CHƯƠNG MƯỜI CHÍN

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 115 - 117)

HÁI LƯỢM

Nấm

Có kỳ lạ không khi mà, trong rất nhiều trò giải trí và sở thích, chúng ta có trò cung cấp một trong những nhu cầu cơ bản của con người - thực phẩm, nơi trú ngụ, thậm chí là quần áo? Vì thế một số người đan len, những người khác xây dựng hoặc bổ củi, và nhiều người trong chúng ta “làm việc” để kiếm đồ ăn - bằng cách làm vườn hoặc săn bắn, câu cá hoặc cắt cỏ. Một nền kinh tế được tổ chức trên cơ sở phân chia lao động phức tạp thường thực hiện được những nhiệm vụ này chỉ với một phần chi phí, bằng thời gian hoặc bằng tiền, so với khi chúng ta tự làm, tuy nhiên có điều gì đó trong chúng ta rõ ràng tìm cách khẳng định rằng ta vẫn có kỹ năng cần thiết để tự cung cấp cho bản thân mình. Bạn biết đấy, để đề phòng thôi. Rõ ràng chúng ta muốn được nhắc nhở về cách thức hoạt động thực sự của những quy trình nền tảng duy trì cuộc sống của ta, mà giờ đây ẩn giấu sau tấm màn kinh tế phức tạp đang lan rộng toàn cầu. Lúc này, điều đó cao hơn sự tự phụ đôi chút, nhưng chúng ta muốn nghĩ mình là người tự cung tự cấp, dù chỉ là vài tiếng cuối tuần, cả khi nếu ta tự tay trồng thì sẽ tốn kém gấp đôi so với mua ở cửa hàng.

Những người khác nhau sẽ chơi trò tự cung tự cấp theo các hình thức khác nhau, và ta có thể biết khá nhiều về một người qua lựa chọn có tính lại giống của họ: dù là bị cuốn hút bởi sự chăm chú

kiên nhẫn và cô đơn của việc câu cá, cấu trúc toán học chặt chẽ của việc xây dựng, sự kịch tính đầy cảm xúc của việc đi săn, hay là cuộc đối thoại khôi hài với các loài khác ở trong vườn. Phần lớn chúng ta có ý tưởng khá rõ ràng rằng mình sẽ thử làm việc nào trong số những việc này nếu vì một lý do nào đó mà cỗ máy thời gian ném chúng ta trở lại thời Pleistocene hay Thời đại Đồ Đá Mới.

Ít nhất cho tới khi tôi bắt đầu phiêu lưu trong địa hạt săn bắn và hái lượm, tôi luôn tự cho rằng mình là kiểu người thuộc thời đại Đồ đá mới. Nuôi trồng thực phẩm là lựa chọn có tính hoài cổ của tôi từ hồi mới năm tuổi, khi tôi gây dựng một “nông trại” ở sân sau căn nhà của bố mẹ và thiết lập một gian hàng bán đồ trang trại mà mẹ tôi thường xuyên lui tới, khá độc quyền. Những bí mật của sự nảy mầm, nở hoa và kết trái cuốn hút tôi từ hồi còn bé, và nhờ trồng trọt và làm việc trên một mảnh đất bình thường, chỉ vài tháng sau ta có thể thu hoạch những thứ ngon lành và có giá trị, đối với tôi, là điều sửng sốt lâu dài nhất của tự nhiên. Đến giờ vẫn vậy.

Làm vườn là một cách hòa nhập với tự nhiên gắn với những giả định mà người làm vườn nếu có hiếm khi nhận thức được rõ ràng - ấy là nếu có nhận thức được chút nào. Chẳng hạn, việc chỉ làm việc với những loài được thuần hóa chắc chắn sẽ tác động tới quan điểm của chúng ta rằng tự nhiên là một nơi khá ôn hòa, nơi đáp ứng những khát khao của con người (về cái đẹp, vị ngon). Trong vườn, ta cũng sẽ cho rằng bất cứ thứ gì được trồng ở đó đều thuộc về ta, vì nó ít nhiều là sản phẩm của sức lao động ta bỏ ra trên đất đai của mình, âu cũng dễ hiểu. Và ta sẽ coi những cư dân hoang dã hơn, khó sai khiến hơn của khu vườn, những loài mà ta không mời, như là “sâu hại” - là loài Khác. Người làm vườn là kiểu người theo thuyết nhị nguyên từ sâu thẳm, họ phân tách thế giới quan của mình một cách rạch ròi: đất canh tác và đất hoang, các loài vật

nuôi và hoang dã, của mình và của họ, ở nhà và ở nơi khác. Người làm vườn, cũng giống như người nông dân, sống trong một thế giới rạch ròi và rõ ràng nhất.

Thực ra tôi chưa từng nghĩ về thế giới quan của người làm vườn theo cách này cho tới khi dành thời gian săn tìm nấm, một phương cách hoàn toàn khác để tồn tại trong tự nhiên. Săn tìm nấm là một hoạt động thoạt nghe giống với việc thu hoạch - ta tìm kiếm những thứ sẵn có trong tự nhiên để ăn - tuy nhiên, ta nhanh chóng phát hiện ra rằng hai hoạt động này lại rất khác nhau. Trước hết, ta thường tìm nấm ở nơi không quen thuộc, nơi ta rất dễ bị lạc. Vì phải nhìn chăm chăm xuống đất trong suốt thời gian tìm kiếm. Còn ở trong vườn, ta khó mà đi lạc được (đó là lý do tại sao người làm vườn tìm cách tạo ra trải nghiệm đó đã trồng ngô). Và trong khi cà chua đã sẵn sàng được ăn trong vườn sẽ báo hiệu cho ta bằng cách hé lộ sắc đỏ trên nền màu xanh thuần nhất, nấm ẩn mình tuyệt đối. Hái và ăn nhầm nấm cũng có thể gây chết người, điều không dễ xảy ra ở trong vườn. Không, đáp ứng nhu cầu và sự khao khát của con người không phải là mục đích duy nhất của nấm. Nấm, ta nhanh chóng phát hiện ra, là thứ hoang dã về mọi mặt, là sinh vật theo đuổi lộ trình riêng khá tách biệt với chúng ta. Đó là lý do tại sao “săn tìm”, chứ không phải thu hoạch, là thuật ngữ được ưa thích hơn đối với những người say mê nấm.

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 115 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)