ĐI BỘ TRONG RỪNG

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 78 - 82)

Bước đi trong một cánh rừng xa lạ với một khẩu súng trường đã lên đạn, sẵn sàng chiến đấu với con mồi, mang lại cảm giác thật hồi hộp. Tôi thấy xấu hổ khi viết ra điều này, nhưng đó là sự thật. Tôi vốn dĩ không phải là người hay để ý, tuy nhiên giờ đây, tôi dồn hết tâm trí để ý đến mọi thứ xung quanh. Tôi chưa từng có được (ngoại trừ do tác dụng của những chất gây nghiện nhất định) khả năng tập trung chú ý này. Buổi sớm hôm đó, tôi cảm nhận thấy những làn gió nhẹ lướt trên đám lá kim của những cây thông, tạo ra tiếng rì rào khe khẽ, các bóng lá và ánh nắng qua kẽ lá chuyển động nhịp nhàng hằn lên những thân cây và mặt đất. Tôi nhận thấy cả khối lượng riêng của không khí. Nhưng đây không phải sự chú ý thụ động hay là liên quan đến thẩm mỹ; đây là sự chú ý của lòng thèm khát, vươn ra xung quanh như những ngón tay, như những sợi dây thần kinh. Tôi đánh bạo nhìn sâu vào những bụi cây mà cơ thể tôi không bao giờ có thể xâm nhập, ánh mắt lướt giữa những cành lá ken dày đặc, trượt trên những tảng đá và quanh những gốc cây để tìm kiếm dấu hiệu chuyển động dù là nhỏ nhất. Ở những nơi quá tối mà mắt tôi không nhìn được, tai tôi sẽ dỏng lên nghe ngóng, tiếng một cành cây gẫy ở cuối một hẻm núi, hoặc tiếng khụt khịt của một…Chờ đã: Tiếng gì nhỉ? Chỉ là một con

chim. Mọi thứ đều được khuếch đại. Thậm chí là da tôi cũng trở nên nhạy bén, đến mức khi bóng của một con kền kền lướt vụt qua trên đầu, tôi thề là mình có thể cảm thấy nhiệt độ thoáng giảm đi. Tôi đang tỉnh táo hết mức.

Việc đi săn làm biến đổi mạnh mẽ một nơi nào đó. Thứ văn xuôi bình thường của mặt đất, vốn thực tế sát sạt, trở nên đa tầng đa lớp và bay bổng như một bài thơ. Angelo, Virgil của tôi trong thế giới này, đã dạy tôi cách quan sát mặt đất để tìm dấu hiệu của lợn rừng. Có nhận thấy đám đất mới bị cày xới ở gốc cầy sồi đằng kia không? Nhìn lớp đất chưa kịp se lại dưới ánh mặt trời buổi trưa; điều này nghĩa là một con lợn mới dũi đất ở đây từ chiều qua, hoặc buổi đêm hay sáng sớm nay. Có thấy vũng nước nhỏ phẳng lặng đằng kia không? Đó là bãi đầm, nhưng có thể thấy rằng nước vẫn còn trong vắt: hôm nay lũ lợn vẫn chưa khuấy nó lên. Ta có thể đợi chúng ở đây. Angelo nói rằng lợn, thường đi theo đàn khoảng sáu, bảy con, hằng ngày đều đi một đường khá giống nhau, di chuyển từ nơi này qua nơi khác, ăn, ngủ, tắm mát. Cụm sồi này là nơi chúng dũi đất tìm quả sồi, nấm cục và ấu trùng. Dưới cái nóng buổi chiều, chúng ngủ trong cái tổ hình bầu dục được đào gọn vào lớp đất khô bên dưới đám cây bụi đó. Chúng tắm mát trong bãi đầm đầy bùn này, bởi bờ đầm đầy những vết móng nhỏ xíu. Chúng cọ bùn ở lưng vào thân cây thông ở đằng kia, cái cây có lớp vỏ phía dưới bị mài nhẵn bóng. Và loài lợn di chuyển từ nơi này sang nơi khác theo những con đường mòn nho nhỏ tạm thời tách đôi thảm cỏ đuôi chuông phủ kín sườn đồi; vì cỏ uốn mình trở lại che lấp mất con đường của chúng chỉ vài giờ sau khi mặt trời mọc nên ta có thể hình dung khá rõ thời gian chúng đi ngang qua đây. Trong phạm vi đã chọn, loài lợn có thể di chuyển khoảng hơn 100 ki lô mét vuông mỗi ngày.

đàn lợn đang chia sẻ khu rừng sồi và dãy núi đầy cỏ phía trên như ba quốc gia giao thoa với nhau, mỗi đàn có một bản đồ hơi khác nhau về địa hạt riêng của chúng. Người đi săn sở hữu tấm bản đồ riêng trong đầu về cùng mảnh đất đó, đánh dấu những điểm hứa hẹn, những nơi anh ta từng gặp đàn lợn và những tuyến đường giao nhau mà anh ta có thể đi qua, tất nhiên là ít hơn những con đường mà đàn lợn đi được rất nhiều. Không giống bản đồ của những đàn lợn, bản đồ của người đi săn còn có những thông tin pháp lý như đường ranh giới đất và quyền tiếp cận.

