3.3.1. Phân tích thống kê mô tả
Tác giả sử dụng phép phân tích mô tả trong phần mềm SPSS phiên bản 20.0 để phân tích các thuộc tính của mẫu nghiên cứu (các thông tin của đối tượng được khảo sát) gồm Giới tính, độ tuổi, thu nhập trung bình hàng tháng. Một số đại lượng cần tính toán trong phương pháp này là Giá trị trung bình; Số trung vị; Mốt; Phương sai; Độ lệch chuẩn.
3.3.2. Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha
Phân tích Cronbach’s Alpha nhằm tìm ra những mục câu hỏi cần giữ lại và những mục câu hỏi cần bỏ đi trong các mục đưa vào kiểm tra (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item - Total Correlation) nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại và thang đo được chọn khi hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,6 trở lên (Nunnally và Bernsteri, 1994; Slater, 1995). Cronbach’s Alpha từ 0,6 trở lên là có thể sử dụng được trong trường hợp khái niệm đang đo lường là mới hoặc mới đối với người trả lời trong bối cảnh nghiên cứu (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).
Như vậy, trong phân tích Cronbach’s Alpha thì ta sẽ loại bỏ những thang đo có hệ số nhỏ (α < 0,6) và cũng loại những biến quan sát có hệ số tương quan biến - tổng hiệu chỉnh nhỏ (< 0,3) ra khỏi mô hình vì những biến quan sát này không phù hợp hoặc không có ý nghĩa đối với thang đo. Tuy nhiên, các biến không đạt yêu cầu nên
loại hay không không chỉ đơn thuần nhìn vào con số thống kê mà còn phải xem xét giá trị nội dung của khái niệm (Nguyễn Đình Thọ, 2013).
3.3.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis) được sử dụng để xác định độ giá trị hội tụ, độ giá trị phân biệt và đồng thời thu gọn các tham số ước lượng theo từng nhóm biến.
Để xác định sự phù hợp khi sử dụng EFA, người ta thường tiến hành dùng kiểm định Bartlett và KMO:
- Kiểm định Bartlett: dùng để xem xét ma trận tương quan có phải là ma trận đơn vị I (indentify matrix) hay không. Kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê khi Sig. < 0,05. Điều này chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể.
- Kiểm định KMO: là chỉ số dùng để so sánh độ lớn của hệ số tương quan giữa các biến đo lường với độ lớn của hệ số tương quan từng phần của chúng (Nguyễn Đình Thọ, 2013). Hệ số KMO càng lớn càng tốt vì phần chung giữa các biến càng lớn. Để sử dụng EFA, hệ số KMO phải đạt giá trị từ 0,5 trở lên (KMO ≥ 0,5).
- Đại lượng Eigenvalue đại diện cho lượng biến thiên được giải thích bởi nhân tố. Những nhân tố có Eigenvalue cần lớn hơn 1 sẽ có tác dụng tóm tắt thông tin tốt hơn một biến gốc.
- Hệ số tải nhân tố (factor loading) biểu diễn tương quan giữa các biến và các nhân tố. Hệ số này cho biết nhân tố và biến có liên quan chặt chẽ với nhau. Nghiên cứu sử dụng phương pháp rút trích nhân tố “principal components” nên các hệ số tải nhân tố phải có trọng số lớn hơn 0,5 thì mới đạt yêu cầu.
Trước hết hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập sẽ được xem xét. Đề tài sử dụng một thống kê có tên là hệ số tương quan “Pearson correlation coefficient”, được kí hiệu bởi chữ “r” nhằm lượng hóa mức độ chặt chẽ của mối liên hệ tuyến tính giữa hai biến định lượng. Nếu r > 0 thể hiện tương quan đồng biến. Ngược lại r < 0 thể hiện tương quan nghịch biến. Giá trị r = 0 chỉ ra rằng hai biến không có mối liên hệ tuyến tính.
Tiếp theo, tiến hành phân tích hồi quy tuyến tính đa biến bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất thông thường (Ordinal Least Squares – OLS) nhằm kiểm định mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập.
Mô hình như sau: Yi = β0 + β1X1i + β2X2i + ... + βnXni + ei
Trong đó:
Yi là biến phụ thuộc, β0 là hằng số, Xpi biểu hiện giá trị của biến độc lập thứ i, hệ số βk được gọi là hệ số hồi quy riêng phần, e là một biến độc lập ngẫu nhiên có phân phối chuẩn với trung bình là 0 và phương sai không đổi σ2 .
Phương pháp lựa chọn biến Enter được tiến hành. Do mô hình có nhiều biến độc lập nên hệ số xác định R2 hiệu chỉnh dùng để xác định độ phù hợp của mô hình. Hệ số xác định R2 thường được dùng để đo sự phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính. Quy tắc là R2 càng gần 1 thì mô hình đã xây dựng càng phù hợp. Ngoài ra, kiểm định F được sử dụng để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình, trị thống kê F được tính từ R2 để đảm bảo Sig. < 0,05 thì mô hình chấp nhận. Đánh giá mức độ giải thích và ý nghĩa giữa các biến độc lập lên biến phụ thuộc (β – Standardized Coefficient và Sig. < 0,05), biến độc lập nào có trọng số β càng lớn có nghĩa là biến đó có tác động mạnh vào biến phụ thuộc (Nguyễn Đình Thọ, 2013).
