KHOẢNH KHẮC HƯNG PHẤN

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 82 - 90)

Một phần trong tôi không muốn đi. Đêm trước hôm đó, tôi có những giấc mơ đầy bất an về việc đi săn. Trong một giấc mơ, tôi ở trên một con thuyền bập bềnh cố gắng ngắm cây súng trường vào một chiếc khu trục hạm đang bắn đại bác vào tôi; trong một giấc mơ khác, cánh rừng đầy rẫy những họ hàng người Sicily của Angelo, và dù đã cố hết sức nhưng tôi vẫn không sao nhớ nổi cách hoạt động của khẩu súng, không hiểu chốt an toàn bị khóa khi cái nút nhỏ bật lên ở bên trái hay bên phải của cò súng.

Tôi mới thử dùng khẩu súng trường của mình duy nhất một lần trước khi mang nó vào rừng, tại một khu tập bắn ở Oakland Hills, và cuối buổi sáng hôm ấy, tấm bia giấy của tôi bị tàn phá còn ít chán so với cái vai trái của tôi, cả tuần sau vẫn còn đau ê ẩm. Tôi chưa sẵn sàng mua một khẩu súng riêng, vì vậy Angelo đã mượn

cho tôi một khẩu súng trường lên đạn bằng tay khá đơn giản, một khẩu Winchester 0,270 với ống ngắm kiểu cũ mà khó khăn lắm tôi mới nhìn quen được. Sau buổi tập ở trường bắn, điều lo lắng thứ nhất của tôi là không đủ bản lĩnh để nhả đạn khẩu súng trường đang nhằm vào một con vật đã bị lấn át bởi nỗi lo thứ hai, ấy là giả dụ tôi có thể bóp cò, là con vật đó chẳng hề hấn gì cả.

Kế hoạch của tôi là đi săn lợn rừng ở những khúc sông dân cư thưa thớt nằm về phía Bắc hạt Sonoma, trên một mảnh đất rộng 1.000 mẫu Anh thuộc sở hữu của Richard, bạn của Angelo. Angelo cũng săn hươu, gà tây và vịt, nhưng vì nhiều lý do tôi cảm thấy thoải mái hơn khi đi săn lợn hoang. Loài vật được coi là loài gây hại ở nhiều nơi trên khắp California và có vẻ như tôi có thể dễ dàng biện minh cho việc giết một con vật có hại hơn so với việc giết một loài động vật bản địa hoang dã, như nhiều loài chim nước ngày nay, vốn đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị mất môi trường sống hay bị săn bắn quá nhiều. Loài lợn đã tồn tại ở đây từ lâu, nhưng chúng không phải là loài bản địa và cũng không hẳn là loài hoang dã; là loài lợn hoang thì chính xác hơn. Chúng cũng nổi tiếng là loài nguy hiểm; một trong những biệt danh của loài lợn California này là “kẻ sát hại chó”.

Columbus mang lợn đến Tân Thế giới trong chuyến đi thứ hai, vào năm 1493. Vào cuối thế kỷ tiếp theo, người Tây Ban Nha đã đưa lợn nhà tới Nam Mỹ và California; và họ thường thả loài động vật này vào trong rừng, để chúng tự vỗ béo bằng quả đấu và cỏ, rồi sau đó đi săn chúng khi cần. Vào những năm 1840, những người khai hoang gốc Nga mang theo lợn nhà tới Bắc California và, vài năm sau, các chủ đất đưa vào một số loài lợn rừng lai Âu - Á, có lẽ là để phục vụ hoạt động săn thú lớn. Lợn rừng và lợn hoang từ lâu đã giao phối với nhau sinh ra các thế hệ con cháu thông minh, chống chịu tốt hơn và sinh sôi mạnh mẽ trong những cánh rừng sồi

và rừng cây bụi của California (loài này thường được gọi chung là lợn lòi, nhưng vẻ ngoài của chúng cho thấy gien của loài lợn nhà là gien trội; dù vậy, loài lợn hoang của California cũng có mõm dài hơn, đuôi thẳng hơn, và lông dày hơn nhiều so với các tổ tiên lợn nhà của chúng). Không có những loài ăn thịt đáng gờm, số lượng lợn hoang đã lan tràn trên nhiều môi trường sống, đe dọa đất trồng trọt, các vườn nho và các cánh rừng; chúng dũi tanh bành nhiều dải đất rộng, khiến đất bị xói mòn và bị cỏ dại xâm lấn.

