Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác (trong trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật) đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi.
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính
năm 2012, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Tùy tính chất và mức độ vi phạm, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính như cảnh cáo, phạt tiền (với mức phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đối với cá nhân và 2.000.000.000 đối với tổ chức) và có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung kèm theo hình thức xử phạt chính như bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến bảo vệ môi trường; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 24 tháng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định; buộc tháo dỡ công trình, trại chăn nuôi xây dựng trái phép trong khu bảo tồn; buộc di dời ra khỏi khu vực cấm; thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn về BVMT đối với khu dân cư; buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn và quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; buộc phải lập hồ sơ báo cáo kết quả hoàn thành công trình BVMT trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT; buộc lập, thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường; buộc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định; buộc xây lắp công trình BVMT theo quy định; buộc vận hành đúng quy trình đối với công trình BVMT theo quy định; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải
vượt quy chuẩn kỹ thuật hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành; buộc bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm gây ra theo quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng và sự tham gia của người dân, nhiều vụ việc vi phạm gây ô nhiễm môi trường đã bị phát giác và xử lý kịp thời. Một số vụ việc tiêu biểu như:
Hàng trăm người dân ở các thôn Hạ, Bản Bầu, Đồng Chòi ... xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã tập trung khiếu kiện Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương. Trước tình hình đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã quyết định kiểm tra đột xuất việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang. “Nước thải chăn nuôi của Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang lấy sau hệ thống xử lý nước thải của module 5 và module 6 trước khi thải ra môi trường có thông số BOD vượt 1,78 lần, thông số COD vượt 1,16 lần, thông số tổng Nitơ vượt 1,66 lần, thông số tổng Coliform vượt 9,2 lần so với giá trị C cột B QCVN 62-MT:2016/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi. Lưu lượng nước thải của công ty 400m3/ngày”. Trên cơ sở vi phạm bị phát hiện, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 660/QĐXPHC xử phạt hành chính 540 triệu đồng đối với Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang. Cùng với đó, Công ty bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày ban hành quyết định để khắc phục vi phạm. UBND tỉnh Bắc Giang cũng buộc Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm nêu trên, thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường [73].
Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 3017/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đức Tiến Lê có trụ sở tại thôn 9, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo hậu bị với tổng số tiền là 529 triệu đồng vì đã có hành vi xả nước thải có thông số môi trường thông thường vào môi trường, nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp với thông số TSS vượt 4,01 lần, COD vượt 13,31 lần, BOD5 vượt 23,6 lần, Coliform vượt 86 lần vào môi trường (hồ chứa không lót đáy, để tự thấm) với lượng nước thải từ 20m3 đến dưới 40m3/ngày. Đồng thời, Công ty TNHH Đức Tiến Lê phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và chịu trách nhiệm chi trả các khoản kinh phí, chi phí liên quan [74].
Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về chăn nuôi, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về chăn nuôi, đặc biệt là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định mới của Luật Chăn nuôi năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Theo quy định của Luật Chăn nuôi, quản lý môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi là quy định mới, lần đầu được quy định nhằm tách biệt hoạt động quản lý môi trường, chất thải trong phạm vi không gian của khu vực chăn nuôi so với các hoạt động quản lý môi trường nói chung nhằm tạo điều kiện cho việc xử lý, sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hoặc tưới cho cây trồng, thức ăn cho thủy sản. Do đó, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi đã bổ sung quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi, mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Trong thời gian tới, dự
thảo Nghị định được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ góp phần không nhỏ trong việc quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi.