* Các nghiên cứu về quản lý văn hóa nghệ thuật
Tại Việt Nam, có nhiều cuốn sách thống kê, tổng hợp về lịch sử ra đời, nội dung cơ bản các học thuyết quản lý như: Quản lý nguồn nhân lực trong khu vực Nhà nước, Christian Batal (2002); Quản lí nguồn nhân lực ở Việt Nam: một số vấn đề lí luận và thực
tiễn, Phạm Thành Nghị (2004); Quản trị nguồn nhân lực, Trần Kim Dung (2006); Giáo trình hành vi tổ chức, Nguyễn Văn Giang, Phạm Tất Thắng (2012); Quản trị nguồn nhân lực, Nguyễn Quốc Tuấn (Chủ biên) (2006); Giáo trình Quản trị nhân lực, Nguyễn Ngọc
Quân (2007) ; Lưu Đan Thọ (2014), Quản trị học trong xu thế hội nhập (Những vấn đề
cốt yếu của quản lý) … Hầu hết, các cuốn sách đều đề cập đến nội dung tư tưởng và lý
thuyết về quản lý lao động của các trường phái qua các thời kỳ lịch sử.
* Các nghiên cứu về quản trị nguồn nhân lực trong các tổ chức văn hóa nghệ thuật
Trong những năm qua, vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật đã có nhiều công trình nghiên cứu của nhiều tác giả đề cập. Các công trình nghiên cứu đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật; đồng thời đưa ra những kiến nghị khoa học về các định hướng và giải pháp đối với vấn đề này.
Trong cuốn sách Hợp tác quốc tế về văn hóa trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, của tác giả Lê Thị Hoài Phương (2009), cũng đánh giá những mặt ưu điểm và hạn chế của mô
hình quản lý hành chính trong lĩnh vực quản lý văn hóa, đồng thời cũng đề cập đến những bất cập cơ chế quản lý, công tác đào tạo, về quản lý con người như: đãi ngộ, chế độ dành cho đào tạo và bồi dưỡng nhân lực ở nước ngoài của trong các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Hay trong cuốn Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (2010), tác giả, chủ biên Nguyễn Chí Bền nêu lên thực trạng của sân khấu Việt Nam, đánh giá những thành tựu và những khó khăn của các tổ chức NTBD hiện nay, đồng thời nội dung cũng đề cập về phát triển NNL con người Việt Nam nói chung và đề xuất những chính sách phát triển nghệ thuật, trong đó đề cập đến chính sách về tuyển dụng và đào tạo NNL trong các tổ chức NTBD ở nước ta hiện nay.
Thực tiễn quản lý cho thấy, không có phương pháp quản lý nào tối ưu cho tất cả các tổ chức nghệ thuật, nên việc áp dụng các phương pháp quản lý phải tùy vào từng loại hình và đặc thù của tổ chức NTBD. Những cuốn sách và các bài nghiên cứu về nghệ thuật: “Sân khấu ta, bao giờ cho đến ngày xưa”, Phạm Duy Khuê; Sân khấu và tôi của tác giả Nguyễn Thị Minh Thái (2005); Về sân khấu Việt Nam - Tuyển tập Đình Quang, Đình Quang (2005); Giáo trình Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí, Nguyễn Thị Minh Thái (2005); Mấy vấn đề công chúng của nghệ thuật sân khấu, Phan Thọ (2009) ... là những công trình nghiên cứu đã phân tích những đặc thù của nghệ thuật sân khấu và chỉ ra những đặc điểm riêng của NNL trong các tổ chức nghệ thuật.
Hay các bài nghiên cứu được đăng trên các báo về vấn đề QTNNL, xu hướng xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật cũng đã nêu ra được những vấn đề bất cập. Bài viết “Vì sao chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật chưa thực sự đi vào cuộc sống” của PGS. TS Đào Duy Quát – Nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đăng trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 18/12/2018, đã chỉ ra “Những hạn chế bất cập trên, thể hiện tập trung trong việc thực hiện các hình thức xã hội hóa các đoàn nghệ thuật, sân khấu, ca múa nhạc, các hãng phim trung ương và các tỉnh thành. Cơ sở ngoài công lập như các hãng phim tư nhân, các đoàn kịch xã hội hóa, các ban nhạc,… cơ sở vật chất còn rất khó khăn, hạn chế, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao, còn có những biểu hiện tiêu cực….” . Hay bài “Nhọc nhằn nghề Xiếc” của tác giả Thu Huyền đăng trên báo Nhân dân điện tử ngày 03/03/2019 cũng đã nói lên đặc thù của nghề Xiếc “tuổi nghề của diễn viên xiếc rất ngắn, hơn 30 tuổi thì biểu diễn tiết mục mạo hiểm là điều rất khó khăn. Ðặc thù của sân khấu xiếc là lúc nào cũng "khát" diễn viên trẻ, trong khi nhân sự Liên đoàn Xiếc
Việt Nam hơn 30 tuổi đang quá nhiều mà không phải ai cũng có điều kiện đi học thêm ngành nghề khác để chuyển việc. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành để giải quyết việc làm cho diễn viên khi đã hết tuổi diễn mà chưa đủ tuổi về hưu..”.
