Một tuần sau, tôi đã được áp dụng kiến thức đó, khi tôi trở lại chỗ cây sồi gần nhà và tìm thấy bên dưới gốc cây một mỏ nấm mồng gà. Tôi không nghĩ đến chuyện phải mang theo túi, nhưng nấm mồng gà nhiều hơn mức tôi có thể cầm về, vì thế tôi dùng áo phông đựng, gấp lên phía trước bụng như một cái giỏ, rồi tống đầy vào đó những cây nấm lớn, dính đầy bùn. Tôi thu hút cái nhìn của những người đi ngang qua - những cái nhìn ghen tị, tôi quyết định như vậy, mặc dù lúc đó tôi phấn khởi đến mức có thể tôi đã nhầm. Giờ đây tôi cũng đã có một điểm, và giống như chỗ của Jean- Pierre, nó ở ngay trong thành phố (xin đừng hỏi tôi chỗ đó ở đâu; tôi không muốn phải giết bạn đâu).
Sau khi mưa ngừng rơi vào tháng Tư, mùa nấm mồng gà năm đó kết thúc, và không còn cây nấm nào đáng kể để săn tìm cho tới khi nấm moscela xuất hiện vào tháng Năm. Tôi dành thời gian trước thời điểm đó để đọc về nấm và nói chuyện với những nhà nghiên cứu nấm, hy vọng trả lời được một số câu hỏi mà tôi đã tập hợp về loài nấm, một hình thái sống mà tôi bắt đầu cho rằng hết sức bí ẩn. Điều gì tạo ra cây nấm; chúng được tạo ra ở đâu và khi nào? Tại sao nấm mồng gà gắn với sồi còn nấm moscela thì gắn với thông? Tại sao dưới tán cây này mà không phải cây khác? Chúng sống bao lâu? Tại sao một số loại nấm sản xuất ra chất độc chết người, chưa kể tới chất gây ảo giác và vô vàn vị ngon lành? Tôi áp
dụng quan điểm của người làm vườn cho những loài giống với thực vật này, nhưng tất nhiên chúng không phải là thực vật, và kiến thức về thực vật hoàn toàn vô dụng nếu ta tìm hiểu về nấm, trên thực tế là loài có liên quan đến động vật nhiều hơn thực vật.
Tình cờ là câu trả lời cho phần lớn các câu hỏi của tôi về nấm, thậm chí cả những câu dễ hiểu nhất, lại rất mơ hồ. Thật vậy, đúng là đáng xấu hổ khi nhận ra chúng ta hầu như chẳng biết gì về nấm, vương quốc thứ ba của cuộc sống trên Trái đất. Những cuốn sách mà tôi tham khảo đầy những thú nhận về tình trạng thiếu hiểu biết: “không rõ tại sao điều này lại nên”…“số lượng giới của loài nấm vẫn chưa được xác định”…“cơ chế chính xác dẫn đến sự xuất hiện của hiện tượng này đến nay vẫn chưa được hiểu rõ”…“đặc tính hóa học nền tảng gây ra hiện tượng ảo giác mạnh mẽ là một bí ẩn từ thời đó, và cho đến nay vẫn vậy”…“không chắc liệu nấm moscela có phải là loài nấm hoại sinh hay cộng sinh, hay có lẽ cả hai, một loài có khả năng thay đổi”…v.v, qua hàng nghìn trang tài liệu về nấm. Khi tôi tới thăm David Arora, nhà nấm học nổi tiếng có cuốn sách hướng dẫn, Mushrooms Demystified[97] được coi là kinh thánh về nấm của Bờ Tây, tôi đã hỏi ông câu hỏi nào được ông coi là câu hỏi lớn còn để ngỏ trong lĩnh vực này. Không hề do dự, ông nói luôn hai câu: “Tại sao ở đây mà không phải ở đó? Tại sao bây giờ chứ không phải lúc đó?”
Nói cách khác, chúng ta không biết những điều cơ bản nhất về nấm.
Một phần của vấn đề đơn giản là nấm rất khó quan sát. Cái chúng ta gọi là nấm chỉ là phần nổi tảng băng của một cơ quan lớn hơn nhiều, và hầu như vô hình, sống phần lớn cuộc đời dưới mặt đất. Nấm là “cơ quan kết trái” của một mạng lưới dưới đất bao gồm các sợi nấm nhỏ xíu, những tế bào giống rễ rất dài đan dệt vào đất như những sợi dây thần kinh. Bó lại như những sợi cáp, những sợi
nấm hình thành các mạng lưới hệ sợi nấm (vẫn nhỏ xíu). Các nhà nghiên cứu nấm không thể đào được một cây nấm như đào một cái cây để nghiên cứu cấu trúc của nó vì hệ sợi của nó quá nhỏ và mỏng manh nên không thể lấy ra từ đất mà không bị vỡ tan. Mặc dù ta nhìn thấy nấm có vẻ cứng - đấy chỉ là phần hữu hình và rõ rệt nhất! - đơn giản là không thể nhìn được toàn bộ cơ thể nếu chỉ nhìn phần thân nấm, chỉ là một bộ phận. Nấm cũng thiếu các cấu trúc sắp xếp toàn diện của thực vật, một trình tự hữu hình của hạt, tăng trưởng sinh dưỡng, hoa, trái, và quay trở lại hạt. Nấm chắc chắn có sắp xếp của riêng mình, nhưng chúng ta không biết tất cả các nguyên tắc, đặc biệt những nguyên tắc chi phối cơ chế hình thành nấm, một cơ chế có thể mất ba hay ba mươi năm, còn tùy. Tùy vào điều gì? Chúng ta không thực sự biết điều đó. Tất cả những điều này khiến nấm có vẻ là loài bản địa, dường như sinh ra chẳng từ đâu cả, dường như chẳng có nguyên nhân.
Nấm, thiếu diệp lục chlorophyll, khác với thực vật ở chỗ nó không thể tạo ra năng lượng thực phẩm từ mặt trời. Giống như động vật, chúng ăn các chất hữu cơ do thực vật tạo ra, hoặc do loài ăn thực vật tạo ra. Phần lớn các loại nấm chúng ta ăn thu năng lượng bằng một trong hai phương thức: hoại sinh, bằng cách phân hủy các chất ở thực vật chết, và cộng sinh, bằng cách kết hợp với rễ của thực vật sống. Trong số các loại hoại sinh, nhiều loại có thể được trồng bằng cách ghép một lượng phù hợp các vật liệu hữu cơ đã chết (khúc gỗ, phân, ngũ cốc) với bào tử của chúng, như nấm khuy trắng, nấm hương, nấm cremini, nấm Portobello và nấm sò. Phần lớn các loài nấm hoang dã ngon nhất đều không thể trồng được, hoặc gần như vậy, vì chúng phải mọc trên những cây sống lâu năm, và có thể mất tới vài thập kỷ mới có thể thu hoạch. Hệ sợi của nó có thể tăng trưởng cũng gần như vô hạn định như vậy, trong một số trường hợp có thể tới vài thế kỷ, mà không hẳn đã thu
hoạch được. Một cây nấm mới được phát hiện ra gần Michigan bao trùm một diện tích bốn mươi mẫu Anh dưới mặt đất và được cho là có độ tuổi vài thế kỷ. Vì thế việc trồng ghép với những cây sồi hoặc thông già không bảo đảm có thể thu hoạch được nấm trong tương lai, ít nhất là không phải theo thang đo thời gian của con người. Có thể giả định rằng những cây nấm này sống và chết theo thang đo thời gian của cây.
Nấm cộng sinh tiến hóa đồng thời với cây, và cùng với cây tạo ra một mối quan hệ đôi bên cung có lợi trong đó chúng trao đổi sản phẩm của quá trình trao đổi chất rất khác nhau của chúng. Nếu đặc tính đặc biệt của thực vật là quang hợp, khả năng diệp lục biến đổi ánh sáng mặt trời, nước và khoáng chất trong đất thành đường và tinh bột, đặc tính đặc biệt của nấm là khả năng phân tách các phân tử hữu cơ và khoáng chất thành các phân tử và nguyên tử đơn giản thông qua hoạt động của các loại enzim rất mạnh. Các sợi nấm bao quanh hay xâm nhập rễ cây, cung cấp đều đặn cho rễ các nguyên tổ để đổi lại một giọt đường đơn giản mà thực vật tổng hợp được trong lá. Mạng lưới sợi nấm mở rộng tối đa mức độ tiếp cận thực và diện tích bề mặt của hệ thống rễ cây, và mặc dù cây có thể sống sót mà không có đồng minh nấm, nhưng chúng hiếm khi có thể phát triển mạnh. Người ta cho rằng nấm cũng có thể bảo vệ cây chủ khỏi các bệnh vi khuẩn và nấm mốc.
