Vị trí và vai trò của án lệ trong pháp luật kinh tế

Một phần của tài liệu Án lệ và mối liên hệ với pháp luật kinh tế ở Việt Nam. (Trang 39 - 43)

7. Cấu trúc của Luận văn

1.3.2. Vị trí và vai trò của án lệ trong pháp luật kinh tế

Pháp luật kinh tế là tổng hợp những quy tắc điều chỉnh các hoạt động kinh tế. Tương ứng với nhiều nhóm đa dạng của kinh tế là sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật đối với từng lĩnh vực. Tại Việt Nam, quyền kinh tế là một quyền Hiến định61, và được cụ thể hóa trong các đạo luật chuyên ngành, theo đó mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm62. Hệ thống pháp luật lần lượt từ Hiến pháp, điều ước quốc tế đã ký kết, các đạo luật, văn bản dưới luật tham gia điều chỉnh và quản lý kinh tế. Với tư cách là lập luận pháp lý, phán quyết trong các bản án, được lựa chọn thông qua và công bố để nghiên cứu, áp dụng, án lệ là văn bản dưới luật. Và do vậy, những án lệ liên quan với vụ việc kinh tế là một phần của pháp luật kinh tế, có vai trò nhất định và dần trở nên quan trọng.

Thứ nhất, quy định về áp dụng.

61 Điều 14, Hiến pháp 2013.

Pháp luật kinh tế được tạo dựng để đặt ra quy tắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, tiêu dùng trong xã hội. Trong quan hệ dân sự – lĩnh vực chủ đạo tác động kinh tế, Bộ luật Dân sự là bộ luật điều chỉnh chung, các đạo luật khác tham gia điều chỉnh quan hệ dân sự trong lĩnh vực cụ thể của kinh tế, dĩ nhiên với điều kiện không trái với luật chung. Trường hợp có sự khác nhau giữa luật chung, luật riêng với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì áp dụng điều ước quốc tế; trường hợp không có thỏa thuận của các bên và không có quy định của pháp luật thì sẽ áp dụng tập quán, tức quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên, được hình thành và lặp đi lặp lại trong thời gian dài, không trái nguyên tắc pháp luật63. Trường hợp không có tập quán thì xem xét, dựa trân quan hệ dân sự tương tự để áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh; sau đó mới đến áp dụng án lệ, lẽ công bằng.

Thứ hai, áp dụng trong giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình tố tụng của một vụ việc dân sự, đơn cử là vụ án dân sự, nguyên đơn đệ đơn khởi kiện bị đơn, gửi tòa án có thẩm quyền; tòa án xem xét và thụ lý vụ án theo đúng quy định, tống đạt văn bản, sau đó mở phiên tòa sơ thẩm, ra bản án sơ thẩm. Nếu các bên không đồng ý, kháng cáo thì tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét, mở phiên phúc thẩm ra bản án hoặc quyết định. Nếu các bên một lần nữa không đồng ý, gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm, lúc này, viện kiểm sát và chánh án cấp trên sẽ xem xét để kháng nghị, mở phiên giám đốc thẩm để nhận định lại về bản án, quyết định tòa cấp dưới, ra quyết định giữ nguyên hoặc hủy bản án, quyết định được xem xét đó, giao vụ án cho tòa cấp dưới xét xử lại nếu quyết định hủy. Án lệ chính là thực tế miêu tả rõ rệt những vấn đề này, khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố thì sẽ mang tính áp dụng cho toàn bộ các tòa án trong nước với vụ việc tương tự. Như vậy, có thể thấy được một khi án lệ được viện dẫn để đưa ra nhận định và quyết định thì quá trình giải quyết tranh chấp ở tòa án sẽ trở nên nhanh hơn bởi sự công nhận mức độ cao sau khi được lựa chọn, lấy ý kiến trước đó, đáp ứng nhu cầu của các bên.

Đối với các đạo luật trong hệ thống luật thành văn, quá trình ban hành bao gồm: đề xuất, nghiên cứu, soạn thảo trong hệ thống cơ quan nhà nước, sau đó trình Quốc hội và thông qua. Trong quá trình này, tập trung vào đánh giá trên thực tế, nhận định và dự định tương lai gần đề đưa ra quy phạm, vấn đề được đặt ra là tình huống thiếu sót, khó

có thể dự đoán trước được toàn bộ tình hình trong tương lai. Trong lĩnh vực kinh tế, có các khía cạnh ảnh hưởng đó là: tốc độ thay đổi nhanh chóng của thị trường trong nước và quốc tế; sự sáng tạo trong hoạt động của thể nhân, pháp nhân, tự do hoạt động trong khung không trái với điều cấm của luật, các khía cạnh này khiến cho vụ việc dân sự, xung đột và tranh chấp cũng biến chuyển nhiều phương diện, thiếu quy định của pháp luật đáp ứng kịp thời.

Ngoài ra, trong xã hội, có nhiều tình tiết cụ thể tuy là nguyên tắc chung của đạo đức, xã hội, lẽ phải nhưng lại không thích hợp để đưa ra quy định pháp luật cụ thể. Đơn cử như tình tiết về chia di sản thừa kế, khi mà các đương sự gồm cả người trong nước, người Việt định cư hải ngoại, tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà được sang nhượng một phần, trải qua 20 năm, nhiều lần sơ thẩm, phúc thẩm, đình chỉ vẫn không thể giải quyết tranh chấp bởi khó khăn trong tương trợ tư pháp quốc tế, không có quy định pháp luật cụ thể cho trường hợp này64, án lệ ra đời nhằm giải quyết khó khăn liên quan, cho phép đương sự quản lý nhà đất thay cho người thừa kế hải ngoại cho đến khi liên lạc được với họ; hoặc vụ án về giao dịch dân sự sang nhượng nhà đất đối với nhà ở từ những năm 1990, giao dịch có hiệu lực về việc cam kết sẽ giao quyền sở hữu nhà sau khi nhà nước tiến hành hóa giá căn nhà đó, tuy nhiên có sự thay đổi khi thủ tục hóa giá nhà không diễn ra, đi ngược lại suy đoán khiến hợp đồng này là giao dịch dân sự có điều kiện nhưng vô hiệu do tình huống dự định không thể xảy ra65, và án lệ ra đời nhằm giải thích điều luật liên quan66 không có quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn toàn cầu hóa mà kinh tế phát triển nhanh, công nghệ số là thí dụ điển hình của sự thay đổi thì luật kinh tế phải đương đầu với bài toán khó khăn trong giải quyết tranh chấp đó là: vấn đề đa dạng của tình tiết vụ việc, yêu cầu xây dựng pháp luật đáp ứng nhu cầu xã hội; yêu cầu của các thể nhân, pháp nhân kinh tế về việc giải quyết tranh chấp đa dạng, nhiều lĩnh vực phân ngành, tiểu ngành, tiến độ đáp ứng tốc độ thay đổi nhanh của kinh tế. Với vị trí là một phần của pháp luật, án lệ là giải pháp khả thi cho những khó khăn mà pháp luật gặp phải, nhất là luật kinh tế.

64 Tình tiết chính trong vụ án của Án lệ 06 về giải quyết việc chia thừa kế trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài nhưng không xác định được địa chỉ, Án lệ 06, tr. 2.

65 Tình tiết nội dung chính trong vụ án của Án lệ 39 về xác định giao dịch dân sự có điều kiện vô hiệu do điều kiện không thể xảy ra.

66 Án lệ được công bố với nội dung giải thích rõ và đưa ra cách thức giải quyết vụ án liên quan tới khoản 6 Điều 402, Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

TIỂU KẾT CHƯƠNG I

Qua Chương I, có thể thấy được lược sử luật thành văn Việt Nam cũng như sự hình thành của án lệ trong hệ thống pháp luật đó ở Việt Nam. Xuyên suốt các triều đại Nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, hệ thống pháp luật chủ yếu là các đạo luật được xây dựng, soạn thảo, in ấn và duy trì. Án lệ cũng xuất hiện ở thời kỳ này, chính thức được nâng tầm thành điều luật trong Bộ luật Hồng Đức thời Nhà Lê sơ, duy trì sang thời Nhà Nguyễn. Ở thời cận hiện đại, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ các nước theo chủ nghĩa thuộc địa, đế quốc, mặc dù mỗi nước có hệ thống luật khác nhau, có nước theo thông luật, nhưng pháp luật Việt Nam vẫn duy trì hệ thống luật thành văn cho đến nay. Dựa trên những đánh giá trong chương này, có thể thấy được rằng luật thành văn là hệ thống đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại; án lệ không phải là yếu tố mới trong pháp luật ở Việt Nam.

Hiện nay, dựa trên các hoạt động đến từ tư tưởng chính trị của tổ chức cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đề cập trong chương cho thấy chính sách xây dựng và phát triển án lệ ở Việt Nam được đưa ra và tiến hành trong những năm gần đây. Quy trình lựa chọn, công bố và các biện pháp liên quan trong án lệ chính thức đi vào thực tế từ năm 2016, kết cấu tổng thể dưới sự chỉ đạo, điều phối của Tòa án nhân dân tối cao và hiện có 52 án lệ đã được ban hành. Mặc dù số lượng còn ít, nhưng các thống kê cho thấy sự quan tâm, chú trọng của cộng đồng pháp luật trong xã hội đối với mục tiêu đẩy mạnh việc phát triển của chủ đề này.

Cũng trong Chương I, việc phân tích tổng quan chung lĩnh vực kinh tế và luật cho thấy mối liên hệ và tác động qua lại của hai đối tượng này; việc đánh giá vị trí của án lệ trong pháp luật cho thấy vai trò và chức năng của án lệ đối với luật, cụ thể hơn giữa án lệ và luật kinh tế. Và cũng từ những đánh giá đó, có thể khẳng định rằng: với tư cách là một yếu tố của luật, án lệ được áp dụng tuân theo các nguyên tắc, quy định chung mà pháp luật đang có, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và đặc biệt ở khía cạnh giải quyết tranh chấp.

CHƯƠNG II: TÁC ĐỘNG CỦA ÁN LỆ HIỆN TẠI ĐỐI VỚI PHÁP LUẬT KINH TẾ VIỆT NAM

Tính đến tháng 03 năm 2022, có tất cả 1.531 bản án, quyết định của tòa án các cấp viện dẫn và áp dụng án lệ, trong đó, số liệu áp dụng theo từng lĩnh vực lần lượt là hình sự (343), hành chính (136), dân sự (726), hôn nhân và gia đình (143), kinh doanh, thương mại (161), và lao động (28).

Dựa trên 52 án lệ được công bố cho đến nay, Chương này sẽ tập trung phân tích hai vấn đề, bao gồm: (i) phân tích những án lệ giữ mối liên quan với kinh tế, án lệ liên quan tới lĩnh vực kinh tế cụ thể nào; (ii) nhận định và đánh giá vai trò của án lệ với luật kinh tế ra sao.

Một phần của tài liệu Án lệ và mối liên hệ với pháp luật kinh tế ở Việt Nam. (Trang 39 - 43)