Mục đích của người đi săn là làm sao để bản đồ của mình giao cắt với bản đồ của đàn lợn, mà nếu cuộc chạm trán xảy ra thì nó sẽ xảy ra ở thời điểm không ai chọn. Vì dù cho người đi săn có thể biết nhiều điều về lợn và những nơi chúng tới, thì rốt cuộc anh ta cũng không biết gì về những điều sẽ xảy ra tại đây hôm nay, liệu cuộc chạm trán mong muốn nhưng đáng sợ có thực sự xảy ra hay không, và nếu có thì nó sẽ kết thúc thế nào.

Vì chẳng thể làm gì để cuộc chạm trán xảy ra, người đi săn tập trung hết năng lượng để chuẩn bị sẵn sàng, và cố gắng, bằng toàn bộ sự tập trung, gọi những con vật tới chỗ mình. Sự kịch tính của cuộc đi săn kết nối những thành viên tham gia, động vật ăn thịt và con mồi, rất lâu trước khi hai bên thực sự gặp nhau. Trong lúc tiếp cận con mồi, người đi săn về bản năng trở nên giống loài vật, căng người ra để khiến mình trở nên khó nhìn thấy hơn, ít gây ra tiếng động hơn, và thính nhạy hơn. Động vật ăn thịt và con mồi đều di chuyển theo bản đồ của mình trên mảnh đất này, theo kiểu chú ý và hệ thống bản năng riêng, những hệ thống rõ ràng đã tiến hóa để đẩy nhanh hoặc tránh né chính cuộc chạm trán này…

CHỜ CHÚT. Có phải thực sự tôi đi viết đoạn vừa rồi không? Không có chút châm biếm nào? Điều đó thực đáng xấu hổ. Tôi thực sự đang viết về “bản năng” của người đi săn, cho rằng cuộc đi săn

biểu hiện một kiểu liên minh nguyên sơ nào đó giữa hai loài động vật, mà tôi là một trong đó? Nói vậy có vẻ hơi quá. Nhưng tôi nhận ra loại văn chương này: thứ văn chương kích động thú tính của kẻ đi săn. Trước đây, bất cứ khi nào đọc loại văn này của Ortega y Gasset và Hemingway cùng tất cả những nhà văn viết về cuộc sống hoang dã dày dạn, rậm râu vẫn còn khao khát kỷ Pleistocene, lần nào tôi cũng phải đảo mắt ngán ngẩm. Tôi không chịu đựng nổi việc thản nhiên say sưa với cái tư tưởng nguyên thủy ấy, với sự khát máu lộ liễu ấy, cũng như tất thảy cái lòng tự phụ của giới mày râu rằng cuộc chạm trán đích thực nhất với tự nhiên diễn ra qua ống ngắm của một khẩu súng và kết thúc bằng cái chết của một động vật có vú lớn trên mặt - một sự giết chóc mà chúng ta có thói quen tin là một cử chỉ tôn trọng. Chính Ortega y Gasset, triết gia người Tây Ban Nha, người đã viết trong cuốn Meditations on Hunting[90] rằng “sự kính trọng lớn nhất và có tính đạo đức nhất mà ta có thể dành cho những con vật nhất định vào những dịp nhất định là giết chúng”, cũng nghĩ như vậy. Cho tôi xin.

Dù vậy, chính tôi vẫn rơi vào trạng thái phấn khích tột độ của người đi săn, y như Ortega y Gasset. Có thể là chúng ta không biết phải mô tả thế nào cho hay hơn về trải nghiệm đi săn, vì thế tất cả những người muốn thử làm việc đó thì rốt cuộc sớm muộn gì cũng sẽ sa vào lối viết đầy kích động mà không thiếu tinh thần châm biếm này. Hoặc cũng có thể săn bắn là một trong những trải nghiệm mà nhìn từ góc độ của người trong cuộc sẽ hoàn toàn khác so với người ngoài cuộc. Ý nghĩ rằng có lẽ điều này thực sự là như vậy cứ khắc sâu vào trong tâm trí tôi sau chuyến đi săn thứ hai với Angelo, khi, sau một ngày dài và phấn khởi trong rừng, chúng tôi dừng chân ở một cửa hàng bán đến đêm để mua chai nước uống. Hai chúng tôi đều kiệt sức và bẩn thỉu, mặt trước quần bò vấy máu đã thâm đen. Chắc chắn là người chúng tôi chẳng tỏa mùi thơm

tho gì. Và dưới ánh đèn nê ông sáng rực của siêu thị 7-Eleven, trong tấm gương treo phía sau quầy thuốc lá sau lưng người thu ngân, tôi thoáng thấy hình ảnh hai kẻ giết động vật bẩn thỉu, tự mãn và nhận thấy một khoảng trống rộng phía sau hai kẻ đó mà những người khách khác đứng trong hàng rất sẵn lòng dành cho. Chúng tôi đấy. Thật kỳ lạ là người thu ngân không giơ tay lên và dâng cho chúng tôi toàn bộ số tiền trong két.

Sự châm biếm - quan điểm của người ngoài cuộc - dễ dàng làm khô héo mọi thứ ở săn bắn, khiến nó teo lại chỉ còn như trò chơi của trẻ con hay sự lại giống. Thế nhưng, tôi cũng lại thấy rằng có điều gì đó trong trải nghiệm săn bắn đánh tan sự châm biếm ấy. Nhìn chung, những trải nghiệm xua tan sự châm biếm ấy tốt cho cuộc sống hơn là cho việc viết lách rất nhiều. Nhưng vấn đề là: hóa ra tôi cảm thấy thích thú khi bắn một con lợn hơn tôi tưởng.

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 78 - 82)