Trách nhiệm dân sự được hiểu là các biện pháp có tính cưỡng chế áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại cho chủ thể khác, chủ thể gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm khắc phục những hậu quả xấu xảy ra bằng tài sản của mình. Quản lý chất thải là một bộ phận của pháp luật môi trường, vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường, bao gồm cả hành vi thu gom, xử lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi được áp dụng theo các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi” (Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015). Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường: “Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí”.
Điều đặc biệt trong quá trình áp dụng trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực BVMT là khi chủ thể đã gây thiệt hại thì trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực này có thể được áp dụng cho chủ thể ngay cả khi chủ thể gây ô nhiễm, suy thoái hoặc sự cố môi trường không có lỗi. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường nói chung và các thiệt hại gây ra do các chủ thể quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi nói riêng được giải quyết theo các hình thức sau: Tự thỏa thuận của các bên, yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án.
trường được pháp luật quy định như sau: (1) ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời; (2) hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; (3) người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về BVMT có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; (4) tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra; (5) trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Qua phân tích có thể thấy vấn đề trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực môi trường nói chung và quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể:
Thứ nhất, việc xác định mức độ thiệt hại để bồi thường mới chỉ dừng lại ở những thiệt hại cụ thể, trước mắt có thể đo đếm được, mà chưa có các quy định để xác định các thiệt hại lâu dài hoặc có khả năng xảy ra trong tương lai. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật BVMT nói chung và quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi nói riêng không xảy ra ngay sau khi có hành vi gây ô nhiễm mà phải trải qua thời gian dài mới nảy sinh, xuất hiện. Do vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể về việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại với những thiệt hại có khả năng xảy ra trong tương lai.
Thứ hai, về vấn đề nhận tiền bồi thường của người dân từ các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể. Trong trường hợp có nhiều người cùng bị thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường của các nông trại chăn nuôi thì chủ thể nào sẽ là người đại
diện cho người dân đứng ra nhận bồi thường hay các chủ thể vi phạm sẽ tự trả tiền bồi thường trực tiếp cho từng người dân bị thiệt hại.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường cũng mới chỉ quy định về việc UBND các cấp hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường được sử dụng khoản bồi thường sau khi trừ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại để đầu tư khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải tạo môi trường nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái chứ chưa đề cập cụ thể đến vấn đề chi trả tiền bồi thường cho người dân bị thiệt hại vì ô nhiễm, suy thoái môi trường như thế nào.