7. Cấu trúc của khóa luận
1.2.2. Người kể chuyện tài ba của dòng văn học đương đại
Vì xuất thân là một nhà văn Anh gốc Nhật nên điều này đã ảnh hưởng khá sâu sắc tới quan điểm sáng tác của Ishiguro. Những bước chân đầu trên hành trình viết tiểu thuyết của mình, Kazuo Ishiguro cảm thấy như đang sắm vai một phóng viên ngoại ngoại quốc để kể cho người London biết nước Nhật là gì, “như người có sứ mạng giải thích phương Đông cho phương Tây” [21]. Trong một bài phỏng vấn sau khi đạt giải Nobel, ông từng chia sẻ: “Tôi luôn nói rằng trong suốt sự nghiệp của tôi mặc dù tôi đã lớn lên ở đất nước này và tôi được đào tạo ở đất nước này, phần lớn trong cách nhìn của tôi ở thế giới, phương pháp tiếp cận nghệ thuật của tôi, là tiếng Nhật, bởi vì tôi đã được nuôi dạy bởi cha mẹ người Nhật, nói bằng tiếng Nhật và tôi luôn nhìn thế giới qua đôi mắt của bố mẹ tôi” [22]. Chính thế mà trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình – Cảnh đồi mờ xám và An Artist of the Floating World (tạm dịch: Người nghệ sĩ của thế giới trôi nổi), Ishiguro đã đặt hầu hết bối cảnh của tác phẩm ở Nhật Bản. Hai cuốn tiểu thuyết là sự phản ánh cảm xúc cá nhân của Ishiguro về di sản Nhật Bản, và một sự phản ánh hư cấu về ý thức bản sắc của ông, như được trình bày thông qua việc vẽ lại một Nhật Bản trong tưởng tượng thời trẻ.
Tuy nhiên, trên con đường sáng tác văn chương, sau hai cuốn tiểu thuyết đầu tay, Ishiguro đã nhận ra sự thay đổi quan điểm sáng tác của mình. Dần dần ông đã làm sáng tỏ hàng loạt các câu hỏi về quan hệ giữa mình với Nhật Bản và về những truyền thống gắn bó với Anh Quốc. Từ nhỏ ông đã rời khỏi nước Nhật, mặc dù sau này có quay lại nơi đây trong một chuyến đi ngắn hạn, nhưng cuộc đời Ishiguro đã gắn bó tới mức ông cảm thấy thoải mái khi ở London mà không cần ngày nào cũng nghĩ tới Nhật Bản. Những đề tài từng đeo đẳng Ishiguro trước đây như viết về Nhật Bản, phương Đông – phương Tây, bản sắc lai tạp... ngày càng lùi xa dần. Vì bản thân có một người mẹ từng kinh qua cuộc khủng bố bom hạt nhân kinh hoàng, hay từng trải qua trận đại chiến thế giới lần hai mà đã ảnh hưởng sâu sắc đến đề tài của Ishiguro. Ông từng nói: “Tôi có xu hướng bị thu hút bởi bối cảnh trước chiến tranh và sau chiến tranh bởi vì tôi quan tâm đến việc kinh doanh các giá trị và lý tưởng đang được thử nghiệm này” [24]. Đề tài lịch sử thời tiền – hậu chiến tranh dường như xuất hiện xuyên suốt trên con đường sáng tác của ông. Từ Cảnh đồi mờ xám đến An Artist of the Floating World lần lượt lấy bối cảnh Nhật Bản thời kì bị chiếm đóng, sau khi trải qua vụ ném bom Nagasaki – Hiroshima. Hay Tàn ngày để lại lấy bối cảnh ngôi nhà nông thôn rộng lớn của một lãnh chúa người Anh trong thời kỳ xung quanh Thế chiến thứ hai. Trong When we were orphans, anh chàng thám tử Christopher Banks khi quay lại Thượng Hải đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần hai. Đến Người khổng lồ ngủ quên, Ishiguro đã vẽ ra một đất nước
- 32 -
Anh thời kì hậu huyền thoại Arthur, sau chiến tranh phân giành lãnh thổ của người Saxon và Britons. Có thể thấy, trong sự nghiệp tiểu thuyết gồm 8 tác phẩm của mình, ông đã giành đến 5 cuốn để viết về con người thời kì hậu chiến. Đặt bối cảnh tác phẩm trong những giai đoạn bên lề lịch sử ấy, Ishiguro vẫn không nằm ngoài tâm thức chung của con người thời hậu chiến, mang nặng tâm hồn cuộc khủng hoảng căn cước với những vụn vỡ, đau thương, âu lo, khắc khoải, mông lung, bất định cả trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Bởi thế, tiểu thuyết của ông luôn là những trang viết bận tâm về ký ức và những khắc khoải đầy mất mát trong quá khứ, điều này không chỉ thể hiện trong các đề tài lịch sử mà còn ở các đề tài trinh thám như The Unconsoled, When we were orphans hay ở đề tài khoa học viễn tưởng như Mãi đừng xa tôi, Klara and the Sun (tạm dịch: Klara và mặt trời).