Cuối cùng, nhằm đảm bảo độ tin cậy của phương trình hồi quy được xây dựng là phù hợp, các dò tìm sự vi phạm của giả định cần thiết trong hồi quy tuyến tính cũng được thực hiện.
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Chương này trình bày phương pháp nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu định tính (thảo luận nhóm theo một nội dung đã chuẩn bị trước, nội dung sẽ được ghi nhận và làm cơ sở để điều chỉnh thang đo và bổ sung các biến) và nghiên cứu định lượng (thu thập dữ liệu bằng cách phỏng vấn thông qua bảng câu hỏi, dữ liệu thu được sẽ được xử lý bằng phần mềm SPSS). Chương 3 cũng trình bày trình bày phương pháp phân tích số liệu, các chỉ số cần lưu ý.
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1. Giới thiệu về BHYT Châu Đức
4.1.1. Đặc điểm tình hình
Châu Đức là một huyện Nông nghiệp thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số lượng dân cư đông, đa dạng nhiều thành phần, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Huyện gồm có 15 xã và 01 thị trấn. Hiện nay với tổng dân số trên 162.781 người, trong đó có 104.994 người ở độ tuổi lao động (nữ 44.514 người), có khoảng trên 70% là lao động sản xuất nông nghiệp. Hiện tại huyện Châu Đức có 41 đại lý làm công tác thu BHYT hộ gia đình trong đó Đại lý thu xã, thị trấn: 18 đại lý; Hội Nông dân có 10 đại lý; Hội Liên hiệp Phụ nữ có 13 đại lý. Tổng số người tham gia BHYT tính đến hết tháng 6 năm 2020 có 125.572/162.781 người đạt 77,1% so với chỉ tiêu giao là 84%.
Với biên chế hiện có 15 cán bộ công chức, viên chức trong đó 01 Giám đốc, 01 phó Giám đốc, 01 bảo vệ, 01 tạp vụ. Thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan đã phân bổ công việc nghiệp vụ theo số biên chế còn lại phù hợp với tình hình tại cơ quan. Bên cạnh vẫn tồn tại một số thuận lợi, khó khăn cụ thể:
- Thuận lợi: Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của BHXH tỉnh, của UBND huyện, Huyện uỷ Huyện Châu Đức và sự hướng dẫn về chuyên môn của các phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh trong việc thực hiện chính sách, chế độ kịp thời.
- Khó khăn: Là huyện nông nghiệp thu nhập của các hộ gia đình trong những năm qua giảm nên việc phát triển đối tượng BHYT cũng khó khăn; Mặt khác địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên việc tuyên truyền các chính sách cũng chưa xuyên suốt, kịp thời. 4.1.2. Chức năng, nhiệm vụ
- Bảo hiểm xã hội huyện Châu Đức có chức năng giúp Giám đốc BHXH tỉnh tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; quản lý thu, chi BHXH, BHYT trên địa bàn huyện theo quy định.
- Chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Giám đốc BHXH tỉnh và chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND huyện. Có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.
- Xây dựng trình Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; chương trình công tác hàng năm; tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình sau khi được phê duyệt và giao dự toán.
- Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
- Tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp của BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh.
4.1.3. Đánh giá chung
4.1.3.1. Ưu điểm
- Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị, ban, ngành, tập trung, chủ động phối hợp thực hiện.
- Chủ động đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT việc tuyên truyền kịp thời các văn bản thông qua các đoàn thể chính trị- xã hội. Cơ quan BHXH huyện là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện làm cho các tổ chức, cá nhân và nhân dân thay đổi nhận thức thực hiện có hiệu quả chính sách BHYT.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể, trọng tâm tham mưu Huyện ủy, UBND huyện đưa chỉ tiêu phát triển BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
- UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành thực hiện bộ Luật Lao động, Luật BHYT đối với các doanh nghiệp chủ sử dụng lao động trên địa bàn.
- Tổ chức các buổi tập huấn, đối thoại chính sách BHYT nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, người sử dụng lao động qua đó đưa chính sách đến tận người dân cũng như người lao động.
4.1.3.2. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
- Huyện Châu Đức là một huyện nông nghiệp, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, mức sống người dân còn thấp, hộ gia đình có nhiều thế hệ (lập gia đình nhưng không tách hộ) do đó, những đối tượng này không có khả năng tham gia BHYT theo hộ gia đình.
- Một vài nơi, nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về BHYT còn hạn chế, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chưa thật sự coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện để đạt kết quả cao nhất.
