5. Cấu trúc của đề tài
3.1.2 Sự phân tán của điểm nhìn nghệ thuật
“Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn” và “sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn” [7, tr.113]. Có thể khẳng định rằng thành công của nhà văn trong tác phẩm văn học phụ thuộc rất lớn ở cách lựa chọn cho tác phẩm một cự ly, một vị trí trần thuật phù hợp với những sự kiện, những biến cố xảy ra trong tác phẩm, đó chính là điểm nhìn nghệ thuật. Theo J.A.Cuddon thì “điểm nhìn nghệ thuật” là “vị trí của người kể trong mối quan hệ với câu chuyện của anh ta”, theo đó Cuddon chia thành: người kể chuyện toàn tri, người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba [28]. Còn Henry James thì xác lập điểm nhìn chính là “mô tả cách thức tồn tại của tác phẩm như một hành vi mang tính bản thể hoặc
một cấu trúc hoàn chỉnh, tự trị đối với cá nhân nhà văn” và “Điểm nhìn là sự lựa chọn cự li trần thuật nào đó loại trừ được sự can thiệp của tác giả vào các sự kiện” [28]. Có thể thấy, điểm nhìn nghệ thuật là một bộ phận mấu chốt, quan trọng nhất của kết cấu. Nói một cách đơn giản, đó là một kỹ thuật quan trọng để đặt nền móng cho cấu trúc truyện và là một phương tiện để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Trong khóa luận tốt nghiệp này, chúng tôi sử dụng khái niệm “điểm nhìn nghệ thuật” của Từ điển thuật ngữ văn học, đó là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm” [7, tr.113].
Có thể nói, sự đổi mới, cách tân trong văn học cũng bắt đầu từ sự thay đổi, cách tân về điểm nhìn. Với văn học hiện đại, người ta đã quá quen thuộc với người kể chuyện toàn tri. Độc giả không phải làm gì khác ngoài việc chuyên tâm vào tác phẩm để tìm đến kết thúc cuối cùng. Nhưng văn học đương đại thì đang tìm cho mình một hướng đi khác. Điểm nhìn nghệ thuật đã có sự dịch chuyển và người ta cảm thấy ngỡ ngàng trước vùng hiện thực được khai phá từ sự chuyển dịch ấy và vì thế, người ta càng cố gắng chiếu lắp, tìm tòi những vị trí trần thuật khác nhau.
Kafka bên bờ biển đã thể hiện nỗ lực của Haruki Murakami trong việc xây dựng điểm nhìn nghệ thuật. Đồng hành cùng hai mạch truyện song song, Murakami đã thiết lập nên điểm nhìn không gian, điểm nhìn thời gian, điểm nhìn bên ngoài và cả điểm nhìn bên trong nữa.
Về điểm nhìn không gian, Murakami đã cho nhân vật của mình dịch chuyển qua nhiều vùng không gian khác nhau: từ nơi đô thị ồn ào đến vùng ngoại ô yên tĩnh, từ môi trường thường xuyên tiếp xúc với con người cho đến vùng núi rừng không có bóng người, từ căn nhà rộng lớn thênh thang nhưng ảm đạm, u uất đến khách sạn tồi tàn, từ nhà nghỉ phải trải futon đến căn hộ chung cư cao cấp… Những vùng không gian liên tục chuyển đổi và nhân vật cũng liên tục di dời. Mỗi không gian mới nhân vật lại càng có cơ hội thể hiện tính cách, quan niệm của mình. Toàn bộ truyện cũng tạo cho người ta cái cảm giác được nhìn theo hướng tiệm cận dần. Lời nguyền ban đầu xuất hiện mờ nhạt, ông lão Nakata chỉ quanh quẩn với công việc đi tìm mèo lạc, nhưng càng lúc, các sự kiện càng dày lên, xoắn kép, lồng ghép
vào nhau. Nghĩa là từng chút một, Murakami tiếp cận gần hơn các nhân vật của mình. Nói một cách hình tượng thì Haruki Murakami như một nhà quay phim, thong thả từng bước một tiến dần để mục tiêu để đưa cho người xem những khuôn hình chính xác nhất với độ cụ thể, rõ nét càng lúc càng tăng cao. Chính sự phóng chiếu từ xa đến gần này đã khiến người đọc càng hiếu kỳ đồng thời cũng thỏa mãn được những độc giả cầu toàn muốn nắm bắt tác phẩm một cách cụ thể nhất.
