KHAI THÁC ĐÁM CHÁY

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 133 - 149)

Sau lần đi săn lợn đầu tiên, Jean-Pierre lái xe đưa tôi về nhà, và tôi dùng thời gian trên xe để thăm dò anh lần nữa về chủ đề nấm. Anh không tiết lộ địa điểm nào, nhưng có nhắc đến một người săn nấm tên là Anthony Tassinello, là người đã mang vài trăm gam nấm moscela tới nhà hàng của anh hồi đầu tuần. Jean- Pierre đề nghị giúp tôi liên lạc với Anthony (công sức mà một số người sẽ bỏ ra chỉ nhằm đánh lạc hướng sự quan tâm đến điểm săn nấm của chính họ thật đáng kinh ngạc).

Giữ lời hứa, Jean-Pierre gửi e-mail cho Anthony, và anh tỏ ra sẵn lòng đưa tôi đi săn nấm moscela. Tôi ngạc nhiên vì anh chịu để cho một người xa lạ đi cùng, nhưng sau vài e-mail trao đổi, mọi chuyện có vẻ dễ hiểu hơn. Nấm moscela đang đến mùa, và Anthony có thể cần người hỗ trợ, đặc biệt là người không đòi hỏi đáp lại thứ gì. Đối với nỗi lo ngại rằng tôi có thể làm lộ chỗ của anh (tôi vẫn thề như mọi lần), thì vấn đề bí mật không còn quá nhạy cảm trong trường hợp “nấm moscela sau đám cháy” mà chúng tôi sẽ đi săn. Đây là những loài nấm moscela đến lúc thu hoạch với số lượng lớn vào mùa xuân sau khi có đám cháy rừng thông. Thậm

chí nếu tôi có tiết lộ thông tin mật thì nó cũng chẳng có mấy giá trị ngoài mùa xuân này - trên thực tế là sau vài tuần, vì anh đoan chắc rằng toàn bộ cộng đồng yêu nấm của Califomia sẽ đổ bộ vào khu vực sau đám cháy này ngay giây phút tin tức lộ ra.

Anthony gửi e-mail nói rằng tôi sẽ gặp anh ở cửa nhà vào sáng thứ Sáu, chính xác lúc 6 giờ sáng, cảnh báo tôi phải sẵn sàng cho một môi trường khắc nghiệt và khó đoán. “Chúng ta sẽ gặp mưa, tuyết, hay nắng rực rỡ. Đừng cười: mùa xuân này đã có tuyết rơi một lần rồi, và chúng ta cố gắng tìm nấm moscela đang trồi lên qua lớp tích tụ bên trên. Không vui đâu, nhưng rất đáng nhớ.

“Thời tiết nơi chúng ta sẽ săn nấm có thể rất khác ở đây, và thậm chí khác với thung lũng. Nơi chúng ta sẽ đi bộ lên có độ cao gần 1,6 ki lô mét so với mực nước biển, và trời có thể nóng, lạnh, hoặc mưa ướt, chỉ trong vòng vài giờ. Hãy mang theo áo giữ nhiệt và áo mưa để đề phòng. Phải có một đôi ủng đi bộ chắc chắn có đệm mắt cá: địa hình rất dốc và nhiều đá, với cây lớn bị cháy đổ và mặt đất ướt đẫm. Hãy mang theo mũ, vì ánh nắng sẽ gay gắt hơn ở độ cao này, ngoài ra nó cũng giúp đẩy lá kim của cây tuyết tùng và mạng nhện tránh xa mặt ta và có thể được gập lại làm túi đựng nấm khi giỏ đầy”. Anthony cũng khuyên tôi mang kem chống nắng và ống phun rệp (để đuổi muỗi), tối thiểu 4 lít nước, kem dưỡng môi, và nếu có thì cả bộ đàm nữa.

Việc đi săn nấm moscela nghe có vẻ không thú vị lắm, giống như khóa đào tạo sống sót hơn là đi bộ trong rừng. Tôi cầu chúa rằng Anthony chỉ cố gắng làm tôi sợ, và đặt chuông bốn rưỡi sáng, băn khoăn không hiểu tại sao tất cả những cuộc săn bắt - hái lượm lại phải bắt đầu từ sớm đến vậy. Trong trường hợp đi săn lợn thì tôi hiểu sự cần thiết phải sẵn sàng khi chúng vẫn còn đang tìm kiếm thức ăn vào buổi sớm, nhưng nấm moscela đâu có thể đi đâu sau bữa trưa. Có lẽ khi ta đi tìm, ta muốn có nhiều ánh sáng ban

ngày hết mức có thể. Hoặc có lẽ chúng ta muốn bắt đầu sớm để cạnh tranh với những người săn tìm khác nhằm có được những chỗ tốt nhất.