- Công tác phối hợp giữa một số ngành có liên quan và địa phương còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BHYT dẫn tới tỷ lệ bao phủ BHYT trong một số đối tượng chưa cao.
- Tỷ tệ BHYT bao phủ năm 2020 giảm 3% so với năm 2019 nguyên nhân do một số xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 73/QĐ-UBDT ngày 29 tháng 02 năm 2016 và Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về vệc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, xã khu vực II, xã khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 thì thôn 2 xã Bình Trung, ấp Vinh Thanh thị trấn Ngãi Giao và xã Đá Bạc, Suối Rao không thuộc diện được hưởng BHYT (trừ
thôn Lồ Ồ xã Đá Bạc và Thôn 1, Thôn 3 xã Suối Rao) không còn được hỗ trợ nên đều giảm.
- Ở các xã, thị trấn việc triển khai Kế hoạch để thực hiện vẫn chưa được quyết liệt dẫn đến các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình còn thấp;
- Vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã, thị trấn trong công tác tuyên truyền vận động còn hạn chế; kỹ năng tuyên truyền còn yếu, đa số các đoàn thể chưa cập nhật đầy đủ các thông tin về BHYT để tuyên truyền, vận động;
- Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, do đó còn rất nhiều người dân thiếu các thông tin liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT;
- Mạng lưới Đại lý thu BHYT chưa thực sự chủ động, tích cực bám sát người dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn tham gia BHYT theo hộ gia đình. Người dân thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT.
- Chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuy có nâng lên, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhất là y tế tuyến xã; thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh đối với đối tượng BHYT còn gây bức xúc cho người bệnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư nhiều, nhưng vẫn chưa đảm bảo, đội ngũ y bác sỹ còn thiếu;
- Một số quan điểm của người dân cho rằng chỉ tham gia BHYT khi có đau, ốm và có bệnh nặng hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao. Nguyên nhân ở đây là do công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên, chưa cụ thể, hiệu quả chưa cao; mặt khác, người dân còn than phiền về dịch vụ y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
4.2. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu
Như đã trình bày trong chương 3, để đảm bảo được số mẫu quan sát tối thiểu là 115 để phân tích nhân tố khám phá EFA được thực hiện 280 bảng câu hỏi được gửi
đi khảo sát trong địa bàn huyện Châu Đức. Với tổng số bảng câu hỏi phát ra là 280 bảng khảo sát thu về và loại bỏ các bảng thông tin trả lời không đầy đủ và không khách quan còn 250 bảng.
Bảng 4.1: Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu
Chỉ tiêu Phân loại Tần số
(người)
Tần suất (%)
Giới tính Nam 118 47,2
Nữ 132 52,8
Độ tuổi Dưới 30 tuổi 92 36,8
Từ 30 đến 40 tuổi 71 28,4
Từ 41 đến 50 tuổi 51 20,4
Trên 50 tuổi 36 14,4
Thu nhập bình quân Dưới 10 triệu đồng 102 40,8
Từ 10 đến 20 triệu đồng 68 27,2
Từ 20 đến 30 triệu đồng 49 19,6
Trên 30 triệu đồng 31 12,4
Tổng 250 100
(Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát của tác giả)
Từ kết quả thống kê theo Bảng 4.1 tác giả rút ra một số nhận xét như sau: - Giới tính: Số người được khảo sát là 250 người, trong đó có 132 người là nữ, chiếm tỷ lệ 52,8% so với 118 người là nam, chiếm tỷ lệ 47,2%. Tỷ lệ phụ huynh là nữ cao hơn một chút so với phụ huynh nam giới nhưng không đáng kể cho thấy sự đồng đều về giới tính trong dữ liệu khảo sát.
- Độ tuổi: Kết quả điều tra cho thấy độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là dưới 30 tuổi với 92 người chiếm 36,8%, kế đến là hai nhóm độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi và 41 đến 50 tuổi với tỷ lệ cao thứ hai và ba lần lượt chiếm 28,4% và 20,4%, thấp nhất là độ tuổi 50 chỉ chiếm tỷ lệ 14,4%. Các mức độ tuổi này được phân bổ tương ứng theo tỷ lệ khảo sát các cấp trường trên địa bàn.
- Thu nhập bình quân tháng: Nhóm thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng chiếm đa số với 102 người chiếm tỷ lệ 40,8% phản ánh hợp lý thu nhập của huyện thuần nông như Châu Đức, nhóm thu nhập khá từ 10 đến 20 triệu đồng với 68 người chiếm tỷ lệ cao thứ hai 27,2%, tiếp theo là nhóm thu nhập cao từ 20 đến 30 triệu với 49 người chiếm tỷ lệ 19,6%, cuối cùng là nhóm thu nhập rất cao với 31 người chiếm tỷ lệ 12,4%. Các mức độ thu nhập này được phân bổ tương ứng theo tỷ lệ khảo sát các cấp trường trên địa bàn cũng như độ tuổi.
4.3. Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha
Việc kiểm định độ tin cậy của thang đo là điều cần thiết trong việc phân tích, và