GIẾT MỔ NHANH GỌN

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 71 - 78)

Một ngày sau bữa tối Singer-và-món-bíp-tết của tôi ở quán Palm, tôi lên chuyến bay từ Atlanta tới Denver. Vài tiếng sau khi bay, phi công, tới lúc ấy vẫn chưa nói lời nào, đột nhiên thông báo qua loa rằng chúng ta đang bay qua Liberal, Kansas. Đây là mốc đầu tiên, cũng là mốc cuối cùng, và là địa danh duy nhất trên hành trình bay của chúng tôi mà phi công hạ cố nhắc đến, một điều rất lạ lùng bởi chẳng ai trên máy bay, trừ tôi, biết tới nó. Vì Liberal, thuộc bang Kansas, tình cờ lại là thị trấn nơi con bò của tôi rất có thể bị giết thịt vào chính ngày hôm đó. Tôi không phải là người mê tín, nhưng điều này khiến tôi cảm thấy đây là sự trùng hợp kỳ quái. Tôi chỉ có thể tự hỏi rằng điều đang diễn ra ngay lúc đó bên dưới chân tôi, cách 9 ki lô mét, trên sàn giết mổ của Nhà máy Thịt bò Quốc gia, nơi chú bò số 534 có cuộc hẹn với người sẽ làm nó bất

tỉnh bằng điện.

Tôi chỉ có thể tự hỏi bởi công ty từ chối cho tôi xem. Khi tôi tới nhà máy hồi đầu mùa xuân, tôi được cho xem mọi thứ trừ sàn giết mổ. Tôi nhìn lũ bò đực được hạ từ các toa xe chở xuống bãi quây và sau đó dẫn lên một con đường dốc và qua một cánh cửa xanh. Điều xảy ra ở phía bên kia cánh cửa xanh hoàn toàn do tôi chắp nối từ những gì những người khác đã được phép tới đó kể lại. Tôi may mắn đã được nghe Temple Grandin, một chuyên gia xử lý động vật, là người đã thiết kế đường dốc và máy giết bò tại Nhà máy Thịt bò Quốc gia, và là người kiểm toán việc giết mổ ở đó cho McDonald’s, tường thuật lại. Những câu chuyện về gia súc “tỉnh lại” sau khi bị giật điện để rồi bị lột da sống - những câu chuyện được các nhóm bảo vệ quyền động vật dẫn chứng bằng tài liệu - đã buộc công ty này phải thuê Grandin để kiểm tra các nhà cung cấp. Grandin nói với tôi rằng trong trại giết mổ đó, “có kỷ nguyên tiền McDonald’s và hậu McDonald’s - giống như đêm và ngày.” Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng buổi đêm là như thế nào mà thôi.

Đây là mô tả của Grandin về những gì chú bò 534 trải qua sau khi đi qua cánh cửa xanh:

“Con vật đi theo hàng một vào cái dốc trượt đó. Hai bên thành dốc đủ cao để nó chỉ có thể nhìn được cái mông của con vật phía trước. Trong khi đi qua cái dốc ấy, hai chân nó nằm ở hai bên của một thanh kim loại. Trong khi con vật giạng chân sang hai phía của thanh kim loại, đoạn dốc bắt đầu hạ xuống một góc 20 độ, và trước khi nó kịp nhận ra thì chân nó đã rời khỏi mặt đất, và thế là nó được chở đi dọc băng chuyền. Ta đưa vào đó một cái sàn giả để nó không nhìn xuống và thấy mình đã rời mặt đất, điều đó sẽ làm nó hoảng sợ.”

Tôi đã tự hỏi liệu 534 sẽ cảm thấy thế nào khi sắp tới giờ phút cuối cùng của nó. Liệu nó có nhận biết được mảy may - qua mùi

máu, tiêng kêu hoảng sợ từ phía đầu hàng - rằng hôm đó không phải là một ngày bình thường? Nói cách khác, nó có đau khổ không? Grandin đoán được câu hỏi đó của tôi.

“Liệu con vật có biết nó sắp bị giết không? Tôi từng băn khoăn về điều đó. Vì thế tôi nhìn chúng đi vào cái đường dốc hẹp trên bãi chăn thả tập trung, bị tiêm, và đi lên cái đường dốc ở lò mổ. Chẳng có gì khác biệt. Nếu chúng biết mình sẽ chết thì chắc chắn ta sẽ thấy hành vi bồn chồn nhiều hơn.

“Dù sao thì băng tải cũng chỉ di chuyển với tốc độ gần bằng đi bộ. Trên cái sàn phía trên là nơi người bắn súng điện đứng. Người bắn súng điện cầm một ‘khẩu súng’ khí nén bắn ra một mũi tên thép dài khoảng 18 xen ti mét và có đường kính cỡ một chiếc bút chì to. Anh ta vươn người ra và đặt súng vào giữa trán con vật. Nếu thao tác chính xác, cái súng đó sẽ giết con vật ngay từ phát bắn đầu tiên.

