SỰ ĐAU KHỔ CỦA ĐỘNG VẬT

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 53 - 58)

Việc liệu lợi ích của chúng ta trong việc ăn thịt động vật có lớn hơn lợi ích của chúng khi không bị ăn thịt (tạm giả định rằng đó là lợi ích của chúng) rốt cuộc còn tùy thuộc vào vấn đề gây nhiều tranh cãi là sự đau đớn của động vật. Gây tranh cãi là bởi, về mặt nào đó, ta không thể biết được một con bò, một con lợn hay một con vượn nghĩ gì. Tất nhiên, ta có thể nói điều tương tự về những con người khác, nhưng vì mọi con người đều được lập trình theo cách gần như nhau nên chúng ta có lý do để giả định rằng cảm giác về nỗi đau của những người đó cũng giống với chúng ta. Liệu chúng ta có thể nói điều tương tự về động vật hay không? Có - và không.

Tôi chưa tìm được một tác giả nào viết nghiêm túc về chủ đề này mà vẫn tán thành niềm tin của Descartes rằng động vật không thể cảm thấy đau vì chúng không có tâm hồn. Các nhà khoa học và

triết học đều nhất trí rằng, về cảm giác đau, những động vật bậc cao được lập trình khá giống với chúng ta vì những lý do tiến hóa tương tự, vì thế chúng ta nên tin rằng loài chó biết đau khi nhìn thấy vẻ mặt đau đớn của chúng lúc bị đá.

Việc động vật biết đau đớn dường như không còn gì nghi ngờ nữa. Tuy nhiên, những người bảo vệ quyền động vật tuyên bố vẫn còn có những nhà khoa học và nhà tư tưởng theo thuyết Descartes mới lập luận rằng động vật không biết tới sự đau khổ (suffering) vì chúng không có ngôn ngữ. Tuy nhiên nếu ta thực sự chịu khó đọc những tác giả đang gây tranh cãi (Daniel Dennett và Stephen Budiansky là hai trong số những tác giả thường xuyên được trích dẫn), ta nhanh chóng nhận ra rằng họ đang bị chế nhạo một cách không công bằng.

Lập luận gây khó chịu, mà tôi thấy không phải là không hợp lý, là cảm giác đau ở con người lớn hơn cảm giác đau ở động vật rất nhiều. Sự chênh lệch định tính này phần lớn là do chúng ta có ngôn ngữ, và nhờ có ngôn ngữ mà chúng ta có khả năng tư duy và tưởng tượng. Nhà triết học Daniel Dennett cho rằng chúng ta có thể phân biệt cảm giác đau, mà rất nhiều động vật rõ ràng đều nếm trải, với sự đau khổ, phụ thuộc vào một trình độ nhận thức nhất định mà có vẻ như chỉ ít loài mới có. Theo quan điểm này, sự đau khổ không chỉ là cảm giác đau đớn về thể xác mà còn là cảm giác đau đó bị khuếch đại bởi những cảm xúc chỉ có ở con người như tiếc nuối, thương thân, xấu hổ, nhục nhã và sợ hãi.

Hãy xem xét việc bị thiến, một trải nghiệm mà phần lớn động vật có vú giống đực mà chúng ta ăn đều phải chịu đựng. Không ai phủ nhận rằng cuộc phẫu thuật này rất đau đớn đối với động vật, tuy nhiên rất nhanh sau đó, con vật có vẻ hoàn toàn bình thường trở lại (một số con khỉ nâu đực khi tranh giành con cái sẽ cắn đứt tinh hoàn của đối thủ; nhưng hôm sau có thể vẫn thấy nạn nhân

giao phối, chẳng có vẻ gì là bị tổn thương). Rõ ràng, sự đau khổ của một người hiểu rõ những hàm nghĩa của việc bị thiến, có thể hình dung trước về sự việc đó và suy ngẫm về hậu quả của nó, biểu thị một nỗi đau đớn ở một cấp độ khác.