Tôi dừng xe trước hiên nhà Anthony trước sáu giờ một chút và thấy hai người khoảng ngoài ba mươi mặc áo mưa đang chất lên xe SUV đủ trang thiết bị cho một chiến dịch dài cả tuần trong lãnh thổ thù địch. Anthony cao khoảng mét tám và gầy nhom, với chòm râu dê theo kiểu Frank Zappa; bạn anh, Ben Baily, tròn trịa hơn một chút và trông có vẻ đỡ góc cạnh hơn, có điệu cười thoải mái. Trong chuyến đi dài dọc Thung lũng Trung tâm (Xural Valley), tôi biết được rằng Anthony và Ben là bạn nối khố từ hồi ở Piscataway, New Jersey; sau khi học đại học xong thì cả hai đều hành hương tới khu vực Vịnh để trở thành đầu bếp. Vào một buổi chiều, hồi Anthony làm bếp trưởng ở nhà hàng Chez Panisse, có một người trông như vừa từ trong rừng đi ra, mặc đồ rằn ri xuất hiện ở cửa bếp với mấy sọt nấm hoang.

“Tôi thích ăn nấm, vì thế tôi nói với anh rằng tôi muốn lúc nào đó đi cùng anh, và cuối cùng thì chuyện đó cũng xảy ra. Anh đưa tôi tới Sonoma và chúng tôi tìm được nấm thông và nấm mồng gà. Chỉ cần đi chơi mà tìm được bữa tối! Đó thực sự là cảm giác được trao sức mạnh, kiếm được cái ăn cho mình bằng cách giải được câu đố của tự nhiên”. Anthony vẫn làm bếp trưởng, chủ yếu chỉ nấu các bữa tối riêng, đồng nghĩa với việc có rất nhiều ngày rỗi rãi để đi săn nấm, thường cùng với Ben (cũng làm bếp trưởng). Anthony nói rằng chúng tôi sẽ đi cùng với một người nữa họ đã gặp ở đám cháy tuần trước, một anh chàng trẻ tuổi mà họ chỉ biết qua khả năng tìm kiếm nấm: Paulie Porcini.

Tôi biết được rằng Paulie Porcini thuộc cộng đồng người săn nấm dọc Bờ Tây, đi săn theo mùa thu hoạch nấm: nấm porcini vào mùa thu, nấm mồng gà vào mùa đông, nấm moscela vào mùa

xuân. “Đây là những người sống trên xe tải,” Ben giải thích, “không phải những người từng xem bản tin lúc năm giờ.” Họ nhặt nhạnh kiếm sống bằng cách bán nấm cho những người mối lái có cửa hàng trong những khách sạn ven đường gần các khu rừng, trương biển hiệu và trả tiền mặt cho người săn nấm. Anthony và Ben không hẳn là một phần của thế giới đó; họ có việc làm, sống tại nhà và bán nấm trực tiếp cho các nhà hàng. “Chúng tôi không tự cho mình là những người săn nấm chuyên nghiệp,” Anthony nói. Chúng tôi lái xe vài giờ qua thung lũng và sau đó ngược lên Sierra tới Rừng Quốc gia Eldorado, một vạt rừng thông và tuyết tùng khoảng 3.108 ki lô mét vuông trải rộng từ hồ Tahoe tới Yosemite. Khi chúng tôi leo lên núi, nhiệt độ giảm xuống còn khoảng ba mươi độ và một cơn mưa tuyết bắt đầu đập ràn rạt xuống kính xe. Dọc đường, những mảng tuyết cũ bẩn thỉu lớn dần lên và mới hơn cho tới khi mở rộng ra che phủ mọi thứ. Lúc đó là khoảng đầu tháng Năm, nhưng chúng tôi đang lái xe quay trở lại mùa đông.

Nấm moscela mọc trên khu rừng thông bị cháy ngay khi lớp tuyết phủ tan đi và đất bắt đầu ấm dần lên, vì thế sau khi đi vào khu vực cháy ở độ cao khoảng 1,3 ki lô mét, chúng tôi đi dọc một con đường chở gỗ, tìm nơi tiếp giáp giữa tuyết trắng và mặt đất đen. Ở độ cao khoảng 1,37 ki lô mét, chúng tôi tìm thấy nó: quang cảnh như trên mặt trăng đầy đe dọa với màu đen và trắng. Chúng tôi biết độ cao của mình vì Anthony và Ben, giống như nhiều người săn nấm ngày nay, mang theo thiết bị định vị cầm tay dùng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) - để đánh dấu các địa điểm tốt, tính toán độ cao, và để không bị lạc.

Chúng tôi đỗ chiếc SUV và bắt đầu nhìn quanh. Ngay sau đó, Paulie Porcini xuất hiện, một anh chàng ngoài hai mươi trông có vẻ điểm tĩnh, để râu, mang theo gậy đi bộ và quấn khăn rằn quanh

đầu. Paulie, một người rất kiệm lời, dường như rất thoải mái trong rừng.