Vì vậy tôi có thể tự nhủ rằng đi săn lợn hoang ở California là vì môi trường. Nhưng tôi cũng muốn ăn thịt lợn hoang hơn là ăn hươu nai hay vịt hay tất cả những loài chim nhỏ mà Angelo thích săn. Tôi thích thịt lợn, và từ khi tới California tôi đã nghe đồn rằng lợn hoang ăn ngon hơn nhiều so với lợn nuôi hay lợn lòi thuần giống săn được ở miền Nam (tôi đã từng nếm thử loại đó trong một món hầm, và thấy nó hơi nồng mùi xạ). Khi tôi hỏi Angelo lý do đi săn lợn hoang, ông không hề ngập ngừng (hay thốt ra câu gì đó về môi trường) mà chỉ hôn lên mấy đầu ngón tay và nói, “Vì đó là món thịt ngon nhất. Và chẳng có gì ngon bằng chân giò xông khói lợn lòi. Rồi anh sẽ thấy. Hãy bắn một con to vào, và chúng ta sẽ làm món đó.”

Theo nghĩa nào đó, thứ Angelo thực sự đi săn không phải là lợn, mà là món thịt xông khói. Trong một chuyến đi của chúng tôi tới Sonoma, ông có nói đôi điều về triết lý săn bắn và câu cá của mình. “Đối với tôi, tất cả chỉ là để phục vụ ăn uống. Không phải là ‘chơi thể thao’. Tôi không thuộc nhóm người đi săn để lấy thành tích. Tôi lấy thứ tôi cần, đủ để làm một bữa tối ngon lành cho tôi và cho bạn bè, có thể là một ít salami, một cái đùi lợn xông khói, nhưng chỉ vậy thôi, sau đó tôi về nhà luôn. Bạn tôi, Xavier, và tôi luôn tranh luận về chuyện này mỗi lần chúng tôi đi săn hay đi câu cũng nhau. Anh ta cứ tiếp tục câu ngay cả khi đã câu đủ số cá cần thiết,

rồi ném lũ cá xuống nước để câu lại. Anh biết đấy, “bắt và thả”. Tôi bảo là anh ta đang bắt một con cá hết lần này đến lần khác. Đối với tôi, đó là đùa cợt với thực phẩm. Ta không nên mang thực phẩm ra để đùa.”

Trong cuộc đi săn đầu tiên này, Richard cũng đi cùng chúng tôi, ông chính là chủ khu đất (ông đã từng được Angelo hướng dẫn đi săn lợn), và bạn của Angelo, Jean-Pierre, một bếp trưởng người Pháp tại nhà hàng chez Panisse ở Berkeley. Jean-Pierre đã không đi săn trong nhiều năm, mặc dù từ nhỏ tới lớn ông thường đi săn lợn lòi cùng với họ hàng ở Brittany. Ông đội một cái mũ phớt bằng vải dạ màu xanh lá cây có gắn lông chim (ông đội cái mũ đó mà không hề có vẻ gì là mỉa mai) và đi một đôi ủng cưỡi ngựa cao cổ màu đen. Chúng tôi trông chẳng giống một đội đi săn kiểu Mỹ cho lắm (Angelo mặc một cái quần Âu đen ống xòe), mặc dù Richard mặc cả cây màu da cam đúng chuẩn quốc tế còn tôi mặc chiếc áo lên màu cam chóe nhất của mình. Chúng tôi chia thành cặp, tôi đi cùng với Angelo, và đi theo hướng khác nhau, theo kế hoạch sẽ gặp nhau ở xe vào bữa trưa. Jean-Pierre và Richard khởi hành ở con đường mòn dẫn xuống khu rừng phía dưới, trong khi Angelo và tôi dự định thăm dò sườn núi đầy cỏ bằng chiếc xe địa hình bốn bánh của Angelo - chiếc xe mà ông gọi là “xe đạp”. Chiếc xe kêu ken két, nhưng Angelo tuyên bố rằng tiếng kêu đó chẳng làm phiền lũ lợn và sẽ cho phép chúng tôi đi được xa hơn hẳn so với đi bộ. Vì thế chúng tôi để súng trường đã nạp đạn lên mui xe, còn tôi cố gắng ngồi vừa vào cái bệ bằng gỗ dán hẹp phía sau ghế lái, sau đó chúng tôi lên đường đi tìm Lợn, xóc nẩy và ổn ào trên con đường đất.