Tuy nhiên, ngôn ngữ và những hệ quả của nó cũng khiến cho một số cảm giác đau trở nên dễ chịu đựng hơn. Mỗi lần đi khám răng sẽ là một lần đau đớn của một con vượn vì nó không thể hiểu được mục đích và thời gian diễn ra của quá trình đó.

Khi con người suy ngẫm về sự đau khổ hay cảm giác đau của động vật, chúng ta không nên cho rằng chúng cũng có cảm giác như chúng ta khi trải qua cùng sự việc đó. Nhìn cả đàn bò đực lừng lững bước trên đoạn dốc tới cửa sàn giết mổ, như tôi đã từng chứng kiến, tôi buộc phải tự nhắc nhở mình rằng đây không phải là Sean Penn trong phim Dead Man Walking[85] rằng cảnh đó sẽ rất khác trong bộ não một con bò, nơi may thay không có khái niệm về sự không tồn tại. Điều tương tự cũng đúng với con hươu nhìn chằm chằm vào nòng súng trường của người đi săn. “Nếu chúng ta không nhìn thấy sự đau khổ trong cuộc sống của những loài động vật,” Daniel Dennett viết trong cuốn Kinds of Minds[86], “thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm rằng không có nỗi đau khổ vô hình nào nằm ở đâu đó trong não của chúng. Nếu tìm thấy sự đau khổ, chúng ta ắt sẽ dễ dàng nhận ra.”

Điều đó đưa chúng ta - một cách lưỡng lự, nhưng cần thiết - tới trang trại công nghiệp Mỹ, nơi tất cả những sự phân biệt này ngay lập tức tan biến. Không dễ gì vạch được ranh giới giữa cảm giác đau và sự đau khổ trong một trang trại trứng hoặc lợn thiến hiện đại. Đây là nơi mà những sự tinh tế của triết lý đạo đức và nhận thức về động vật chẳng có chút giá trị nào, và quả thực mọi thứ chúng ta biết về động vật ít nhất kể từ thời Darwin đơn giản là bị… gạt qua một bên. Tới thăm một Trại Chăn nuôi Gia súc Tập trung

(CAFO) là bước vào một thế giới, với tất cả những sự phức tạp về công nghệ, vẫn được thiết kế theo nguyên tắc Decartes từ thế kỷ 17: động vật bị coi như những cỗ máy - “những đơn vị sản xuất - không có khả năng cảm thấy đau. Vì không một con người có duy nghĩ nào còn tin nổi điều đó, nên ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp giờ phụ thuộc vào việc những người điều hành trại chăn nuôi thôi hoài nghi nguyên tắc ấy còn những người khác thì sẵn sàng làm ngơ.

Từ những gì tôi đọc được, trang trại trứng là nơi tồi tệ nhất; tôi chưa từng vào được trang trại trứng nào vì ở đó họ không chào đón các nhà báo. Bò thịt ở Mỹ ít nhất cũng còn sống ngoài trời, mặc dù đứng trong đồng chất thải ngập đến mắt cá chân của chính chúng và ăn theo thực đơn khiến chúng phát ốm. Còn bọn gà giò, mặc dù bị cắt mỏ bằng dao nóng để chúng không mổ lẫn nhau do căng thẳng vì bị giam cầm, ít nhất cũng không sống trong loại chuồng nhỏ tới mức không bao giờ duỗi được cánh.

