CHIẾC LÁ ÐƯA THẲNG VÀO THỰC TẠI VÔ NIỆM

Một phần của tài liệu Trai Tim Mat Troi - HT Nhat Hanh (Trang 63 - 64)

Phái thiền Lâm Tế ngày xưa ưa xử dụng công án. Lợi khí của một công án nằm ở chỗ nó bắt người hành giả nhớ tới nó, và như vậy nó tạo được định lực, được công phu quán niệm thường xuyên. "Mặt mũi thật của ngươi trước khi cha mẹ ngươi sinh ra ngươi ra sao ? " hoặc "Thế nào là tiếng vổ của một bàn tay" hoặc "Tất cả đi về một, một đi về đâu" là những công án trình bày trong hình thức nghi vấn. Dấu hỏi có năng lực thu hút sự chú ý. Những công án khác như "Con chó không có Phật tính" (26), hoặc "Quách nhiên vô thánh" ( 27 ), hoặc "Ðầu Trí Tạng bạc, đầu Hoài Hải xanh" (28), tuy không nằm trong hình thái câu hỏi nhưng vẫn có tác dụng tạo ra nghi vấn. Nghi tình, như vậy, là một yếu tố quan trọng trong lối thiền tập xử dụng công án. Những công án đưa ra có tác dụng làm rạn nứt khái niệm, nhưng cũng có khi vô tình giam hãm người hành giả quá lâu trong vòng suy tư và lý luận trên căn bản ý niệm. Thường thì chỉ khi nào đi đến chỗ mệt nhoài và bế tắc cùng cực vì khái niệm, hành giả mới chịu vượt thoát ý niệm. Nhược điểm của thiền công án là ở chỗ đó.

Người thực hành các phép quán như "tương tức" hoặc "diệu hữu" tuy có thể lấy bất cứ hiện tượng nào làm đối tượng thiền quán nhưng cũng nên sắp đặt để an trú lâu dài với đối tượng ấỵ Ðề tài không có tính cách "nát óc" ( énigmatique ) như công án, nhưng nếu thiền giả quyết tâm hạ thủ công phu thì cũng có thể đặt nó đêm ngày trong sự quán chiếụ Lợi điểm của loại đề tài này (như mặt trời, chiếc lá, con sâu v.v... ) là tránh được cho hành giả những ngày giờ phí phạm trong việc xử dụng trí năng để tìm một câu giải đáp không thể có cho những nghi vấn thực ra không phải là những nghi vấn có thể giải đáp bằng trí năng. Mặt trời, chiếc lá hay con sâu chỉ có thể đưa thẳng hành giả vào thực tại vô niệm.

---o0o---

Một phần của tài liệu Trai Tim Mat Troi - HT Nhat Hanh (Trang 63 - 64)