Điểm nhìn thời gian trong Kafka bên bờ biển được xác nhận với cái nhìn từ hiện tại. Không rút lui về quá khứ, cũng không hướng toàn diện về tương lai. Các nhân vật của Murakami chỉ đi lại trên trục thời gian hiện tại – quá khứ ấy mà không hề có chiều hướng đến tương lại. Kafka không ngừng suy nghĩ về những việc đã xảy ra ngày hôm qua, đêm hôm trước. Miss Saeki vẫn sống nhưng tâm trí bà mãi mãi dừng ở tuổi 20. Còn ông lão Nakata thì chỉ biết đến hiện tại, không hề có bất cứ ký ức nào: “Thực ra, lão cũng chẳng có ký ức” [16, tr.444], “Lão chỉ hiểu độc một cái, đó là hiện tại” [16, tr.444]. Chính việc lựa chọn điểm nhìn thời gian này, Murakami đã góp phần khẳng định thêm nỗi cô đơn và bế tắc cùng cực của kiếp người. Người ta không thể nghĩ đến việc gì khác ngoài hoài niệm về quá khứ và hoàn toàn vô phương trên con đường tìm kiếm tương lai. Hiện tại vỡ vụn với những đớn đau, quá khứ nổi rõ nhờ sự dằn vặt và tương lai mù mịt như đi trên một con đường không lối rẽ. Đây cũng là phần quan trọng trong cảm quan hậu hiện đại mà Murakami đã thể hiện.
Cấu trúc của Kafka bên bờ biển được phân tuyến rõ rệt: một tuyến của Kafka và tuyến còn lại của Nakata. Vì thế, không có gì là ngạc nhiên khi Haruki Murakami sử dụng hai điểm nhìn khác nhau cho hai tuyến truyện này. Ở tuyến của Nakata, Murakami sử dụng điểm nhìn bên ngoài, tương ứng với người kể chuyện ngôi thứ ba. Tác giả đóng vai trò là người dẫn dắt câu chuyện, kể lại cuộc hành trình của Nakata. Người đọc được tiếp cận cuộc hành trình ấy bằng một cái nhìn khách quan, cụ thể. Ngược lại, trong tuyến truyện của Kafka, điểm nhìn bên trong lại được sử dụng, đi kèm với nó là người kể chuyện ngôi thứ nhất. Kafka là người nắm giữ vai trò dẫn truyện. Đi theo dòng cảm xúc của cậu bé mười lăm tuổi, người đọc
khám phá thêm bao điều về chuyến bỏ nhà ra đi ấy. Để bộc lộ rõ hơn nội tâm của Kafka, Murakami còn sử dụng hình thức đối thoại nội tâm giữa Kafka và Quạ - tượng trưng cho phần lý trí trong cậu. Chính điểm nhìn bên trong này đã khiến độc giả có cảm giác như xâm nhập được hoàn toàn vào tâm trí nhân vật, từ đó cung cấp cho độc giả một hướng tiếp cận mới với tác phẩm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù tồn tại nhiều điểm nhìn nghệ thuật nhưng tài năng của Haruki Murakami là ở chỗ ông đã khéo léo kết hợp chúng một cách nhuần nhuyễn. Điểm nhìn không gian không tách khỏi điểm nhìn thời gian. Trong khi sử dụng điểm nhìn bên ngoài để soi chiếu nhân vật Hoshino, Murakami vẫn sử dụng điểm nhìn bên trong thông qua độc thoại nội tâm để giúp bạn đọc thấy rõ suy nghĩ của tay tài xế xe tải này. Việc sử dụng đa dạng các điểm nhìn trong Kafka bên bờ biển đã gợi ý cho độc giả những hướng tiếp cận khác nhau đã trổ ra nhiều khung cửa sổ để cho tác phẩm hướng đến những ý nghĩa mới đồng thời khẳng định tài năng bậc thầy của Haruki Murakami.