“Hôm nay anh sẽ giết con lợn đầu tiên,” Angelo hét lên để át tiếng gầm của động cơ. Căn cứ vào bản chất của việc săn bắn, chứ chưa tính đến tôi, tôi hiểu rằng câu nói đó giống một lời cầu nguyện hơn là một dự báo. Qua mỗi khúc quanh của con đường,

chúng tôi lại tới một “điểm rất thuận lợi” hay “khu vực rất phổ biến”, và mỗi điểm như vậy đều gắn liền với một câu chuyện đi săn. Quả thực, toàn bộ khu vực đó nhanh chóng biến thành một thiên sử thi về những cái chết và những lần suýt thoát chết của lũ lợn. Có chỗ là diễn ra câu chuyện về con lợn nái mà Angelo không nỡ bắn vì có đàn lợn con đang lũn cũn đi theo sau (“Nhưng sau lần đó tôi đã biết được rằng sẽ một con lợn khác nuôi đàn lợn con, chúng sẽ làm vậy, vì thế nên có lẽ lần sau…”) Ở chỗ khác, ông đã bắn vào một đàn lợn và chỉ bằng một viên đạn bắn trúng hai con. Rồi có chỗ ông ngắm bắn một con lợn lòi từ xa, có lẽ nó phải đến một tạ hoặc tạ rưỡi, nhưng bắn trượt. Dĩ nhiên, câu chuyện về một con lợn rất lớn bị bắn trượt là vô cùng hệ trọng, vì nó khiến cho khu vực săn bắn mang đậm vẻ huyền thoại. Con lợn ấy vẫn còn lẩn khuất đâu đó ngoài kia.

Sau một lúc, chúng tôi đỗ xe và bắt đầu đi bộ. Angelo chỉ cho tôi một con đường và đích đến - một bãi đầm giữa một bãi cỏ trống nằm cuối một hẻm núi - và bảo tôi hãy tìm một cái cây có thể quan sát rõ bãi đẫm rồi chờ ở đó, giữ im lặng tuyệt đối, trong vòng hai mươi phút cho tới khi nghe tiếng ông huýt sáo. Ông sẽ đi vòng tới chỗ đó từ một hướng khác, với hy vọng lùa được vài con lợn vào tầm nhìn của tôi.

Khi tôi không còn nghe thấy tiếng bước chân của Angelo nữa, tai và mắt tôi bắt đầu điều chỉnh để đón bắt - mọi thứ. Cứ như thể tôi vừa mới khai mở tất cả giác quan hay làm cho toàn cơ thể im lặng đến mức thế giới xung quanh trở nên rộng lớn hơn và sáng rõ hơn. Tôi nhanh chóng biết cách gạt bỏ sự nhiễu loạn do tiếng chim hót rộn rã vào tầm ấy lúc sáng sớm gây ra, và lắng nghe tần số của những âm thanh cụ thể - tiếng răng rắc của cành cây hay tiếng khụt khịt của động vật. Tôi thấy mình có thể nhìn sâu vào rừng hơn bao giờ hết, phát hiện được những thay đổi nhỏ nhất trong

tầm nhìn ở khoảng cách gần như không thể thấy được, miễn là những thay đổi đó liên quan đến chuyển động hoặc bóng tối. Độ sắc nét của tiêu điểm và độ sâu trường ảnh thật phi thường, dù rằng tôi biết thừa điều này từ trải nghiệm lần đầu đeo kính độ nặng vì bị cận thị. “Mắt người đi săn,” Angelo đã nói vậy sau khi nghe tôi mô tả về hiện tượng trên; ông hiểu rõ điều đó.

Tôi tìm một chỗ được che khuất nhìn ra bãi đầm, thu mình trong đám lá, dựa lưng vào thân cây madrone nhẵn nhụi, đặt khẩu súng trên đùi và ngồi yên. Không khí rít lên khi được hít thở qua hai lỗ mũi tôi đột nhiên nghe đầy vẻ tai họa, vì thế tôi bắt đầu hít thở bằng miệng, thật nhẹ nhàng. Thông tin từ các giác quan dồn dập truyền lên đầu tôi khiến sự ồn ào thông thường của nhận thức bị đẩy bật ra ngoài. Trạng thái đó có cảm giác rất giống với thiền, mặc dù ta không hề tốn chút nỗ lực hay phải rèn luyện tinh thần để đạt được trạng thái đầu óc trống rỗng đó. Hành động nhìn và nghe đơn giản, điều chỉnh các giác quan của tôi cho phù hợp với tần số của loài lợn trong rừng, xâm chiếm hết mọi ngóc ngách trong không gian tinh thần của tôi và neo chặt tôi vào hiện tại. Chắc hẳn, tôi đã mất cảm giác về thời gian vì thoáng cái đã hai mươi phút trôi qua. Bình thường thì cơ thể tôi hẳn đã nổi loạn vì phải cúi lâu như vậy, nhưng lúc này tôi không cảm thấy cần phải thay đổi tư thế hay thậm chí đổi chân.

Về sau, tôi nghĩ trạng thái tinh thần này, mà tôi thấy khá thích thú, gần giống với trạng thái của người hút cần sa: các giác quan của người ta trở nên đặc biệt nhạy bén và tâm trí dường như quên đi mọi thứ nằm ngoài phạm vi mục tiêu hiện tại của nó, bao gồm cả sự không thoải mái của cơ thể và sự trôi đi của thời gian. Ngày nay, một trong những lĩnh vực nghiên cứu ngày càng thú vị thuộc khoa học thần kinh là nghiên cứu ‘mạng lưới gây hưng phấn” của bộ não, một tập hợp các thụ thể trong hệ thần kinh được kích hoạt

bởi một nhóm các hợp chất khác thường được gọi là cannabinoid[91]. Một trong những hợp chất này là THC, một hoạt chất trong cần sa; một hợp chất khác là anandamide, một chất truyền dẫn thần kinh được sản sinh trong não mới được phát hiện gần đây (người khám phá ra chất này đã đặt tên cho nó bằng một từ tiếng Phạn có nghĩa là sự sung sướng trong tinh thần). Dù được tạo ra bởi thực vật hay bộ não, cannabinoid đều có tác dụng cường điệu trải nghiệm của giác quan, vô hiệu hóa trí nhớ ngắn hạn, và kích thích cảm giác ngon miệng. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa chắc chắn rằng lợi ích tiến hóa của một hệ thống như vậy là gì. Một số nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng các hợp chất cannabinoid, cũng giống như các chất gây nghiện, có vai trò nào đó trong hệ thống giảm đau và hệ thống tưởng thưởng của não bộ[92]; một số khác lại cho rằng chúng giúp điều chỉnh cảm giác ngon miệng hoặc cảm xúc.

Trải nghiệm đi săn lại gợi suy nghĩ về một giả thiết khác. Liệu có thể nào mạng lưới hưng phấn chính là một dạng thích nghi được chọn lọc tự nhiên ưu ái trong quá trình tiến hóa của sinh vật sống nhờ săn bắn? Một chất hóa học nội sinh trong não làm các giác quan trở nên nhạy bén, tập trung sự chú ý, cho phép ta quên mọi thứ bên ngoài và chỉ tập trung vào nhiệm vụ trước mắt (kể cả sự không thoải mái của cơ thể và sự trôi đi của thời gian), và khiến ta đói dường như là công cụ dược lý hoàn hảo cho người đi săn. Cùng lúc, nó đem đến động cơ, sự tưởng thưởng, và trạng thái tinh thần tối ưu cho việc đi săn. Tôi không hề ngạc nhiên chút nào khi phát hiện ra những gì mình cảm thấy trong rừng buổi sáng hôm đó, khi ngồi nấp sau một thân cây thèm thuồng quan sát khu rừng nhỏ đó, chính là một dòng thủy triều anandamide ào qua tâm trí tôi.

Nhưng liệu tôi có đang thực sự ở trong trạng thái hưng phấn hay không, thì trong thời khắc trước khi tiếng huýt sáo của Angelo

xuyên thủng trạng thái cảnh giác mà tôi thật sự cảm thấy, như thể bằng cách nào đó tôi đã bước vào thế giới tự nhiên qua một cánh cửa mới vậy. Ít ra thì lần này, tôi không còn là khán giả mà là một thành viên trong cuộc sống của khu rừng. Sau này, khi tôi đọc lại mô tả của Ortega y Gasset về trải nghiệm đó, tôi nhận thấy rằng xét cho cùng thì ông cũng không điên lắm, ngay cả khi ông khẳng định rằng việc săn bắn đem lại cho chúng ta cơ hội tốt nhất cuối cùng để thoát khỏi lịch sử và trở lại trạng thái tự nhiên, dù chỉ trong chốc lát - cái mà ông gọi là “kỳ nghỉ rời bỏ thân phận con người.”

Khi người ta đi săn, bầu không khí có một cảm giác khác, tinh tế hơn khi nó lướt trên làn da hoặc đi vào lá phổi, những tảng đá mang một diện mạo biểu cảm hơn, và thực vật cũng chứa đựng đầy ý nghĩa. Nhưng tất cả những điều này là do thực tế rằng người đi săn, dù đang tiến lên hay ngồi rình, đều cảm thấy ràng buộc với con vật mà anh ta đang săn đuổi thông qua mặt đất, dù con vật đó có đang ở trong tầm mắt, hay đang ẩn náu, hoặc không có mặt.

Người khách du lịch trong thiên nhiên không thể đạt tới trạng thái đắm chìm hay kết nối như vậy; tất cả những gì anh ta thấy chỉ là cảnh quan, là thứ được lịch sử tạo ra (và cũng khá mới). Cái nhìn của anh ta chịu tác động của nghệ thuật và kỳ vọng, nên

Một phần của tài liệu Ebook Tối nay ăn gì? - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp: Phần 2 (Trang 82 - 90)