Nguyen và Knowles (2010) nghiên cứu BHYT tự nguyện của học sinh Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy Probit. Biến phụ thuộc là BHYT Học sinh, là một biến giả nhận giá trị 1 nếu người được khảo sát có BHYT Học sinh và nhận giá trị 0 nếu không có. Kết quả hồi quy cho thấy ở mức ý nghĩa 1 %, biến “trình độ giáo dục của người dân được khảo sát” có ý nghĩa thống kê tác động lên quyết định mua BHYT Học sinh. Biến “tuổi” có ý nghĩa thống kê tác động tiêu cực lên quyết định mua BHYT. Biến “thu nhập” có nghĩa thống kê tác động tích cực lên quyết định mua BHYT. Biến “giới tính chủ hộ” có ý nghĩa thống kê tác động lên quyết định mua BHYT. Biến “số trẻ em đi học trong hộ gia đình” có ý nghĩa thống kê tác động tiêu cực lên quyết định mua BHYT. Biến “khoảng cách đến bệnh viện tỉnh” có ý nghĩa thống kê tác động tiêu cực lên quyết định mua BHYT. Biến “chất lượng của bệnh viện” có ý nghĩa thống kê tác động tích cực lên quyết định mua BHYT. Ở mức ý nghĩa 5%, biến “trình độ giáo dục của chủ hộ” có ý nghĩa thống kê tác động tích cực lên quyết định mua BHYT. Biến “giới tính” có ý nghĩa thống kê tác động tích cực lên quyết định mua BHYT. Biến “dân tộc” có ý nghĩa thống kê tác động lên quyết định mua BHYT, nếu người được khảo sát là dân tộc thiểu số thì xác suất mua BHYT thấp hơn các dân tộc khác. Tự đánh giá tình trạng sức khỏe không có ý nghĩa thống kê. Nghĩa là tình trạng sức khỏe của một đứa trẻ tốt hay xấu không ảnh hưởng đến xác suất mua BHYT. Kết quả này cho thấy, không tìm thấy dấu hiệu tồn tại lựa chọn ngược trong BHYT tự nguyện của học sinh.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Tình (2013) tập trung nghiên cứu những yếu tố liên quan đến việc thực hiện BHYT toàn dân là: Điều kiện kinh tế - xã hội, sự hoàn thiện và tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật, cách thức tổ chức thực hiện, sự đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân của hệ thống khám chữa bệnh, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về quyền lợi, vai trò và trách nhiệm thực thi luật BHYT.
Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Xuân Thọ và Hồ Huy Tựu (2014) đã chỉ ra rằng có 07 biến tác động có ý nghĩa thống kê lên sự quan tâm tham gia BHYT tự nguyện với tầm quan trọng lần lượt là: Tuyên truyền về BHYT tự nguyện; Ý thức sức khỏe; Kiến thức về BHYT tự nguyện; Thái độ; Kỳ vọng gia đình; Trách nhiệm đạo lý và Kiểm soát hành vi. Từ đây, tác giả đề xuất các hàm ý ứng dụng nhằm gia tăng sự quan tâm của những người buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An về BHYT tự nguyện.
Lưu Thị Trang (2016) tập trung nghiên cứu hệ thống hóa những vấn đề lý luận của báo chí với vấn đề BHYT học sinh, sinh viên; Khảo sát đánh giá thực trạng báo chí thông tin về BHYT học sinh, sinh viên, chỉ rõ ưu, nhược điểm và nguyên nhân; Xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng thông tin BHYT học sinh, sinh viên trên báo in, báo điện tử, đáp ứng yêu cầu công tác truyền thông. Với đề tài nghiên cứu này, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ, vai trò của báo chí với vấn đề BHYT học sinh, sinh viên; đồng thời qua khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin BHYT học sinh, sinh viên trên báo in và báo điện tử. Lê Cảnh Bích Thơ, Võ Văn Tuấn và Trương Thị Thanh Tâm (2017) đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tự nguyện của người dân thành phố Cần Thơ, bằng việc sử dụng mô hình Probit để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tự nguyện của người dân thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn, tuyên truyền và số lần khám chữa bệnh có ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tự nguyện của người dân.
Nghiên cứu của Phan Thị Trúc Phương (2017) về các yếu tố tác động đến quyết định mua bảo hiểm y yế tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã phân tích nhân tố khám phá EFA và hồi quy tuyến tính bội để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tại địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố Gia đình; Hành vi xã hội; Quan tâm sức khoẻ; Kiểm soát hành vi; Cảm nhận rủi ro có ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Nhìn chung, các nghiên cứu ở trong và ngoài nước liên quan đến việc tìm hiểu nguyên nhân nhằm gia tăng số học sinh tham gia BHYT cũng như tìm hiểu các yếu tố tác động, trong đó đa số các nghiên cứu định lượng đều dùng lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) để giải thích, chứng minh. Vì vậy, đề tài này vận dụng lý thuyết TPB làm cơ sở để đo lường sự quan tâm tham gia BHYT của học sinh trên địa bàn huyện Châu Đức.