“Sau khi con vật bị bắn trong lúc đang đi như vậy, một người công nhân quấn dây vào một bên chân của nó và móc lên cái dây chuyền treo phía trên. Bị treo ngược bằng một chân như vậy, nó được đưa tới khu chọc tiết để người ta cắt cổ họng nó. Những người bảo vệ quyền động vật nói rằng người ta chọc tiết con vật trong khi chúng vẫn còn sống, nhưng đó là những cú giật do phản xạ co cơ. Điều tôi muốn tìm hiểu là, liệu cái đầu nó đã chết chưa? Nó nên rơi phịch xuống như một tấm giẻ, lưỡi thè ra. Lẽ ra nó không được cố gắng níu kéo - bởi lúc đó ta có một con vật còn sống trên đường ray. Đề phòng trường hợp đó, họ có một người bắn súng điện nữa ở khu vực chọc tiết.”

Mô tả của Temple Grandin vừa làm tôi yên lòng, lại vừa làm tôi thấy bất an. Yên lòng, vì hệ thống đó nghe có vẻ nhân đạo, nhưng rồi tôi nhận ra mình đang nghe mô tả của nhà thiết kế ra hệ thống. Bất an, vì tôi không thể ngừng nhớ lại những lần “ta có một

con vật còn sống trên đường ray”. Sai sót là không thể tránh khỏi trên một dây chuyền làm thịt 400 con bò mỗi giờ (McDonald's chấp nhận “tỷ lệ lỗi” 5%). Vì thế liệu có thể giết mổ vật nuôi với quy mô công nghiệp mà không làm cho chúng phải chịu đau đớn hay không? Rốt cuộc, mỗi người trong chúng ta phải tự quyết định xem liệu ăn thịt vật nuôi đã chết theo cách này có ổn không. Còn tôi thì không chắc chắn lắm, vì tôi chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy.

Tôi nhận ra rằng, đây là lý do tại sao lò mổ ngoài trời của Joel Salatin lại là một ý tưởng mạnh mẽ về đạo đức. Bất kỳ khách hàng nào muốn đều có thể tận mục sở thị cách cuộc đời con gà của họ được kết thúc như thế nào - có thể tận mắt nhìn và quyết định. Rất ít người tận dụng cơ hội ấy; nhiều người muốn trao nó cho một quan chức chính phủ hoặc nhà báo, nhưng chính sự lựa chọn được tận mắt nhìn thấy đó - sự minh bạch đó - có lẽ là cách tốt nhất để đảm bảo rằng vật nuôi được giết mổ theo cách chúng ta có thể chấp nhận. Hiển nhiên có một số người cho rằng không có cách giết mổ động vật nào mà ta có thể tán thành, và có lẽ họ không nên ăn thịt. Lúc ở trang trại, tôi hỏi Joel làm thế nào để anh có thể khiến mình giết một con gà. “Điều đó thật dễ. Con người có tâm hồn, con vật thì không. Đó là niềm tin chắc chắn của tôi. Động vật không được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, vì thế khi chúng chết thì đơn giản chỉ là chết.”

Ý tưởng rằng chỉ tới thời hiện đại thì người ta mới thấy ghê sợ khi giết động vật tất nhiên là một chuyện hoang đường ảo tưởng. Lấy đi một mạng sống là chuyện hệ trọng, và người ta vẫn tìm cách biện minh cho việc giết mổ động vật từ hàng nghìn năm nay, cố gắng để chấp nhận được nỗi ân hận họ cảm thấy thậm chí ngay cả khi việc giết chóc là cần thiết cho sự tồn tại của họ. Tôn giáo, và lễ nghi, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Người Mỹ bản địa và những người săn bắt - hái lượm khác cảm tạ động

vật vì đã hy sinh mạng sống để người ăn nó được sống. Hành vi này có đôi chút giống như là cầu nguyện, một nghi lễ mà giờ hầu như không còn ai làm nữa. Vào thời Kinh Thánh được viết ra, các nguyên tắc kiểm soát việc giết mổ quy định sự quay vòng, sao cho không có ai phải giết các con vật hằng ngày, vì sợ rằng người đó sẽ trở nên chai lì trước tính nghiêm trọng của hành động đó. Nhiều nền văn hóa cúng tế động vật cho các vị thần, có lẽ là một cách để tự thuyết phục bản thân rằng chính sự thèm muốn của các vị thần dẫn đến việc giết mổ, chứ không phải của chính bản thân họ. Ở Hy Lạp thời cổ đại, các thầy tu đảm trách việc giết mổ (Thầy tu! Giờ đây chúng ta giao việc đó cho những công nhân nhập cư với đồng lương rẻ mạt) sẽ vẩy nước thánh lên đầu con vật được hiến tế. Con vật sẽ ngay lập tức lắc đầu, và việc này được coi là dấu hiệu chấp thuận cần thiết. Đối với tất cả những người này, chính lễ nghi - các phép tắc và quy phạm về văn hóa - cho phép họ nhìn, và sau đó là ăn. Chúng ta không còn bất kỳ lễ nghi nào điều hành việc giết mổ hay ăn thịt động vật, điều có lẽ lý giải tại sao chúng ta lại đối mặt với tình thế lưỡng nan này, ở nơi mà ta cảm thấy lựa chọn duy nhất hoặc là quay mặt đi hoặc từ bỏ việc ăn thịt. Nhà máy Thịt bò Quốc gia rất vui lòng phục vụ nhóm khách hàng thứ nhất, Peter Singer thuộc nhóm thứ hai.

Tôi vẫn đặt cược vào khả năng vẫn còn một con đường khác mở ra cho chúng ta, và việc tìm ra sẽ bắt đầu bằng việc ta xem xét lại những loài động vật chúng ta ăn và cái chết của chúng. Con người sẽ thấy những điều rất khác nhau khi họ nhìn vào mắt của một con lợn hoặc con gà hoặc con bò: một sinh vật không có linh hồn, một “chủ thể sống” được hưởng quyền, nơi chứa đựng cả niềm vui lẫn sự đau đớn, một bữa trưa dứt khoát là ngon lành.

Chúng ta chắc chắn không triết lý về con đường của mình hướng tới một câu trả lời duy nhất. Tôi nhớ Joel đã kể cho tôi nghe

câu chuyện về một người đàn ông đã tới trang trại vào một sáng thứ Bảy để tìm hiểu. Khi Joel nhận thấy cái nhãn PETA trên xe của ông ta, anh đã cho rằng mình sắp gặp chuyện khó chịu rồi đây. Nhưng người này có ý định khác. Ông ấy giải thích rằng sau khi ăn chay mười sáu năm, ông ấy quyết định rằng cách duy nhất để mình có thể trở lại ăn thịt là tự tay giết mổ động vật. Vì thế anh bắt một con gà và đưa người đàn ông đó tới xưởng chế biến.

“Ông ấy cứa cổ con gà và nhìn nó chết,” Joel nhớ lại. “Ông ấy thấy rằng con vật không nhìn mình với vẻ buộc tội, cũng không tỏ vẻ sửng sốt khi đã muộn màng kiểu Disney. Ông thấy rằng con vật đã được đối xử một cách trân trọng lúc còn sống và được hưởng một cái chết với sự tôn trọng - rằng nó không bị đối xử giống như đống nguyên sinh chất.” Tôi nhận ra rằng mình cũng đã thấy điều này, và có lẽ điều đó giải thích tại sao tôi có thể giết gà hôm trước và ăn thịt gà vào hôm sau. Mặc dù câu chuyện thực sự khiến tôi ước rằng mình đã mổ và ăn con gà của tôi với nhận thức và sự quan tâm đầy đủ như người đàn ông đó; có lẽ việc săn bắn sẽ cho tôi cơ hội thứ hai.

Đôi khi tôi nghĩ rằng tất cả những gì cần thiết để thanh lọc cảm xúc của chúng ta về việc ăn thịt, và trong quá trình đó bắt đầu cứu rỗi ngành chăn nuôi, đơn giản chỉ là thông qua một đạo luật yêu cầu thay thế tất cả các bức tường kim loại của mọi CAFO, và thậm chí cả những bức tường bê tông của nhà giết mổ bằng những bức tường kính. Nếu chúng ta cần phải xác lập một quyền nào đó, thì có lẽ là quyền này: ý tôi là quyền được quan sát. Hẳn nhiên cảnh tượng của một số nơi giết mổ sẽ khiến nhiều người chuyển sang ăn chay. Nhiều người khác sẽ tìm thịt ở nơi khác, nơi những người nông dân sẵn sàng nuôi và giết mổ vật nuôi một cách minh bạch. Những trang trại đó có tồn tại; vì thế một vài nhà máy chế biến nhỏ sẵn sàng để khách hàng vào lò mổ, trong đó có nhà máy

Lorentz Meats ở Cannon Falls, Minnesota - nhà máy này tự tin về cách đối xử với vật nuôi đến nỗi họ làm tường lò mổ bằng kính.

Việc chăn nuôi theo phương thức công nghiệp hóa - và đối xử tàn bạo - với động vật ở Mỹ là một hiện tượng tương đối mới, không tránh khỏi và mang tính địa phương: không có quốc gia nào nuôi và giết mổ vật nuôi lấy thịt một cách tập trung và tàn bạo như chúng ta. Không có dân tộc nào trong lịch sử từng sống tách biệt với loài vật mà họ ăn như vậy. Nếu những bức tường của ngành công nghiệp thịt trở nên trong suốt, về nghĩa đen hay thậm chí cả nghĩa bóng, chúng ta sẽ không còn tiếp tục nuôi, giết thịt và ăn động vật theo cách chúng ta đang làm. Việc cắt đuôi, nuôi lợn nái trong các ngàn chuồng bằng kim loại chật hẹp và cắt mỏ sẽ lập tức biến mất, và những ngày giết mổ 400 con bò/giờ sẽ ngay lập tức kết thúc - vì ai có thể chịu đựng được cảnh đó? Đúng, thịt sẽ trở nên đắt hơn. Chúng ta có lẽ sẽ ăn ít đi, nhưng có lẽ khi chúng ta ăn các loài vật, chúng ta sẽ ăn một cách có ý thức, có nghi lễ, và với sự tôn trọng mà chúng xứng đáng được hưởng.

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 71 - 78)