Khu rừng rất tráng lệ, và cũng rùng rợn. Rùng rợn là vì, trong tầm mắt ta là một nghĩa địa những thân cây cao vút thẳng đứng đã bị lửa xén hết mọi nhánh ngang. Trong năm ngày của tháng Mười năm trước một “đám cháy điện” (nó bắt đầu gần một trạm điện) đã liếm qua những ngọn núi này, phá hủy 17.000 mẫu Anh thông và tuyết tùng trước khi gió đổi hướng cho phép những người lính cứu hỏa ngăn chặn được nó. Ngọn lửa dữ dội đến nỗi có những nơi nó làm bốc hơi toàn bộ cả thân cây. Lý do duy nhất ta biết điều này là vì ngọn lửa, vẫn còn đói khát tìm gỗ, đã lần theo những thân cây tới tận bên dưới nền rừng và hủy hoại cả rễ cây, tạo ra những lỗ trống ăn sâu xuống đất. Những miệng hố đen ngòm này trông như những cái khuôn mà nếu đổ đầy thạch cao thì sẽ tạo ra những mô hình ma quái của cả hệ thống rễ cây thông, chính xác đến chi tiết cuối cùng. Không còn nhiều loài sống được trong cảnh quan tan hoang này: một vài con chim ăn thịt (chúng tôi nghe thấy tiếng loài cú), thỉnh thoảng có một con sóc, và đây đó có một bụi diếp cá mỏ (miner’s lettuce) xanh tươi nổi bật trên nền đất đen.

Tuy nhiên, nếu ta có được cái nhìn có thẩm mỹ hơn đôi chút đối với cảnh vật này, thì cùng cảnh quan đó lại là bức tranh trừu tượng xinh đẹp với cảm giác thanh bình, gần như hiện đại. Những thân cây chết đen sì thẳng đứng sắp hàng trên sườn đồi đều đặn như lông bàn chải, nhịp điệu đều đặn của chúng lại thường xuyên biến đổi bởi một vệt chém đen nặng nề nghiêng theo một góc kỳ lạ chạy suốt khu vực. Địa hình cơ bản của vùng đất này, với những nếp gấp sâu tạo thành những cái khe đầy tuyết tan, trông rõ rệt như nét vẽ thẳng, mọi thứ trong tầm mắt quy về những nét chính.

Nhưng đó gần như là lần cuối cùng trong suốt ngày hôm ấy tôi ngẩng lên để nhìn ngắm toàn cảnh: ngay khi Ben thông báo nhìn

thấy cây nấm moscela đầu tiên, tôi bắt đầu nhìn xuống, một cách tuyệt đối và đầy quyết tâm. Ở đó tôi thấy một tấm thảm lá thông dày giữa những thân cây thông cháy đen. Một cây nấm moscela trông như một ngón tay rám nắng đội cái mũ giấy nhọn và rỗ sâu như tổ ong. Chắc chắn đó là những cây nấm trông rất hài hước, giống hệt yêu tinh hay dương vật nhỏ. Hình dáng và hoa văn đặc thù của nấm moscela khiến chúng rất dễ phát hiện nếu không phải vì màu sắc của chúng, từ nâu xám cho tới đen và hòa lẫn hoàn toàn vào khung cảnh xám đen một màu. Nhìn từ xa, phần gốc còn lại nhỏ xíu của cây non bị cháy rất dễ bị nhầm với nấm moscela; những quả thông đen kịt cũng vậy, nhiều quả bị kẹt và nhô thẳng trên mặt đất như những ngón tay cái tròn trịa và đánh lừa ta với hình dạng giống nấm moscela. Do vậy phải nhìn thật kỹ, và trong khoảng một tiếng đầu tiên, mọi thứ trông có vẻ có triển vọng hóa ra chỉ là một trong những kẻ mạo danh nấm moscela khi quan sát gần hơn.

Để giúp tôi quan sát tốt hơn, Ben - người mà cả nhóm thống nhất là có đôi mắt tinh tường nhất - bắt đầu để lại những khoảng nhỏ nấm moscela mà anh tìm thấy, để tôi có thể nghiên cứu ở đúng chỗ của nó, tiếp cận khoảng đất đó từ các góc khác nhau cho tới khi tôi có được tiêu cự và góc nhìn phù hợp. Góc nhìn là điều quan trọng nhất, và tôi phát hiện ra rằng nếu tôi nằm ẹp xuống đất - mà ngay dưới lớp cành và lá thông mục có một mảng bùn trơn trượt - tôi có thể nhìn thấy những chiếc mũ nhỏ xíu nhô lên ở đây đó, những cây nấm moscela mà chỉ một phút trước vẫn gần như vô hình. Khi Ben thấy tôi săn nấm ở tư thế nằm sấp, anh tán thành. “Chúng tôi vẫn nói, ‘Dừng lại, hạ người xuống, và lăn’ vì ở sát mặt đất ta có thể thấy những thứ mà ta sẽ không bao giờ thấy từ phía trên.”

