Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 30 - 32)

Đây là những nội dung không thể thiếu trong việc xây dựng pháp luật về quản lý chất thải nói chung cũng như pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi nói riêng. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát được phân định theo nguyên tắc từ cấp cao đến cấp thấp và được thực hiện thông qua hoạt động kê khai của tổ chức, cơ sở chăn nuôi cũng như kiểm tra trực tiếp tại cơ sở chăn nuôi của cơ quan có thẩm quyền theo tần suất quy định. Đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý chất thải thì phải chịu trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự tùy theo mức độ của hành vi vi phạm.

1.2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về quản lý chất thải từcác nông trại chănnuôi các nông trại chănnuôi

Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhưng cơ bản và trước hết bởi những yếu tố sau:

Đường lối chính sách của Đảng định ra mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong một giai đoạn nhất định. Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật và tổ chức thực hiện thông qua bộ máy nhà nước, bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội. Vì thế, đường lối chính sách của Đảng là một trong những yếu tố có sức ảnh hưởng lớn nhất đến nội dung của pháp luật.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã khẳng định quan điểm phát triển bền vững trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi

khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã đặt ra mục tiêu cụ thể về BVMT đến năm 2020 là không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý, tiêu hủy, xử lý trên 85% chất thải nguy hại.

Là một bộ phận của pháp luật môi trường, cụ thể hóa quan điểm phát triển bền vững, pháp luật quản lý chất thải nói chung và pháp luật quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi nói riêng xây dựng các quy phạm điều chỉnh theo hướng xác định kiểm soát chất thải là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, quản lý chất thải luôn được thực hiện trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa BVMT với phát triển kinh tế, xã hội và đề cao sự phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Các yếu tố kinh tế - xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục chi phối không nhỏ đến sự điều chỉnh của pháp luật quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi. Để thực hiện một cách hiệu quả hoạt động quản lý xã hội, một điều tất yếu là Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật phù hợp với nhu cầu quản lý kinh tế xã hội của đất nước. Hiện nay, ngành chăn nuôi ở nước ta đang phát triển với tốc độ cao cùng với sự gia tăng số lượng và xu hướng chuyển dịch từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung và thâm canh với quy mô lớn. Với rất nhiều tác động bất lợi của chất thải chăn nuôi đến môi trường cũng như sức khỏe con người, động vật; vấn đề quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi trở thành yêu cầu bức thiết cần phải giải quyết. Song, đây lại là vấn đề không đơn giản, nó đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ các biện pháp quản lý bằng kinh tế, kỹ thuật và pháp luật. Vì thế, việc hình thành hay không pháp luật quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi cũng như sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật này chịu sự chi phối không nhỏ từ thực trạng chất thải và yêu cầu BVMT khỏi những tác động bất lợi của chúng.

Việc gia nhập các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường là hoạt động chi phối không nhỏ đến pháp luật môi trường của Việt Nam nói chung và pháp luật quản lý chất thải nói riêng. Khi đã tham gia ký kết các Điều ước quốc tế, Việt Nam có nghĩa vụ nỗ lực, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế của mình thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các quy phạm pháp luật mới sao cho phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Trong lĩnh vực quản lý chất thải, có thể kể đến một số Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như: Công ước Viên về bảo vệ tầng ozon; Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng; Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế, … Tham gia các công ước này, Việt Nam có nghĩa vụ cơ bản là BVMT và sức khỏe con người trước những tác động có hại của các loại chất thải. Như vậy, hệ thống pháp luật quản lý chất thải của Việt Nam hiện hành đang chịu sự chi phối không nhỏ bởi việc thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 30 - 32)