Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 68 - 70)

Luật bảo vệ môi trường năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 cùng với Luật Chăn nuôi năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành là những căn cứ pháp lý quan trọng góp phần thống nhất quản lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về BVMT; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý môi trường trong hoạt động quản lý chất thải lĩnh vực chăn nuôi.

Nhìn một cách tổng thể, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay ngày càng hoàn thiện, phát triển cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về lãnh đạo công tác BVMT nói chung và quản lý chất thải chăn nuôi nói riêng, hệ thống pháp luật quản lý chất thải chăn nuôi đã được chú trọng, điều chỉnh đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với từng thời điểm phát triển của đất nước; bước đầu đã tạo được hành lang pháp lý cho các hoạt động quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở nước ta.

Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã chú trọng tăng cường BVMT trong lĩnh vực chăn nuôi, trong đó về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi, chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020

quy định theo hướng khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, đồng thời quy định các cơ sở chăn nuôi theo phương thức trang trại, công nghiệp phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ và giảm ô nhiễm môi trường. Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định các hành động nhằm kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm trong lĩnh vực chăn nuôi như: phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi; xây dựng và triển khai đề án tổng thể bảo vệ môi trường khu vực nông thôn đến năm 2020, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm pháp lý của các chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là quy định pháp nhân thương mại cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm về môi trường đã có tính phòng ngừa, răn đe đối với những đối tượng đã, đang có ý định cố tình vi phạm pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở Việt Nam.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường là một trong những công cụ quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, đó là những quy định, chuẩn mực, giới hạn mà các nhà quản lý có thể dùng làm căn cứ đánh giá tình trạng môi trường của từng khu vực. Ngày 29/4/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT về việc Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: QCVN 62-MT:2016/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi. Đây là một trong những tiêu chuẩn làm thước đo trong việc đánh giá công tác xử lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi đã đạt đúng tiêu

chuẩn hay chưa.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 68 - 70)