Tóm lại, sự nghiệp tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro có 3 mảng đề tài chính: lịch sử thời hậu chiến, trinh thám và khoa học viễn tưởng, nhưng chúng vẫn thống nhất với nhau về mặc tư tưởng chủ đạo, đó là viết về sự hồi ức và phản ánh những đau thương của con người trong quá khứ, những vụn vỡ và sai lầm mà họ muốn chôn vùi trong ký ức. Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển – bà Sara Danius, từng đánh giá về văn chương của Ishiguro: “Ông ấy là người rất có hứng thú trong việc thấu hiểu quá khứ, nhưng ông ấy không bù đắp quá khứ, mà khai thác những gì chúng ta đã phải quên đi để tồn tại...” [24]. Hầu hết các câu chuyện của ông đều khai thác mối tương quan đầy cảm xúc giữa ký ức và sự lãng quên, giữa lịch sử và hiện tại, giữa ảo tưởng và thực tế. Những đề tài ông phản ánh càng góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đạo này, bởi thế người ta đánh giá Kazuo Ishiguro là nhà văn của “ký úc, thời gian và sự tự huyễn hoặc”. Đọc tiểu thuyết của Ishiguro, người ta như bị lạc vào những miền sâu của sự hồi cố về mặt tâm trí, thời gian quá khứ và hiện tại bị xáo trộn, không gian thực và ảo dường như bất định. Chính vì lối kể chuyện hấp dẫn và cái nhìn sâu sắc về con người ấy, Kazuo Ishiguro nhanh chóng giành được một vị trí đắt giá trong dòng văn học đương đại. Là một nhà văn thành công cả khía thương mại lẫn nghệ thuật, ông được đanh giá là một trong những nhà văn nổi tiếng hàng đầu trên khắp thế giới hiện nay, đã từng đem về cho mình rất nhiều giải thưởng lớn, đặc biệt là giải Nobel văn học 2017. Ta có thể tóm gọn hành trình sáng tác tiểu thuyết của Ishiguro cùng những giải thưởng thu về như sau: 1. Cảnh đồi mờ xám (1982) giành về Giải thưởng tưởng niệm Winifred Holtby (1982) và giải Granta 'Tiểu thuyết gia trẻ người Anh xuất sắc nhất' (1983).
2. An Artist of the Floating World (tạm dịch: Người nghệ sĩ của thế giới trôi nổi, 1986) giành về Giải Whitbread (1986).
- 33 -
3. Tàn ngày để lại (1989) bốn lần đề cử Man Booker Prize cũng như giành lấy giải này vào 1989.
4. The Unconsoled (tạm dịch: Khôn nguôi, 1995) giành lấy giải thưởng tiểu thuyết Whitbread (1995), giải Premio Scanno (Ý, 1995) và giải thưởng Cheltenham (1995).
5. When We Were Orphans (tạm dịch: Thời chúng ta mồ côi, 2000) giành lấy giải thưởng Sách hư cấu (2000) và giải thưởng tiểu thuyết Whitbread (2000).
6. Mãi đừng xa tôi (2005) giành lấy Giải thưởng Sách của Anh dành cho Tác giả của năm 2006, Giải thưởng Nhà văn Khối thịnh vượng chung (Khu vực Á-Âu, Sách hay nhất, 2006), Giải Man Booker cho Sách hư cấu và giải James Tait Black Memorial Prize (dành cho tiểu thuyết, 2010).
7. Người khổng lồ ngủ quên (2015) giảnh lấy giải thưởng danh giá Nobel văn học (2017).
8. Klara and the Sun (2021) lọt vào danh sách dài cho Giải Man Booker 2021. ———————————————
Tiểu kết:
Ở chương 1, chúng tôi đã khái quát sơ lược về ngành nghiên cứu tự sự học, là bộ môn khoa học có lịch sử lâu đời, được manh nha hình thành từ thời cổ đại xa xưa và chủ yếu là lấy trường phái hình thức Nga, chủ nghĩa cấu trúc luận Pháp làm tiền thân mạnh mẽ để phát triển qua hai giai đoạn là: Tự sự học kinh điển và Tự sự học hậu kinh điển. Hệ thống hầu hết lý luận về tự sự học, chúng tôi đã khái quát các khái niệm và đặc trưng cơ bản của bộ môn này như nghệ thuật tự sự, kết cấu truyện kể, người kể chuyện mang điểm nhìn trần thuật và giọng kể, nhân vật tự sự và không – thời gian tự sự, cũng như làm rõ những mối liên hệ chặt chẽ của những yếu tố này với nhau trong một tổng thể cũng như những khác biệt cơ bản so với Thi pháp học. bên cạnh đó, trong chương 1 này còn nhấn mạnh về cuộc đời của Kazuo Ishiguro – một nhà văn người Anh gốc Nhật, phân tích những yếu tố về mặt gia đình và sở trường âm nhạc đã ảnh hưởng sâu sắc đến con đường sáng tác tiểu thuyết của ông. Từ đó cho thấy tài năng của một người kể chuyện tài ba trong dòng văn học đương đại, một nhà văn của miền ký ức.
- 34 - Chương 2
TỔ CHỨC KẾT CẤU TRUYỆN KỂ
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA KAZUO ISHIGURO 2.1. Truyện kể và truyện gốc trong tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro
Ở chương 1, chúng tôi đã phân biệt giữa hai khái niệm truyện kể (cốt truyện tự sự) với truyện gốc (cốt truyện biên niên) và cho thấy mối quan hệ tác động qua lại giữa chúng. Mặc dù nói nghệ thuật tự sự không quan tâm đến cốt truyện truyền thống mà chỉ đi phân tích kết cấu truyện kể của văn bản tự sự, nhưng cốt truyện chính là cái gốc ban đầu để tác giả viết nên câu chuyện theo cách kể của mình. Để giải mã thấu đáo và tường tận truyện kể trong tiểu thuyết của Ishiguro thì chúng ta phải xem xét ở cả hai khía cạnh này.
2.1.1. Sơ lược về truyện gốc
Truyện gốc trong tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro là sự liên tiếp của những sự kiện mắc nối nhau theo trình tự thời gian tuyến tính trước sau, là câu chuyện mà độc giả sau khi đọc xong tác phẩm có thể tóm tắt tuần tự lại. Tất nhiên, tiểu thuyết của Ishiguro mang đậm phong cách của nghệ thuật tự sự hiện đại nên không tổ chức theo kết cấu này. Bởi cốt truyện truyền thống dường như đã quá lỗi thời trong văn chương hiện nay, nó không còn đủ hấp dẫn để lôi cuốn độc giả cũng như không thể truyền tải một lượng thông điệp lớn của tác giả. Tuy nhiên, để dễ dàng phân tích cấu trúc truyện kể trong tiểu thuyết của ông, thì chúng tôi vẫn sẽ xây dựng nên một cốt truyện sơ lược qua khảo sát ba cuốn tiểu thuyết trọng tâm của đề tài.
Tàn ngày để lại là cuốn tiểu thuyết đánh dấu tiếng nói của Kazuo Ishiguro trên văn đàn văn học thế giới, một cuốn tiểu thuyết đầy sự chiêm nghiệm sâu sa ẩn bên dưới một cốt truyện vô cùng đơn giản và nhẹ nhàng. Câu chuyện được lấy bối cảnh ở nước Anh trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai, kể về cuộc đời làm quản gia trong dinh thự Darlington – một trong những dinh thự cổ điển bậc nhất nước Anh, của Stevens và chiệm nghiệm về những lý tưởng làm nghề của ông để đạt được cái “phẩm cách” của một người quản gia. Câu chuyện có thể chia thành những sự kiện chính như sau:
Sự kiện 1: Thời nhỏ Steven luôn được cha của mình – một người quản gia hình mẫu đối với Stevens, hướng đến những “phẩm cách” cần có của một người quản gia vĩ đại qua những câu chuyện của ông. Khi trưởng thành Stevens tiếp nối con đường cha mình và làm quản gia ở dinh thự Darlington danh giá.
Sự kiện 2: Chủ nhân của dinh thự, huân tước Darlington là một người có phẩm tước cao trong xã hội nước Anh bây giờ, thường tổ chức các buổi họp mặt chính trị tại tư gia
- 35 -
với các quan chức cấp cao. Điều này khiến cho Stevens có nhiều cơ hội bộc lộ tài năng của một người quản gia chuyên nghiệp và cũng như có dịp để trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với những người bạn đồng liêu bên lò sưởi sau giờ làm.
Sự kiện 3: Năm 1920, huân tước Darlington đến Berlin và chứng kiến sự khủng hoảng cũng như cảnh sống khắc nghiệt của người dân Đức, khiến cho ông có một cái nhìn thiện cảm đối với Đức Quốc xã mà quyết tâm níu giữ tình hữu nghị giữa các nước châu Âu với nhau mặc cho sự chửi bới của dư luận.
Sự kiện 4: Mùa xuân năm 1922, cha của Stevens và cô Kenton cùng đến dinh thự Darlington để làm việc, từ đó giữa Stevens với cô nội quản Kenton luôn xảy ra xích mích xoay quanh vấn đề về ông William Stevens không còn đủ sức khỏe để đảm nhận những công việc quan trọng.
