6. Kết cấu của đề tài
1.4. Tổng quan về hiệu ứng momentum
1.4.3. Nghiên cứu hiệu ứng momentum trên TTCK Việt Nam
Truong và cộng sự (2007) tìm thấy sự xuất hiện của hiệu ứng momentum, đặc biệt hiệu ứng rất mạnh với những cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn. Tuy nhiên, nghiên cứu dựa trên bộ số liệu hạn chế do thị trường đang trong những năm đầu hoạt động. Alphonse and Nguyen (2013) chỉ ra chiến lược momentum có lợi nhuận lớn nhất nếu dựa vào tỷ suất sinh lời của các cổ phiếu trước đó một tuần và giữ một tuần, thị trường không có hiệu ứng đảo ngược. Trong khi đó, Võ Xuân Vinh và Võ Văn Phong (2019) dựa vào tỷ suất sinh lời của cổ phiếu trong 6 tháng gần nhất, chứng tỏ chiến lược momentum sẽ thu được tỷ suất sinh lời dương sau một tháng nắm giữ. Nghiên cứu của Phan Trần Quang Dũng và Ngô Hồ Quang Hiếu (2019) cho thấy chiến lược momentum thành công nếu dựa vào tỷ suất sinh lời của cổ phiếu trong 3 tháng gần nhất và giữ trong 3 hoặc 6 tháng tiếp theo. Gần đây, dựa vào giá cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 1 đến 13 tuần, Nguyễn Thị Yến và Lê Đức Khánh (2020) đưa ra bằng chứng về chiến lược mua cổ phiếu thắng và bán cổ phiếu thua được giữ từ 1 đến 13 tuần có thể đạt lợi nhuận bất thường.
Từ những nghiên cứu về chủ đề momentum trên thị trường Việt Nam, rất khó thống nhất về ảnh hưởng của quy mô tới chiến lược momentum. Cụ thể, nghiên cứu của Alphonse and Nguyen (2013) khảo sát số liệu theo tuần từ tháng 01 năm 2007 đến tháng 6 năm 2012 cho thấy momentum chỉ xảy ra trong nhóm cổ phiếu nhỏ và lớn trước khủng hoảng năm 2008, và trong nhóm cổ phiếu lớn trên toàn bộ mẫu. Ngược lại, Võ Xuân Vinh và Võ Văn Phong (2019) nghiên cứu số liệu theo tháng từ tháng 10 năm 2012 đến tháng 12 năm 2017 phát hiện momentum chỉ xuất hiện ở nhóm quy mô trung bình, hầu như không tồn tại ở hai nhóm quy mô còn lại. Nguyễn Thị Yến và Lê Đức Khánh (2020) khẳng định lợi nhuận momentum tăng theo quy mô cổ phiếu.