Định mệnh đó được dành riêng cho gà mái đẻ trứng của Mỹ, là loài sống những ngày ngắn ngủi cùng với nửa tá gà mái khác trong chuồng dây thép chỉ rộng bằng đúng bốn trang của cuốn sách này. Mọi bản năng tự nhiên của con gà mái này bị cản trở, dẫn tới một loạt những “hành vi xấu”, bao gồm cả việc ăn thịt đồng loại trong cùng chuồng và cọ ức vào lưới thép cho đến khi trụi hết lông và chảy máu (đây là lý do chính khiến gà giò không bị giam trong chuồng; phần thịt ức có giá trị cao mà sứt sẹo sẽ gây thiệt hại về doanh thu). Cảm giác đau? Sự đau khổ? Nỗi tức giận? Việc ngừng hoài nghi phụ thuộc vào sự chấp thuận những từ ngữ miêu tả trung tính hơn, như “thói xấu”, “khuôn mẫu” và “căng thẳng”. Nhưng cho dù bạn có muốn gọi điều diễn ra bên trong những cái chuồng đó là gì, thì khoảng 10% số gà mái không thể chịu đựng được điều đó mà chết sẽ được tính vào chi phí sản xuất. Và khi sản

lượng của những con sống sót bắt đầu suy giảm, lũ gà mái sẽ bị “ép rụng lông” - không được cung cấp thực phẩm, nước và ánh sáng trong vài ngày nhằm thúc đẻ lần cuối trước khi công việc của đời của chúng kết thúc.

Tôi biết, nếu chỉ đơn thuần thuật lại những thực tế này, mà phần lớn được rút ra từ các tạp chí thương mại về gia cầm, thì tôi có vẻ giống một người bảo vệ quyền động vật, phải không? Tôi không có ý như vậy (hãy nhớ rằng, tôi tham gia vào vụ ăn chay này với giả định rằng tôi vẫn có thể tiếp tục ăn trứng gà), nhưng đây là điều có thể xảy ra với ta khi… ta nhìn. Và cái mà ta thấy khi ta nhìn chính là sự tàn bạo - và sự đui mù trước sự tàn bạo - cần thiết để sản xuất ra loại trứng gà có thể được bán với giá bảy mươi chín xu một tá.

Luôn có sự xung đột giữa động cơ tối đa hóa hiệu quả bằng mọi giá của chủ nghĩa tư bản với những nhu cầu đạo đức của văn hóa, vốn đóng vai trò là đối trọng với sự mù quáng về đạo đức của thị trường từ trước tới nay. Đây là một ví dụ nữa về những mâu thuẫn văn hóa của chủ nghĩa tư bản - xu hướng ngả theo kinh tế theo thời gian dần dần xói mòn nền móng đạo đức của xã hội. Sự thương xót đối với những con vật mà chúng ta trông nom sẽ là một trong những mất mát như vậy.

Trại chăn nuôi công nghiệp là cái liếc nhìn ác mộng vào những gì chủ nghĩa tư bản có thể làm nếu không có bất kỳ sự bắt buộc nào của đạo đức hay theo quy định (không phải tình cờ mà các công nhân không có công đoàn trong những trại chăn nuôi này được quan tâm còn ít hơn những con vật mà họ chăm sóc). Ở đây, ở những nơi thảm hại này, bản thân sự sống được định nghĩa lại - là “sự sản xuất protein” - và kèm theo đó là “sự đau khổ”. Cái từ đáng kính này lại trở thành “sự căng thẳng”, một vấn đề kinh tế đang tìm kiếm một giải pháp có hiệu quả về chi phí nào đó như

bấm mỏ gà hoặc cắt ngắn đuôi lợn hoặc, theo sáng kiến mới nhất của ngành này, đơn giản là loại bỏ “gien căng thẳng” ở lợn và gà. Tất cả những chuyện đó nghe có vẻ rất giống với những cơn ác mộng tồi tệ nhất về giam cầm và tra tấn của chúng ta, nhưng đó cũng là cuộc sống thực của hàng tỷ động vật kém may mắn khi sinh ra bên dưới những mái nhà bằng tấm lợp kim loại đáng sợ này và phải sống cuộc đời ngắn ngủi, khắc nghiệt như một cỗ máy sản xuất trước khi gien đau khổ được phát hiện ra.

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 53 - 58)