao bí ẩn. Miêu tả về ba giai đoạn của cuộc đời Hajime hết sức rõ ràng, nhưng lại khiến người đọc nảy sinh biết bao câu hỏi. Điều gì là điều mà Hajime thực sự kiếm tìm? Tương lai sẽ ra sao, nếu Hajime không thoát khỏi cái bóng ám ảnh kia? Shimamoto – san rốt cuộc là ai?

Kafka bên bờ biển cũng khiến người đọc hoang mang bởi thế giới nhân vật khác thường và bí ẩn như vậy.

Kafka – nhân vật khá rõ ràng về nguồn gốc xuất thân: là con của điêu khắc gia cực kỳ nổi tiếng Koichi Tamura, mười lăm tuổi, học tại trường trung học tư thục và sống ở quận Nakano thuộc Tokyo – nhưng đồng thời cũng lại là nhân vật bí ẩn. Ngay cái tên Kafka cũng chỉ là tên giả. Cậu lấy theo tiếng Tiệp (“kafka” có nghĩa là “quạ”), bởi cậu luôn tâm niệm mình là quạ lạc đàn, cần phải thật khỏe mạnh và kiên cường, cho dù luôn là “quạ cô đơn”. Gia thế của cậu cũng có nhiều uẩn khúc. Mẹ cậu bỏ đi mang theo chị gái, cậu không nhớ mặt mẹ, không có bất cứ ký ức gì. Ngay cả tên của mẹ cậu cũng không biết. Ngay cả huyết thống họ hàng cũng chỉ là một vùng trống huơ trống hoác:

“Ông bà nội em mất lâu rồi và cha em chẳng có anh, chị, em hay cô, dì, chú, bác gì cả. Không một ai. Em không thật chắc chắn lắm, nhưng em biết cha em không bao giờ dây dưa với họ hàng. Và em cũng không bao giờ nghe nói gì về họ hàng bà con về phía bên mẹ em. Em muốn nói thậm chí em còn không biết tên tục của mẹ em nữa kia, cho nên làm sao em biết được về họ hàng của bả?

“Nghe như thể cha cậu là người ngoài trái đất ấy,” Sakura nói. “Như thể ông ấy từ một hành tinh xa lắc nào đến, đội lốt người, cuỗm lấy một phụ nữa của Trái Đất, rồi sinh ra cậu để nối dõi tông đường. Rồi mẹ cậu phát hiện ra, hoảng sợ và bỏ trốn. Như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng đen” [16, tr.103].

Ngoại hình của Kafka cũng chỉ được phác họa đôi nét, khi cậu miêu tả chính mình: “Mắt tôi trong gương nom lạnh như mắt thằn lằn, thần thái trân trân không ai đọc nổi” [16, tr.13] hay qua nhận xét của Oshima: “Cậu có một thân hình đẹp, lực lưỡng. Bất luận cậu thừa kế nó từ ai, cậu vẫn thuộc loại đẹp trai. Ờ, nói cho chính xác, cậu hơi quá riêng biệt để có thể gọi là đẹp trai theo nghĩa thông thường. Nhưng cậu không hề khó coi. Ít nhất, cũng bắt mắt mình. Cậu thông minh, nhanh nhẹn” [16, tr.303]. Thân thế đã vậy, cậu còn là người rất khác thường so với lứa tuổi mười lăm của mình. “So với tuổi mười lăm, cháu quả là rất biết lẽ đúng sai” [16, tr. 282]. Sớm chịu những mất mát tinh thần từ thuở ấu thơ, cậu trưởng thành, chững chạc hơn rất nhiều so với lứa tuổi. Gánh chịu lời nguyền tàn nhẫn, trong cậu luôn có nỗi sợ hãi và hoang mang đến cực độ. “Với một trang thiếu niên mười lăm tuổi thậm chí chưa cần đến dao cạo râu, hành trang cậu mang theo quả là nặng nề” [16, tr.

280]. Dường như cậu đã trải qua muôn ngàn đau khổ của kiếp người, trôi dạt trong vạn bể bất hạnh và về đây, tái tạo lại dưới hình dạng cậu bé mười lăm tuổi kín đáo, luôn tràn ngập ưu tư về cuộc đời.

