5. Cấu trúc của đề tài
3.3.2 Hệ thống biểu tượng, ẩn dụ đầy ám ảnh
Yếu tố ảo và sự bí ẩn trong Kafka bên bờ biển phát triển đến mức độ cao đã trở thành những biểu tượng và ẩn dụ ám ảnh những người đến với cuốn tiểu thuyết này. Như chiếc bóng luôn đi kèm theo mỗi bước chân của người lữ khách, hệ thống biểu tượng ấy bỗng trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở bám theo những người tâm đắc với nó.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “ẩn dụ” là “phương thức tu từ dựa trên cư sở đồng nhất hai hiện tượng tương tự, thể hiện cái này qua cái kia, mà bản thân cái được nói tới thì giấu đi một cách kín đáo” [7, tr.11]. Còn “biểu tượng” là một khái niệm rộng lớn hơn, bao hàm cả nghĩa triết học, tâm lý học, mỹ học, lý luận văn học và ngôn ngữ. Theo nghĩa mỹ học, lý luận văn học, ngôn ngữ thì “biểu tượng” còn được gọi là tượng trưng, có thể được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Trên bình diện nghĩa rộng, “biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật”. Còn ở bình diện nghĩa hẹp, “biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc của một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện được một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời” [7, tr.24]. Trong khóa luận tốt nghiệp này, chúng tôi khai thác “biểu tượng” theo nghĩa hẹp vừa nêu.
Không phải ngẫu nhiên mà dịch giả Trung Quốc Lâm Thiếu Hoa đã khẳng định: “toàn bộ tiểu thuyết Kafka bên bờ biển có thể coi là một mê cung rộng lớn do vô số cấu trúc ẩn dụ dựng nên, thậm chí bản thân nó đã là một ẩn dụ lớn” [34]. Người đọc khi đến với Kafka bên bờ biển sẽ bị sa lầy trong mặt đầm lớn của những biểu tượng, ẩn dụ. Chúng la liệt ở khắp nơi, mở đầu, kết thúc, đối thoại, độc thoại, khác quan hay nội tại nhân vật. Murakami đã mượn lời thủ thư Oshima để thổ lộ điều này: “Như Goethe đã nói: Tất thảy đều là ẩn dụ: [16, tr.122], “Mọi thứ trên đời đều là ẩn dụ” [16, tr.227]. Bản thân Kafka cũng cảm nhận được tính hai mặt của hiện tượng đời sống: “Cháu có cảm giác như tất cả xung quanh cháu đều trôi chảy triền miên… như thể tất cả đều có hai nghĩa” [16, tr.335]. Tay Đại tá Sanders tinh quái cũng khẳng định: “Thế giới luôn có một độ cong vênh” [16, tr.295]. Chính “độ cong vênh” ấy đã tạo điều kiện cho tính hai nghĩa của vạn vật được nảy sinh và trở thành nguồn gốc của các biểu tượng, ẩn dụ. Ẩn dụ giúp người ta chấp nhận sự mỉa mai của số phận: “Chúng ta chấp nhận sự mỉa mai thông qua một thủ pháp gọi là ẩn dụ” [16, tr.227]. Ẩn dụ xóa bớt khoảng cách giữa những con người không cùng thế hệ, giúp Kafka có thể cảm nhận được vùng quá khứ bị phong kín của Miss Saeki:
“Nhưng khoảng cách có thể rút ngắn bằng ẩn dụ”, “Nhưng ẩn dụ giúp loại bỏ những gì ngăn cách cô với cháu” [16, tr.334]. Ẩn dụ thể hiện những ước mơ cháy bỏng vượt ra ngoài khả năng của bản thân, những khát khao phá vỡ tất cả những rào cản của chính bản thân mình. Người ta hoàn toàn có thể cảm nhận được ước mơ được – bình – thường của Oshima qua những mong muốn sang Tây Ban Nha tham gia nội chiến. Không chỉ đưa ra các ẩn dụ thông qua lời nói nhân vật, Haruki Murakami còn đan cài trong tác phẩm của mình nhiều ẩn dụ khác nhau. Mưa cá, mưa đỉa, bóng ma cô gái mười lăm tuổi, lời bài hát “Kafka bên bờ biển”… tất cả đều là ẩn dụ, đều phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Ý nghĩa của những ẩn dụ ấy là gì tùy thuộc vào cách đọc và cảm nhận của mỗi người.
