Phát triển kinh tế tập thể là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Đơn Dương, mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp đã được hình thành và phát triển như một xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường.
Trên địa bàn huyện Đơn Dương hiện nay 10 HTX hoạt động theo các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi, NN và nông nghiệp tổng hợp. Qua nhiều năm hoạt động, một số HTX, đã phát huy được vai trò của mình trong việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là từng bước hình thành việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.
Điển hình tiêu biểu như HTX chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt xã Tu Tra khi mới thành lập chỉ có 16 xã viên, nay đã kết nạp 65 xã viên duy trì hoạt động hiệu quả. HTX đã thu hút các dự án từ bên ngoài như Dự án cạnh tranh nông nghiệp đã hỗ trợ 118 con bò sữa tổng kinh phí 6 tỷ đồng, trong đó kinh phí của dự án là 2,4 tỷ đồng, phần còn lại xã viên đối ứng. Dự án của Chi cục phát triển nông thôn hỗ trợ 6 máy vắt sữa; Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hỗ trợ 5 máy vắt sữa và 5 máy băm cỏ. HTX thực hiện các dịch vụ thú y, liên kết chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sữa với giá cạnh tranh. Qua đó, đã tạo sự ổn định và phát triển cho các hộ thành viên chăn nuôi bò sữa, chỉ trong 3 năm, bộ mặt thôn Cầu Sắt đã thay đổi với những ngôi nhà xây trị giá bạc tỷ của người chăn nuôi.
Việc liên kết trong sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể là một xu thế tất yếu trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Đó là cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, đăng ký chất lượng và tổ chức sản xuất áp dụng kỹ thuật công nghệ cao nhằm cho ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ cho nhu cầu nội địa và vươn tới thị trường nước ngoài (Minh Mạnh, 2019).