Người giúp đỡ Kafka rất nhiều trong cuộc hành trình tìm lại bản thân mình là Oshima. Người thanh niên ấy nắm giữ một vai trò đặc biệt trong cuộc sống của Kafka những ngày xa nhà. Không chỉ giúp Kafka có được nơi trú ẩn an toàn theo cả nghĩa vật chất và tinh thần, Oshima còn là người cảm thông và chia sẻ với Kafka những cảm giác, ý nghĩ mơ hồ, giúp cậu lý giải phần nào những rối rắm trong lòng cậu. Nhưng xét trên phương diện thể chất, Oshima là một người khác thường. Nhìn bề ngoài, Oshima là chàng thanh niên “xinh xắn, chứ không điển trai, nếu muốn nói cho chính xác” [16, tr.43], “dong dỏng cao, mặc áo sơ mi trắng, đeo cặp kính nhỏ, ngồi sau quầy. Một mớ tóc dài mảnh rủ xuống trán. Thuộc loại có thể thấy trong những phim đen trắng của Truffaut” [16, tr. 425]. Nhưng thực chất, Oshima là nữ giới. Xét trên phương diện giới tính thì Oshima đúng là khá phức tạp và bất thường: “Thân thể tôi là đàn bà, nhưng tinh thần tôi thì hoàn toàn là đàn ông (…) Nhưng tôi không phải là một người nữ đồng giới tình dục, mặc dù tôi ăn mặc thế này. Sở thích tình dục của tôi là với đàn ông. Nói cách khác, tôi là nữ, nhưng lại là nam trong hành xử đồng giới tình dục. Tôi hoạt động tình dục qua hậu môn và không bao giờ dùng âm hộ để làm tình. Âm vật của tôi nhạy cảm, nhưng vú tôi lại vô cảm. Tôi không hành kinh” [16, tr.204 – 205]. Có lẽ chính bởi sự trung hòa của cả hai giới trong con người mình nên Oshima có cả sự cả quyết, cứng rắn lẫn sự mềm mại, nhu hòa. Có thể nói một cách hình tượng rằng Oshima giống như một dòng suối, trung

hòa tất cả những bão giông trong cuộc hành trình khó khăn của Kafka. Ông lão Nakata cũng được phác họa vài nét sơ sài về ngoại hình. Đầu húi

cua, tóc muối tiêu, ông luôn tươi cười, ăn mặc gọn gàng, mặt mày dễ coi và đôi mắt đặc biệt sáng. Hành trang của ông gồm chiếc túi vải bố, cái mũ bạc phếch phong trần, cái ô to đùng và phích luôn đầy trà nóng. Cuộc đời của ông được kể chăm chút hơn, thông qua một đoạn tự thoại. Nhưng chính từ cuộc đời này, nhiều cái rễ của sự kỳ lạ được bắt ra. Cái tai nạn hy hữu xảy ra ở Đồi Bát Cơm mà đến nay người ta

cũng không lý giải được đã biến cậu bé Nakata thông minh, nhanh nhẹn, học giỏi và ngoan ngoãn thành một người “không thông minh sáng láng gì, cũng không thạo giải thích dài dòng”. Lão đã từng chết ba tuần liền, và dường như lão đã để lại bên kia thế giới một nửa con người và cả khả năng đọc, viết. Cái bóng của lão thu gọn lại chỉ còn một nửa nên nó nhẹ và nhạt hơn bóng của người khác. Lão có khả năng làm cho các thứ từ trên trời rơi xuống, tạo thành các trận mưa đá, mưa đỉa, đoán được cái hiện tượng tự nhiên và tuyệt nhất là biết nói chuyện với mèo. Tất cả những khả năng ấy của ông dường như đều được bắt nguồn từ vụ tai nạn kỳ bí kia. Một năng lực siêu nhiên nào đó đã đặc biệt ưu ái ông nhưng đồng thời cũng lấy đi những kỹ năng cũng như cách tư duy của người bình thường. Nakata có thể là một “quái kiệt” theo cách nhìn nhận của Hagita, cũng có thể là “ông già kỳ quặc” với Hoshino, hoặc là chìa khóa hóa giải toàn bộ câu chuyện phức tạp. Cũng có thể ông là tất cả những vị trí đó và là nhân vật kỳ lạ nhất của toàn tiểu thuyết. Những hành động, lời nói của ông không có bất cứ cơ sở vững chắc nào, nếu ông chưa thấy một sự việc/sự vật nào đó thì ông chưa biết làm gì tiếp theo, hay nói cách khác, ông tìm kiếm mà không dự định trước kế hoạch. Mặc dù vậy nhưng ở ông lại có sức thuyết phục đến kỳ lạ, khiến biết bao người giúp đỡ ông trên đường đi, khiến Hoshino bỏ cả công việc để theo ông trong cuộc hành trình dài, khiến Miss Saeki vừa nhìn thấy ông đã cảm thấy thân thiết. Bất luận thế nào đi nữa, Nakata vẫn là ông già lạ kỳ nhất và những hành động của ông luôn dẫn người đọc tới những ngạc nhiên và bất ngờ.

