Một số giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 82 - 91)

Tăng trưởng kinh tế có thể gây ô nhiễm môi trường đó là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào. Vì vậy, bài toán đặt ra là phải làm gì và làm thế nào để có chính sách đặc biệt vừa phát triển kinh tế vừa BVMT và phát triển bền vững. Công nghiệp hóa, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về BVMT. Để có thể đạt được tất cả các mục tiêu BVMT và phát triển bền vững, Chính phủ cần tạo khung chính sách, cơ chế đưa vào văn bản pháp luật môi trường hợp lý và đủ mạnh.

Qua phân tích, đánh giá các quy phạm pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi, pháp luật môi trường Việt Nam hiện hành đã quy định tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh những vấn đề liên quan đến việc quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi, tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về BVMT trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, nhiều văn bản, nhiều quy định cụ thể về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi được ban hành đã xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Các văn bản này đã trở thành một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi trên phạm vi cả nước.

Dù đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận nhưng có thể thấy, thể chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý chất thải từ

các nông trại chăn nuôi ở nước ta vẫn còn chưa đầy đủ, đồng bộ hoặc còn chồng chéo; chưa có một quy định thống nhất, toàn diện cho công tác quy hoạch quản lý chất thải chăn nuôi quốc gia. Một số chính sách đã được ban hành nhưng cơ chế triển khai, các văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu dẫn đến việc triển khai không hiệu quả hoặc không thể đi vào thực tế. Vấn đề triển khai thực hiện chưa thực sự phát huy hiệu quả, thể hiện ở việc chưa đạt các chỉ tiêu môi trường đã đặt ra. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về một số vấn đề có tính then chốt đối với công tác quản lý chất thải chăn nuôi (bao gồm các vấn đề như nhân lực, bộ máy tổ chức, trình độ, các hướng dẫn kỹ thuật,…) vẫn còn thiếu, dẫn đến các hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi khó triển khai trong thực tế.

Thứ nhất, cần xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải chăn nuôi, cụ thể:

- Cần xem xét sửa đổi QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế (cụ thể hóa theo nguồn nhận đầu ra sau xử lý một cách cụ thể).

Các thông số quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi QCVN 62-MT:2016/BTNMT hiện nay quá cao so với công nghệ xử lý môi trường hiện tại cùng với việc xử lý nước thải chăn nuôi nhằm đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT đòi hỏi chi phí xử lý môi trường rất lớn dẫn đến hầu hết các nông trại chăn nuôi đều không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quy chuẩn. Đề đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăn nuôi ở nước ta cũng như phục vụ phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và hội nhập quốc tế thì việc điều chỉnh các thông số trong Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT là rất cần thiết. Việc sửa đổi Quy chuẩn vừa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành vừa góp phần tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nước thải ngành chăn nuôi.

Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc hội nhập sâu rộng, tham gia vào nhiều tổ chức thương mại quốc tế và nhiều hiệp định quốc gia nên các quy chuẩn được đặt ra cần phải đáp ứng yêu cầu hội nhập, tuy nhiên cũng phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hài hòa giữa lợi ích của nhà sản xuất và lợi ích quốc gia, BVMT và sức khỏe của cộng đồng [70].

- Cần ban hành QCVN về nước thải chăn nuôi dùng cho trồng trọt nhằm tạo hành lang pháp lý và động lực kinh tế cho người dân đầu tư xử lý môi trường và phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Các chỉ tiêu trong QCVN 62:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi đã tiệm cận với các tiêu chuẩn quản lý chất thải chăn nuôi của các nước phát triển nhằm bảo vệ môi trường chung của cộng đồng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này được cho là khá cao so với điều kiện kỹ thuật và tài chính của các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam. Theo công bố của Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH, chi phí xử lý nước thải chăn nuôi để đạt tiêu chuẩn QCVN 62:2016/BTNMT là khoảng 11.000 đồng/m3 chưa kể các chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu. Đây là một khoản chi phí khá lớn cho người sản xuất nếu chỉ để xử lý môi trường chăn nuôi mà không đem lại lợi ích kinh tế. Mặt khác, nếu xử lý nước thải chăn nuôi để sử dụng cho tưới tiêu thì chưa có các quy chuẩn kỹ thuật. Điều này dẫn đến các chủ trang trại thường hay bị xử phạt do nhiều đoàn kiểm tra môi trường áp dụng QCVN 62:2016/BTNMT cho cả nước thải chăn nuôi sử dụng cho mục đích tưới tiêu. Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi dùng cho trồng trọt là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho các chủ trang trại xử lý nước thải chăn nuôi để tưới cho cây trồng, phù hợp với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 “nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây

trồng” và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP “nước thải chăn nuôi được tái sử dụng để tưới cây hoặc dùng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

- Cần bổ sung các quy định về tiêu chuẩn mang tính định lượng về ô nhiễm chất thải khí cho các trang trại chăn nuôi nhằm giảm tình trạng phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm mùi cho các khu dân cư quanh trang trại.

Khoản 4 Điều 59 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định “Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi dẫn đến việc áp dụng quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 gặp khó khăn trên thực tế. Điều này đòi hỏi cần phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

- Cần xem xét ban hành các QCVN về chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, QCVN về chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi dùng làm thức ăn cho thủy sản nhằm tạo cơ sở pháp lý cho thương mại hóa việc sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi đồng thời phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 59 Luật Chăn nuôi năm 2018 “Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản”.