Khả năng của nấm trong việc phân hủy và quay vòng chất hữu cơ là điều khiến chúng trở nên không thể thiếu được, không chỉ đối với cây cối mà đối với toàn bộ cuộc sống trên trái đất. Nếu đất đai là dạ dày của trái đất thì nấm cung cấp enzim tiêu hóa - theo nghĩa đen. Không có nấm để phân tách các chất, trái đất từ lâu có thể đã bị nghẹt thở dưới tấm chăn chất hữu cơ do thực vật tạo ra; xác thực vật sẽ chất chồng không có điểm dừng, chu kỳ các bon sẽ ngừng hoạt động, và sinh vật sống sẽ không còn gì để ăn. Chúng ta
có xu hướng hướng sự tập trung và khoa học vào sự sống và sinh trưởng, nhưng hiển nhiên cái chết và sự phân hủy cũng không kém phần quan trọng đối với hoạt động của tự nhiên, và nấm là những nhà thống trị không thể tranh cãi của địa hạt này.
Việc nấm đắm đuối với các sinh vật chết giải thích khá nhiều về sự bí ẩn của chúng và căn bệnh sợ nấm của chúng ta. Chúng đứng ở ngưỡng giữa sự sống và cái chết, phân tách sinh vật chết thành thực phẩm cho sinh vật sống, một quá trình không ai muốn đi sâu tìm hiểu. Các nghĩa trang thường là địa điểm tốt để tìm nấm (người Mehico gọi nấm là came de los muertos - “thịt của xác chết”). Việc bản thân nấm có thể là đại diện trực tiếp của cái chết không hẳn đánh bóng cho tên tuổi của chúng. Chỉ có điều người ta vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao chúng lại tạo ra những chất độc có hiệu lực mạnh như vậy; nhiều nhà nghiên cứu nấm giả định rằng chất độc là biện pháp phòng vệ, nhưng những người khác chỉ ra rằng nếu việc gây độc cho những loài vật ăn chúng là chiến lược tốt để sống sót, tại sao không phải tất cả các loài nấm đều độc? Một số loại chất độc đơn giản chỉ là công cụ để làm điều mà nấm làm: phân tách các hợp chất hữu cơ phức tạp. Điều mà loại nấm amanita chết người gây ra đối với lá gan con người đó thực ra là nó tiêu hóa lá gan đó từ bên trong.
Nguyên nhân tiến hóa trong đó nhiều loại nấm tạo ra những chất gây ảo giác mạnh thậm chí còn bí ẩn hơn, mặc dù nó chẳng có liên quan gì đến việc tạo ra ảo giác trong não người. Như nội hàm của từ nhiễm độc gợi ra, những chất gây độc cho cơ thể người đôi khi cũng có thể làm thay đổi cả nhận thức nữa. Điều này giải thích tại sao những người ưa thích nấm cho rằng người ta cứ làm quá lên về sự nguy hiểm của nấm, và họ cho rằng nấm chiếm giữ một thể liên tục từ nguy hiểm chết người tới mê đắm. Họ cho rằng liều lượng mới tạo ra chất độc, chính những chất độc của cùng một loài
nấm cũng có thể, với liều nhỏ hơn, tạo ra những hiệu ứng thần kinh đáng kinh ngạc, từ trạng thái mê ly tới trạng thái hoảng loạn. Không còn nghi ngờ gì nữa, những đặc tính thay đổi tâm trí của nhiều loại nấm thông dụng, được loài người biết đến từ hàng nghìn năm nay, đã nuôi dưỡng sự sùng bái vương quốc nấm huyền bí, trong trường hợp này là nguồn gốc của cả chứng sợ nấm và sự ưa thích nấm.