Nhưng nhân vật bí ẩn nhất của Kafka bên bờ biển có lẽ là Miss Saeki. Không thể phủ nhận bà là người phụ nữ đẹp: “Đó là một phụ nữ mảnh dẻ (…) tư thế rất đàng hoàng. Tóc dài buộc lỏng sau gáy, mặt rất tao nhã và thông minh với đôi mắt đẹp và nụ cười luôn thấp thoáng trên môi. Tôi không biết diễn tả như thế nào, nhưng quả là nụ cười ấy tạo nên một cảm giác hoàn hảo, nó khiến tôi nghĩ đến một đốm nắng tươi, một đốm nắng đặc biệt chỉ có thể bắt gặp ở một nơi biệt lập” [16, tr.47], “Lưng rất thẳng, dáng đi quyền quý (…) Không một chút phô trương, tất cả toát lên một vẻ tao nhã, tinh tế cao độ” [16, tr.432]. Vẻ đẹp của bà được cảm nhận qua cái nhìn của Kafka, của Hoshino, còn cuộc đời bà được hé lộ qua lời kể của

Oshima. Cuộc đời nhiều biến cố, mất mát và nỗi đau. Ngay cả khi bà đã trở về và làm việc lâu dài cho Thư viện tưởng niệm Komura thì bà vẫn là một ẩn số. Bà sống ra sao? Bà đã đi những đâu, gặp những ai, trải qua những gì, vượt lên nỗi đau ra sao? Tất cả đều không được giải thích cặn kẽ. Bà đột ngột biến mất rồi đột ngột trở về. Cuộc sống của người phụ nữ xinh đẹp độc thân lại càng trở nên quyến rũ hơn bởi lớp màn bí ẩn. Không giống như Kafka với những đoạn độc thoại khiến người đọc có thể hiểu được suy nghĩ của cậu, người ta hoàn toàn không nắm bắt được điều gì đang diễn tiến trong tâm trí Miss Saeki. Bà nghĩ gì khi quay trở lại? Bà mong muốn gì? Tại sao bà lại quyết định ngủ với Kafka? Liệu bà có phải là mẹ của cậu bé? Tất cả những câu hỏi bỏ ngỏ ấy càng khiến cho nhân vật Saeki trở nên lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

Ngoài các nhân vật kể trên, Kafka bên bờ biển còn hiện hữu thêm những bóng dáng nhân vật khác thường nữa. Chẳng hạn Johnnie Walker – kẻ diệt mèo – là một người “rất cao, y đội một cái mũ cao thành kỳ dị và đi ủng da, bước rất nhanh” [16, tr.95]. Hay lão Đại tá Sanders – hiện thân của “khái niệm” – một tay dắt gái đường phố, xuất hiện và hỗ trợ Nakata cũng như Hoshino kịp thời… Những nhân vật ấy đã góp phần tạo nên thế giới nhân vật phong phú cho Kafka bên bờ biển.

Không chuyên chú mô tả ngoại hình hay đời sống nhân vật, Haruki Murakami đã để cho bạn đọc tự nắm bắt những thông tin ấy. Người ta có thể lượm lặt một chút về nhân vật này, một chút về nhân vật kia thông qua các đoạn hội thoại. Trái ngược với cách xây dựng nhân vật truyền thống – người đọc không cần đòi hỏi mà mọi thông tin đều được phơi bày trước mắt, việc tao dựng nhân vật theo cách này khiến người đọc không thể thờ ơ, cũng không thể đoán trước trình tự của câu chuyện. Và mỗi nhân vật trở thành một bí mật, một cánh cửa cần được mở ra và khám phá, để chiêm nghiệm ý nghĩa thật sự của thiên tiểu thuyết độc đáo này.

Một phần của tài liệu (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)