Hạn chế, vướng mắc của pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở Việt

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 70 - 75)

nông trại chăn nuôi ở Việt Nam

Thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi nhưng chăn nuôi quy mô trang trại và thâm canh ở nước ta hiện nay vẫn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân do pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi vẫn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc như:

- Tốc độ phát triển của hệ thống cơ sở chăn nuôi quá nhanh trong khi khả năng xử lý chất thải chăn nuôi ở Việt Nam còn nhiều yếu kém. Kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh kéo theo sự phát triển, mở rộng, xây mới của các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, trong khi đó khả năng xử lý chất thải chăn nuôi của Việt Nam còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển này. Vì vậy, pháp luật cần hoàn thiện để kiểm soát được tốc độ gia tăng chất thải chăn nuôi, hạn chế, xóa bỏ những phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi thủ công, lạc hậu, tránh những ảnh hưởng xấu của chất thải chăn nuôi đến môi trường và sức khỏe con người.

- Các quy định về thu gom, vận chuyển chất thải từ các nông trại chăn nuôi còn chưa được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể.

- Luật Chăn nuôi năm 2018 được ban hành và có hiệu lực đã góp phần quan trọng trong công tác hoàn thiện khung pháp lý và các công cụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, việc quản lý, xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi vẫn chưa được quan tâm, chưa có hướng dẫn về các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các công nghệ khuyến cáo áp dụng để đáp ứng yêu cầu của Luật.

Ngoài ra, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định “tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc

hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản”, “nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng”. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa ban hành các QCVN về sử dụng chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi cho cây trồng, QCVN về sử dụng chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi làm thức ăn cho thủy sản, QCVN về nước thải chăn nuôi dùng trong trồng trọt. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở nước ta hiện nay.

- Quy chuẩn về bảo vệ môi trường đối với nước thải chăn nuôi vẫn còn một số bất cập như: Các tiêu chuẩn về nước thải chăn nuôi theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi quá cao dẫn đến việc xử lý nước thải chăn nuôi nhằm đạt Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT đòi hỏi chi phí xử lý môi trường rất lớn cho các chủ trang trại, doanh nghiệp và khó khăn trong việc tận dụng nước thải chăn nuôi đã qua xử lý làm phân bón hữu cơ, giúp tăng thu nhập cho người dân thông qua giảm sử dụng phân bón vô cơ.

- Việc thực hiện ĐTM của các cơ sở chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Hiện nay, báo cáo ĐTM chủ yếu do chủ đầu tư thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Chất lượng của các báo cáo ĐTM tuy đã được cải thiện nhưng nhiều báo cáo ĐTM được thẩm định, phê duyệt còn mang tính nặng về hình thức. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư sau khi được phê duyệt dự án ĐTM thì lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung trong báo cáo.

Quá trình thông tin và tham vấn cộng đồng trong thực hiện báo cáo ĐTM hiện nay vẫn nặng về hình thức và thủ tục. Là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các vấn đề môi trường liên quan đến dự án, tuy nhiên ý kiến của cộng đồng dân cư tại nơi thực hiện dự án còn bị xem nhẹ. Chủ đầu tư

thực hiện quy trình tham vấn lấy ý kiến cộng đồng một cách hình thức, chủ yếu lấy ý kiến của chủ đại diện cộng đồng dân cư khiến việc tham vấn trở nên không khách quan. Ngoài ra, ý thức quan tâm đến các tác động của dự án đến môi trường của dân cư cũng còn nhiều hạn chế.

- Một số quy định về trách nhiệm dân sự trong quản lý chất thải chăn nuôi còn chưa rõ ràng, gây khó khăn khi thi hành.

- Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BVMT còn chưa đủ mạnh, dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm hại môi trường. Nhiều cơ sở chăn nuôi nông trại chấp nhận xử phạt thay vì phải đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải theo đúng yêu cầu. Mặt khác, quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế, nằm rải rác trong các văn bản luật khác nhau.

- Một số cơ sở chăn nuôi nông trại đặt lợi ích kinh tế cao hơn là mục tiêu BVMT, vì vậy, họ không đầu tư cho công tác BVMT, xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc đầu tư xây dựng một cách đối phó, xử lý chất thải không triệt để hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu, dẫn đến làm phát tán mầm bệnh hoặc làm phát sinh ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải từ hệ thống xử lý thải ra.

Hơn thế nữa, một số cơ sở chăn nuôi nông trại tuy có hệ thống xử lý chất thải nhưng do việc vận hành làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng tới lợi nhuận đạt được nên đã cố tình vi phạm, dùng các thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải ra môi trường như xây dựng hệ thống xả thải bí mật, phức tạp, khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc điều tra.

- Các chính sách hỗ trợ mới tập trung nhiều cho cải thiện năng lực sản xuất, cạnh tranh sản phẩm và tập trung vào một số mô hình xử lý chất thải, chưa triển khai nhân rộng các mô hình xử lý chất thải tiên tiến và hiện đại, thiếu các chính sách then chốt, toàn diện nhằm giải quyết triệt để vấn đề môi

trường trong chăn nuôi.

Chính sách của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn và thâm canh hơn trong sản xuất chăn nuôi. Điều này thúc đẩy việc tạo ra ngày càng nhiều chất thải chăn nuôi và gây ô nhiễm. Trên thực tế, các chính sách ưu đãi của Chính phủ để các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi trang trại, thâm canh xây dựng các cơ sở xử lý chất thải chưa hoạt động hiệu quả do khoản ưu đãi tương đối nhỏ so với chi phí thực sự của các cơ sở xử lý chất thải.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Như vậy, qua phân tích có thể thấy, hệ thống pháp luật nước ta về quản lý chất thải chăn nuôi trong thời gian gần đây đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội.

Chất thải từ các nông trại chăn nuôi về mặt pháp lý đã được quản lý từ khi phát sinh đến khi xử lý, có sự giám sát quản lý của các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn có trách nhiệm phải lập và thực hiện đúng theo báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo hoạt động không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh bởi đây là các dự án phát sinh nhiều chất thải, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Chất thải chăn nuôi khi thải ra môi trường phải đạt được những thông số kỹ thuật nhất định như các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam đã ban hành. Các nông trại chăn nuôi khi có các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải chịu các trách nhiệm pháp lý từ trách nhiệm hành chính đến dân sự và kể cả hình sự, tùy vào mức độ vi phạm.

Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi nhìn chung đã có những quy định khá cụ thể và toàn diện nhưng vẫn không thể tránh khỏi những bất cập, gây ra những khó khăn, lỗ hổng trong thực tiễn thi hành. Chính vì vậy, để quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi được toàn diện, hiệu quả, triệt để thì cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tránh tình trạng các chủ thể lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để hành động tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở Việt Nam.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI TỪ CÁC NÔNG TRẠI

CHĂN NUÔI Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w