Các bài viết, bài nghiên cứu đã đề cập tới những khó khăn của các tổ chức NTBD khi thực hiện lộ trình tự chủ, trong đó: việc sử dụng NNL của các tổ chức nghệ thuật chưa hiệu quả, đội ngũ diễn viên kế cận còn hạn chế về kỹ thuật biểu diễn, về chính sách lương (ngạch, bậc) cho nghệ sĩ hiện nay còn nhiều bất cập... Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp cho luyện tập và biểu diễn còn thấp nên khó có thể kích thích được người nghệ sĩ toàn tâm toàn ý cho công việc sáng tạo nghệ thuật của mình.
Những nhận xét nêu trên của các nhà nghiên cứu cũng là vấn đề đặt ra cho luận văn cần phải giải quyết, từ chế độ đãi ngộ thấp, đặc thù ngành nghề, tuổi nghề biểu diễn… công tác đào tạo nguồn nhân lực đã dẫn tới tình trạng người nghệ sĩ không chuyên tâm với nghề, không có động lực sáng tạo, kéo theo chất lượng vở diễn đi xuống.
Hay trong bài viết “Cần nâng cao công tác quản lý nhà nước để nghệ thuật Múa rối ngày càng phát triển” của tác giả NSND. Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội sân khấu Việt Nam đăng trên Báo Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ngày 26/03/2014 đã đưa ra kiến nghị
“Đánh giá lại những hoạt động trong “Quy hoạch phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn đến 2010” để từ đó có cơ sở xây dựng Quy hoạch và phát triển Nghệ thuật biểu diễn đến 2020 định hướng 2030. Trong quy hoạch cần đầu tư cho nghệ thuật Múa Rối phát triển, quan tâm tới đội ngũ, số lượng đoàn để có đủ cơ số hoạt động sáng tác, biểu diễn.
Các công trình nghiên cứu về quản lý tổ chức nghệ thuật của các nhà nghiên cứu ở Phương Tây cũng là nguồn tài liệu tham khảo trong đề tài, những cuốn sách như: How to
run a theatre (Làm thế nào để vận hành một nhà hát), Jim Volz (2004); đề cập đến vai trò
của công tác QTNNL, trong đó khẳng định NNL luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại phát triển của tổ chức, các nghiên cứu cũng nêu những khó khăn trong công tác QTNNL sáng tạo của các nhà hát, đồng thời luôn khẳng định các nhà hát luôn phải tự thích ứng với môi trường luôn biến động và các nhà quản lý luôn phải tìm hiểu các cách thức quản lý phù hợp trong tổ chức của mình như chính sách động viên, tạo ra môi trường và động cơ phù hợp cho từng tổ chức nghệ thuật.
Những nghiên cứu trên mới dừng lại ở các nghiên cứu chung về nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô, hoặc chỉ đề cập đến một số khía cạnh của việc phát triển nguồn nhân lực,
trong đó công tác đào tạo nguồn nhân lực được phân tích mổ xẻ kỹ lưỡng nhất. Chưa có một công trình nghiên cứu nào (kể cả trong các giáo trình của các cơ sở đào tạo chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và Dự án phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật biểu diễn của Cục Nghệ thuật biểu diễn) đề cập một cách có hệ thống về cơ sở lý luận của công tác phát triển nguồn nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn.
Một khía cạnh khác ít được các công trình quan tâm nghiên cứu là nội dung quản lý nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn Xiếc và Múa Rối. Đây là một nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của sự phát triển nguồn nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn Xiếc và Múa Rối .
Hệ thống các giải pháp của các nghiên cứu trên cũng dừng lại ở tầm vĩ mô, phần lớn được đề xuất cho phát triển nguồn nhân lực nói chung, nếu áp dụng cho ngành nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật Xiếc và Múa Rối thì sẽ rất khó phát huy hiệu quả.
Xuất phát từ đặc điểm của ngành nghệ thuật biểu diễn Xiếc và Múa Rối là có tính đặc thù cao, cho đến nay chưa có công trình đề tài nào đặt vấn đề nghiên cứu một cách hệ thống về lý luận, thực tiễn, thực trạng và giải pháp hoàn thiện nguồn nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn Xiếc và Múa Rối.
Vì vậy đề tài "Giải pháp hoàn thiện quản trị nguồn nhân lực tại Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam" rất cần thiết và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cho ngành nghệ thuật biểu diễn Xiếc và Múa Rối trên cả nước nói chung và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam nói riêng. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện chủ trương hướng tới xã hội hóa thì đề tài có ý nghĩa rất quan trọng cho Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, giúp Nhà hát có thể hoàn thiện quản trị nguồn nhân lực đáp ứng cải cách, xã hội hóa hiện nay. Với việc đưa ra các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực đặc thù của nghệ thuật Xiếc và Múa Rối; giải pháp sử dụng lực lượng diễn viên chưa hết tuổi làm việc nhưng không thể biểu diễn; giải pháp tuyển dụng diễn viên tài năng.