Andrew Weil chỉ ra một nghịch lý thú vị về nấm: khó có thể dung hòa những năng lượng phi thường của các sinh vật này với thực tế là chúng chứa khá ít loại năng lượng mà các nhà khoa học thường đo lường: calo. Vì nấm không cung cấp nhiều calo nên các nhà dinh dưỡng không coi chúng là một nguồn dinh dưỡng quan trọng (chúng không cung cấp một số khoáng chất và vitamin, cũng như một vài axít amin thiết yếu, là chất tạo nên mùi vị thịt của một số loài). Nhưng calo đơn giản chỉ là đơn vị năng lượng mặt trời được thu giữ và lưu trữ bởi các loại thực vật màu xanh và, như Weil chỉ ra, “nấm hầu như chẳng liên quan gì đến mặt trời”. Chúng mọc vào buổi đêm và khô héo đi trong ánh sáng ban ngày. Năng lượng của chúng thuộc một loại hoàn toàn khác với năng lượng của thực vật, và năng lượng của chúng rất phi thường và kỳ lạ. Chẳng hạn:
Có loại nấm bờm ngựa (Coprinus comatus) có thể đẩy những mô mềm của chúng qua cả lớp nhựa đường. Nấm phân (Coprinus atramentarius) có thể mọc thành cây nấm trong vài giờ và sau đó, trong ngày, tự phân hủy thành một vũng mực đen kịt. Nấm sò (Pleurotus ostreatus) có thể tiêu hóa một đống bùn hóa dầu trong hai tuần, biến đổi thứ chất độc hại đó thành protein ăn được (thuật giả kim này nghe hợp lý hơn khi bạn nhớ lại rằng nấm hoại sinh đã tiến hóa đến mức có khả năng phân tách các phân tử hữu cơ phức tạp, chính là chất hóa dầu). Nấm đèn ma (Omphalotus
olivascens) có thể phát sáng trong bóng tối, có khả năng phát quang sinh học với ánh sáng màu xanh kỳ lạ mà người ta cũng chưa tìm ra nguyên nhân. Nấm psilocybe có thể thay đổi kết cấu ý thức của con người và tăng thị lực. Nấm amanita muscaria có thể gây rối loạn trí óc. Và tất nhiên có một số loại nấm có khả năng gây chết người.
Chúng ta không có công cụ khoa học để đo lường hay thậm chí giải thích nguyên nhân cho khả năng đặc biệt của những loài nấm này. Weil suy đoán rằng năng lượng của chúng xuất phát từ mặt trăng thay vì mặt trời, và thay vì calo có nguồn gốc từ mặt trời, nấm chứa đựng khối lượng khổng lồ năng lượng mặt trăng.
Được thôi, tôi đồng ý rằng khó có thể tránh được kết luận rằng bản thân một số người viết về nấm cũng chịu ảnh hưởng, có lẽ không nhỏ, của các loại nấm có khả năng biến đổi trí óc. Sự tôn sùng của họ đối với đối tượng này mạnh mẽ đến nỗi họ sẽ theo đuổi nó cho dù nó có dẫn tới đâu, thậm chí nếu điều đó nghĩa là đôi khi phải nhảy qua hàng rào của hiểu biết khoa học hiện tại. Trong trường hợp của nấm, đó không phải là hàng rào quá cao hay chắc chắn cho lắm. Khuynh hướng thần bí mạnh mẽ và hấp dẫn chạy như hệ sợi đầy nhánh của nấm qua các tài liệu về nấm, nơi mà tôi gặp phải hết suy đoán khó tin này này đến suy đoán khó tin khá: rằng hệ sợi của nấm thực chất là tế bào thần kinh, cùng nhau cấu thành một cơ quan có khả năng hiểu biết và giao tiếp trên mặt đất (Paul Stamets); rằng việc động vật linh trưởng bậc cao hơn ăn nấm gây ảo giác thúc đẩy sự tiến hóa nhanh chóng của bộ não con người (Terence McKenna); rằng nấm gây ảo giác do con người thời xa xưa ăn phải thúc đẩy khả năng pháp sư, dẫn tới sự ra đời của tôn giáo (Gordon Wasson); rằng việc các nhà tư tưởng Hy Lạp (kể cả Plato) có nghi lễ ăn một loại nấm gây ảo giác - gọi là cựa lúa mạch - ở Eleusis chính là nguyên nhân của một số thành tựu vĩ đại nhất
của văn hóa Hy Lạp, kể cả triết học Platon (lại là Wasson); rằng nấm hoang trong thực đơn, bằng cách nuôi dưỡng tiếm thức của con người nhờ năng lượng mặt trăng, “kích thích trí tưởng tượng và trực giác” (Andrew Weil).
Tôi không sẵn sàng coi nhẹ bất kỳ suy đoán nào trong số này chỉ vì khoa học của chúng ta chưa chứng minh được. Nấm rất huyền bí. Ai có thể nói rằng sẽ không có ngày khoa học đo lường được năng lượng kỳ lạ của nấm, có lẽ thậm chí còn tính toán được yêu cầu về lượng calo mặt trăng tối thiểu hằng ngày?