Sự kiện 5: Tháng 3 năm 1923, tại dinh Darlington tổ chức một buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều quý tộc đến từ các nước nhằm kêu gọi châu Âu dừng lại chính sách trừng phạt Đức Quốc xã bởi vấn đề nhân đạo do Huân tước Darlington chủ trì. Vì tính chất quan trọng của buổi tọa đàm mà huân tước yêu cầu Stevens cắt giảm công việc của cha ông đi – một điều khó chấp nhận đối với ông William Stevens.
Sự kiện 6: Trong khi một buổi hội đàm diễn ra thì ông William Stevens lên cơn đột quỵ và ra đi, còn Stevens vẫn cố gắng không quan tâm điều đó để hoàn thành trách nhiệm bổn phận của một người quản gia trong thời khắc quan trọng đối với vận mệnh của châu Âu. Sự kiện 7: Vì vấn đề bài Do Thái nhạy cảm nên huân tước Darlington đã yêu cầu Stevens thôi việc hai cô hầu gái người Do Thái dưới quyền của nội quản Kenton, điều này đã gây ra sự bất hòa sâu sắc giữa cô Kenton với Stevens. Kenton đã dọa thôi việc nhưng sau đó cô thú nhận rằng mình sợ không còn nơi đi sau khi ra khỏi dinh thự.
Sự kiện 8: Kenton bắt đầu tận dụng nhiều ngày nghỉ để ra ngoài, nhận nhiều thư hơn trước kia làm Stevens lo lắng cô sẽ thôi việc ở dinh Darlington để kết hôn. Một lần đưa thư cho Kenton, ông phát hiện nội dung bức thư nói đến việc dì của cô đã chết. Sau đó cô Kenton đã lơi là công việc và thường mắc những lỗi nhỏ, điều trước đây không hề có.
Sự kiện 9: Một tối, dinh Darlington tổ chức buổi gặp mặt “kín” giữa huân tước với Thủ tướng Anh và Đại sứ Đức Herr Ribbentrop, anh Cardinal trẻ tuổi đã tiết lộ cho Stevens biết sự thực Huân tước Darlington đang bị Hitler lợi dụng lòng tốt quân tử để thực hiện những thủ đoạn chính trị của Đức Quốc xã. Cũng trong tối đó, cô Kenton thông báo cho Stevens biết cô sẽ kết hôn và rời dinh Darlington, Stevens lại lờ đi để phục vụ cho sự kiện đang diễn ra của chủ nhân ngôi nhà.
- 36 -
Sự kiện 10: Những đường lối của huân tước Darlington làm cho nước Anh chịu nhiều tổn thất trong thế chiến hai. Bởi vậy khi chiến tranh kết thúc, ông bị dư luận chỉ trích nặng nề và mất đi thanh danh, chết trong ô nhục. Sau đó dinh Darlington đã được bán lại cho ông Farraday – một quý tộc Mỹ và dần mất đi vẻ hào nhoáng năm xưa.
Sự kiện 11: Năm 1956, nhận được lá thư của cô Kenton sau 20 năm không gặp, cùng lời đề nghị của ông chủ Farraday, Stevens đã thực hiện một chuyến du hành sáu ngày về miền Tây nước Anh nhằm cải thiện những chất lượng phục vụ ở dinh thự và chấm dứt những sa sút hiện tại.
Sự kiện 12: Trong cuộc hành trình, Stevens đi qua nhiều thành phố và thị trấn, ngắm nhiều cảnh đẹp ở nước Anh. Buổi tối ngày thứ ba của chuyến hành trình, xe Stevens hết xăng và ông phải ở nhờ nhà ông bà Taylor tại ngôi làng Moscombe.
Sự kiện 13: Tại bữa tối ở nhà ông bà Taylor, Stevens phải tiếp chuyện với nhiều người hàng xóm láng giềng nơi đây xoay quanh các vấn đề chính trị hay “phẩm cách” quý tộc bởi họ tưởng nhầm Stevens là một quý ông thực thụ.
Sự kiện 14: Qua ngày thứ tư, nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Carlise, Stevens đã đến được Cornwall. Tại đây, ông gặp lại và ôn chuyện cũ với bà Benn, tức cô Kenton đã kết hôn hơn hai mươi năm. Bà Benn thừa nhận đã tự hỏi liệu mình có sai lầm khi kết hôn hay không, nhưng nói rằng bà đã yêu chồng và mong chờ đứa cháu ngoại sắp ra đời.
Sự kiện 15: Sau buổi gặp mặt, Stevens đến thị trấn Weymouth và ở lại hai ngày để ngắm nhìn vẻ đẹp nơi đây. Ở đó, ông đã suy nghĩ về những cơ hội đã mất, cả với cô Kenton và liên quan đến hàng chục năm phục vụ quên mình của ông dành cho Huân tước Darlington.