Nếu như những ẩn dụ dẫn dắt người ta đến với tầng ý nghĩa sâu xa hơn thì biểu tượng lại khiến gợi nhắc họ đến những vỉa đá ý nghĩa ấy. Chiếc ba lô là “biểu tượng tự do” của Kafka, cây súng là biểu tượng cho “những gì bọn ta để lại sau lưng” của hai người lính còn sót lại sau Thế chiến, ký ức là biểu tượng duy nhất mà Kafka có, là thứ duy nhất mà Kafka mang theo trong cuộc hành trình đến rìa thế giới của mình. “Biểu tượng là rất quan trọng” bởi “biểu tượng đã dẫn chúng ta đến những vai trò” [16, tr.459]. Bởi vì hai người lính mang súng nên mặc nhiên họ sẽ đảm nhận vai trò là lính canh. Phiến đã cửa vào tượng trưng cho chìa khóa để mở ra một thế giới khác, nơi người ta có thể thỏa mãn ước vọng của mình. Và cái thế giới “bên rìa thế giới” đằng sau cửa vào ấy chính là thế giới chạy song song với thực tại, nơi người ta có thể lý giải và soi chiếu mình trong đó. Để sáng tạo nên hệ thống các biểu tượng, Murakami cũng dựa vào một vài “mẫu gốc”. Chẳng hạn, thế giới sau phiến đá cửa vào được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về Orpheus và cái ngoái nhìn định mệnh của chàng.
Bản thân các nhân vật cũng mang ý nghĩa biểu trưng lớn. Kafka là ví dụ điển hình về ám ảnh cô đơn và nỗi sợ hãi tột cùng của nhân loại: không thể chiến thắng cái phần vô thức trong mình, do đó không thể chạy trốn định mệnh, không thể hóa giải những lời nguyền của số phận. Johnnie Walker biểu trưng cho cái ác. Hắn có thể là cha Kafka, cũng có thể không. Cha Kafka là người tài năng nhưng đầy thù
hằn: “Cha em làm ô nhiễm tất cả những gì ông đụng vào, làm tổn thương tất cả những ai ở quanh ông” [16, tr.231]. Rất có thể, Koichi Tamura tài năng, độc địa và điên loạn đã trở thành khái niệm về cái ác dưới dạng Johnnie Walker. Miss Seaki đại diện cho sự hoài niệm quá khứ, bà sống ở hiện tại nhưng cuộc sống thực sự đã chấm dứt ở tuổi mười lăm. Bà “trông giống như một biểu tượng. Cho một thời kỳ nào đó. Cho một nơi chốn nào đó. Cho một tâm thái nào đó”, có lẽ là nước Nhật nữ tính và cao quý cổ xưa. Oshima tuy khác thường (giới tính không rõ ràng, bị bệnh máu không đông) nhưng là biểu tượng của thế hệ thanh niên Nhật Bản trẻ trung, đầy tri thức, căm ghét và khinh bỉ lũ người không biết tưởng tượng, cứng nhắc và giáo điều: "Bọn tâm hồn chật hẹp, ích kỷ, thiếu tưởng tượng ấy giống hệt loài ký sinh làm biến dạng cả chủ thể lẫn môi trường, và sinh sôi hàng loạt" [16, tr.182]. “Thằng cu tên là Quạ” không gì xa lạ chính là phần lý trí của Kafka: “Tôi hóa thân thành một con quạ đen sính lý thuyết dông dài” [16, tr.454]. Quạ giúp Kafka cân bằng và vạch hướng đi cho cậu trên con đường đầy bấp bênh. Chuỗi nhân vật đã được Haruki Murakami lồng ghép những ý nghĩa biểu trưng và vì thế, tầm khái quát của tác phẩm được nâng lên rất nhiều.
Xây dựng hệ thống biểu tượng, ẩn dụ rất kỳ công, Haruki Murakami đã đưa tác phẩm của mình đến gần với chủ nghĩa siêu thực. Lựa chọn cách viết này cũng chứng tỏ Haruki Murakami chịu ảnh hưởng của Franz Kafka – nhà văn yêu thích của ông. Franz Kafka cũng sáng tạo cho mình những thế giới thần bí, ẩn dụ và huyễn hoặc như Lâu đài, Vụ án, Hóa thân, Trại giam. Franz Kafka cũng được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa huyền thoại và tiểu thuyết phi lý. Khi xây dựng thế giới nhân vật, có lẽ Murakami cũng đã tự nguyện để những ảnh hưởng đó phát lộ, để người đọc có thể nhận ra “nối cô đơn bí ẩn của chàng trai trong tranh có phần trùng lặp với thế giới hư cấu của Kafka. Điều đó cho ta hiểu tại sao cô lại đặt tên bài hát như thế: một tâm hồn cô đơn lạc đến bến bờ phi lý” [16, tr.261]. Và những yếu tố không thể/không được giải thích ấy cứ trở đi trở lại trong lòng người đọc như một ám ảnh khôn nguôi.