Thứ hai, cần bổ sung các quy định cụ thể về thu gom, vận chuyển chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi, nước thải chăn nuôi nhằm tạo điều kiện cho các nông trại chăn nuôi thực hiện việc mua bán chất thải chăn nuôi. Đồng thời, cần có quy định hạn chế các trang trại chăn nuôi xả nước thải

chăn nuôi xuống nguồn nước. Thay vào đó, các trang trại chăn nuôi cần có diện tích trồng trọt liên kết đủ lớn để có thể sử dụng hết nước thải chăn nuôi hoặc nước thải sau biogas để tưới cho cây trồng.

Thứ ba, cần thống nhất và phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi.

Về nguyên tắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện thống nhất về BVMT, trong đó có quản lý chất thải. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về BVMT trong hoạt động xử lý chất thải trong nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi trong đó có lĩnh vực quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi lại thuộc tránh nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chất thải chăn nuôi, sửa đổi các quy định về chức năng nhiệm vụ, phân công trách nhiệm của các cơ quan tham gia công tác quản lý chất thải chăn nuôi từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, bảo đảm tính hợp lý, thống nhất đầu mối quản lý chất thải chăn nuôi cấp quốc gia và cấp địa phương, tránh phân tán, chồng chéo và bỏ sót.

Thứ tư, cần tăng cường hiệu quả trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Từ ngày 01 tháng 02 năm 2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó nhiều hành vi có mức phạt tăng nặng. Việc mở rộng diện phạt và tăng mức hình phạt được đa số dư luận quan tâm và ủng hộ, góp phần nâng cao ý thức BVMT của người dân. Những cá nhân, tổ chức có ý định xả thải ra môi trường sẽ phải xem xét lại hành vi của mình. Tuy nhiên, quá trình thực thi đang gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ. Mức phạt tiền

tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đối với tổ chức nhìn chung còn thấp. Thực tiễn cho thấy cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào phải chịu mức phạt cao nhất này nên chưa đảm bảo tính răn đe, thậm chí có trường hợp cá nhân, pháp nhân chấp nhận nộp phạt để vi phạm. Do vậy, cần bổ sung chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về BVMT nói chung và quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi cụ thể, cứng rắn hơn, theo hướng nên bỏ quy định về mức tiền phạt tối đa, thay vào đó là các quy định áp dụng mức tiền phạt linh hoạt, được tính tương ứng với mức độ vi phạm của hành vi, lợi ích mà các chủ thể có được từ hành vi vi phạm hoặc thiệt hại mà các hành vi vi phạm gây ra, từ đó sẽ nhân với một tỉ lệ tương ứng nhất định và cho ra mức tiền chủ thể vi phạm phải nộp phạt. Chủ thể vi phạm càng nhiều, thu được nhiều lợi ích từ việc vi phạm sẽ càng phải nộp số tiền phạt lớn. Quy định như vậy mới thể hiện được hiệu quả răn đe, phòng ngừa của pháp luật, đồng thời hạn chế các chủ thể có ý định lợi dụng các quy định pháp luật để tái diễn các hành vi vi phạm về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi.

Thứ năm, cần ban hành, bổ sung cụ thể hơn một số quy định về trách nhiệm dân sự của các chủ thể khi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi, cụ thể:

- Cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để tránh tình trạng dẫn chiếu lòng vòng như tại Điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Tại Điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, trong khi đó, điểm d khoản 1 Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 lại quy định: “Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường có trách

nhiệm sau: .... Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan”. Cách dẫn chiếu vòng vèo như vậy thì rất khó trong việc xác định căn cứ pháp lý, quy định cụ thể để áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại với các chủ thể vi phạm.

Với tư cách là luật chuyên ngành trong lĩnh vực môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường trong đó có nguyên nhân do chất thải từ các nông trại chăn nuôi.

- Cần ban hành những quy định để xác định được cả những thiệt hại mang tính lâu dài, chưa xảy ra ở thời điểm hiện tại nhưng có khả năng xảy ra ở tương lai trong việc xác định mức độ thiệt hại và bồi thường thiệt hại.

Bởi lẽ, ảnh hưởng của chất thải nói chung và chất thải từ các nông trại nói riêng khi thải ra môi trường không chỉ là những tác động, thiệt hại trước mắt, có thể nhìn thấy, đo đếm được mà nó còn có những ảnh hưởng mang tính lâu dài, sau một thời gian nhất định mới xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường và sinh vật.

Vì vậy, cũng cần có những quy định cho người vi phạm pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi gây thiệt hại có thể bồi thường một lần hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định đối với tùy từng trường hợp vi phạm, mức độ thiệt hại hiện tại và khả năng thiệt hại xảy ra trong tương lai.

- Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Nghị định số 03/2015/NĐ- CP của Chính phủ ban hành ngày 06/01/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường về cơ chế chi trả, giám sát việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người dân bị thiệt hại do các chủ thể vi phạm các quy định về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

người dân xung quanh đó bị ảnh hưởng cả về sức khỏe và môi trường sống, gây bệnh tật, bất tiện trong sinh hoạt. Vì vậy, họ cần phải được chi trả tiền bồi thường cho những thiệt hại đó. Trong một số trường hợp như có nhiều người cùng bị thiệt hại mà không có ai đứng ra đại diện hay chưa thể xác định được tất cả những chủ thể bị thiệt hại để nhận bồi thường thì UBND các cấp có thể là đơn vị đại diện đứng ra nhận tiền bồi thường thiệt hại từ cơ sở vi phạm sau đó chi trả cho người dân. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay còn chưa quy định việc sau khi nhận được tiền bồi thường do cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường chi trả thì UBND các cấp sẽ tiến hành chi trả cho người dân theo cơ chế nào, căn cứ nào? Đây chính là kẽ hở của pháp luật, có thể dẫn đến việc các cấp chính quyền địa phương làm sai, nhận tiền bồi thường sau đó lại trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý chất thải từ các nông trại chăn nuôi ở việt nam (Trang 82 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w