này và tôi tiếp thu những câu đó suốt cả ngày. “Nhìn tận mắt, bắt tận tay”, nghĩa là ta không thấy cây nấm nào cho tới khi có ai đó chứng minh được sự có mặt của chúng bằng cách tìm được một cây. “Cơn giận bởi nấm” là điều ta cảm thấy khi mọi người quanh ta nhìn thấy còn ta thì vẫn như bị mù - nghĩa là cho tới khi ta tìm được cây đầu tiên, nhờ đó phá tan cái gọi là “sự ngây thơ về nấm” của ta. Rồi sau đó là “quấy rối hội đồng”, khi ta đang học quan sát mà những kẻ đi săn khác vây quanh ta, hy vọng sự may mắn của ta sẽ tiêu tan. Quấy rối, như tôi hiểu, là hành vi xấu. Rồi sau đó là “lưu ảnh” - tức là sau vài giờ lùng sục mặt đất để tìm những chiếc mũ chóp nhọn nhỏ xíu màu nâu thì hình ảnh của chúng sẽ in lên võng mạc của ta. “Anh sẽ thấy. Đêm nay khi anh đi ngủ,” Ben nói, “khi nhắm mắt vào và chúng lại xuất hiện ở đó - nấm moscela mọc kín các bức tường.”

Anthony và Ben có hàng tá lý thuyết về nấm - cũng như hiểu biết rõ ràng về những hạn chế của các lý thuyết này đối với thứ bí ẩn như nấm. Họ liệt kê cho tôi “những loài chỉ báo” nấm moscela: những loài thực vật và nấm khác, dễ thấy hơn báo hiệu khả năng có mặt của chúng. Sơn thù du nở rộ là tín hiệu cho thấy đất đã đạt nhiệt độ phù hợp, cùng với sự xuất hiện của cây giọt băng, có hình dương vật màu đỏ tươi nhô lên từ nền rừng tưởng như không có sức sống; tuy nhiên, không có cây nấm moscela nào ở khu vực xung quanh cây giọt băng mà tôi nhìn thấy. Một cây nấm có hình chiếc cốc màu nâu nhỏ xíu là loài chỉ báo tỏ ra đáng tin cậy hơn một chút. Anthony và Ben tin rằng nấm moscela sẽ xuất hiện ở cùng độ cao trong một tuần nhất định, vì thế cho dù đi đâu, chúng tôi đều tham khảo GPS để biết chắc về độ cao của chúng tôi và cố gắng tìm ở độ cao khoảng 1,34 ki lô mét.

Tôi có thể thấy lý do tại sao ta cần có các lý thuyết để tổ chức đi săn; tôi đã tự xây dựng lý thuyết của mình khi đi săn nấm mồng

gà với Angelo. Khu vực chúng tôi phải tìm quá rộng lớn, mà nấm moscela thì lại quá yên lặng, vì thế lý thuyết giúp phân chia hiện trường mà trên đó chúng tôi đang chơi trò trốn tìm thành những khu vực ấm hơn và lạnh hơn. Lý thuyết cho ta biết khi nào thì phải tập trung soi xét kỹ khắp nền rừng, và khi nào có thể yên tâm bỏ qua nó. Vì đối với người săn bắt - hái lượm, khả năng tập trung cao là nguồn lực quý giá nhưng có giới hạn, và lý thuyết, bằng cách tóm lược kinh nghiệm trong quá khứ, giúp ta triển khai nguồn lực đó một cách hiệu quả nhất.

“Nhưng không bao giờ được quên lý thuyết cuối cùng, lý thuyết của tất cả các lý thuyết,” Ben cảnh báo vào cuối buổi hướng dẫn tôi sáng hôm đó. “Chúng tôi gọi nó là NMBP[98]: nếm mới biết pudding.” Nói cách khác, khi đi săn nấm, ta phải sẵn sàng vứt bỏ tất cả những lý thuyết trước đó và áp dụng bất kỳ lý thuyết nào tỏ ra hiệu quả ở một nơi cụ thể, và tại thời điểm cụ thể. Hành vi của nấm khó mà dự báo trước, và các lý thuyết chỉ có thể phần nào đẩy lùi sự bí ẩn của nấm. “Chuyện này rất giống đánh bạc,” Ben nói. “Ta luôn tìm kiếm một ván thắng lớn, mạch vỉa chính. Các điều kiện có thể trông rất hoàn hảo, nhưng ta chẳng bao giờ biết mình sẽ tìm thấy gì ở khúc quanh tiếp theo - đó có thể là một biển nấm,

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 133 - 149)