Án lệ về bảo hiểm

Một phần của tài liệu Án lệ và mối liên hệ với pháp luật kinh tế ở Việt Nam. (Trang 59 - 62)

7. Cấu trúc của Luận văn

2.1.3. Án lệ về bảo hiểm

Bảo hiểm là một trong những ngành của kinh tế, đóng vai trò chuyển giao rủi ro, giảm thiểu tổn thất, thiệt hại đối với đời sống kinh tế trong bảo hiểm hàng hóa, tài sản, thiết bị; ngoài ra còn kích thích tiết kiệm, tạo niềm tin về tinh thần cho an sinh xã hội trong bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, xã hội. Trong pháp luật kinh tế, với kinh doanh bảo hiểm được định nghĩa là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm99; và các loại bảo hiểm chủ đạo là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

Tương tự với kinh doanh bảo hiểm, trong vụ án của Án lệ 37, nguyên đơn là một doanh nghiệp có trụ sở đặt tại tỉnh Đồng Nai, ngành nghề chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm vật liệu là hơi nước bão hòa, là nguyên liệu thường được sử dụng để tiến hành chế biến thực phẩm, sản xuất giấy, thuốc lá, tập trung vào hoạt động sử dụng nguyên liệu đốt sạch, chế tạo lò hơi công nghiệp. Những năm 2014, 2015, doanh nghiệp này đã lắp đặt các lò hơi công nghiệp tại hai địa điểm thuộc hai doanh nghiệp khác nhau, một ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một ở thành phố Biên Hòa. Với việc là một thiết bị công nghiệp cỡ lớn, giá trị lớn, có nhiều rủi ro, doanh nghiệp này đã ký kết thêm hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng và bảo hiểm trực tiếp với hãng bảo hiểm. Bên cạnh đó, nhằm vay vốn phục vụ kinh doanh, nguyên đơn ký kết hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản với ngân hàng dựa trên các lò hơi công nghiệp. Năm 2015, tại lò hơi công nghiệp đặt tại Vũng Tàu, một vụ nổ do sự cố kỹ thuật đã xảy ra khiến khu sản xuất bị phá hủy đồng bộ, hai công nhân chết. Quá trình điều tra và giám định hiện trường đưa ra kết luận là không có vấn đề hình sự. Theo thỏa thuận và các điều khoản trong hợp đồng, hãng bảo hiểm phải chi trả, bồi thường trực tiếp toàn bộ tổn thất vì sự cố, chi phí ở cả vật chất lẫn con người để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, hãng bảo hiểm đã không chấp nhận, cho rằng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu với lý do là doanh nghiệp chậm thanh toán tiền bảo hiểm. Doanh nghiệp đã đệ đơn khởi kiện hãng bảo hiểm lên Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa. Sau quá trình tố tụng dân sự, năm 2018, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên giám đốc thẩm, ra quyết định được đề

xuất và lựa chọn làm án lệ với nội dung tập trung vào hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm dựa trên tình tiết thực tế, cụ thể rằng: trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp mua bảo hiểm đã đóng tiền bào hiểm, tuy không đúng với thời gian đã nêu trong hợp đồng nhưng hãng bảo hiểm vẫn nhận tiền đầy đủ, không gửi thông báo hoặc nêu vấn đề với các hợp đồng giữa hai bên, tức không có ý kiến gì về thời gian đóng phí, cũng đã thực hiện các công đoạn bình thường như báo cáo thuế, xuất hóa đơn giá trị gia tăng về các khoản tiền đóng bảo hiểm mà hãng nhận được từ doanh nghiệp, cho nên mặc nhiên thừa nhận hiệu lực của hợp đồng. Do đó, hãng bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng giữa hai bên đã ky kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, cụ thể là vụ nổ trong vụ án này100.

Vấn đề được khẳng định trong án lệ này là tình tiết thực tế về việc thực hiện hợp đồng giữa các chủ thể, cụ thể là trong hợp đồng bảo hiểm, đây là hợp đồng mẫu của một hãng bảo hiểm lớn có quy định về thởi hạn thanh toán theo số ngày nhất định kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực; hãng bảo hiểm cũng đã căn cứ vào điều khoản này để lập luận rằng hợp đồng bảo hiểm về hàng hóa gặp sự biến là vô hiệu. Tuy nhiên, với nhận định của án lệ, rằng doanh nghiệp không thanh toán đúng hạn nhưng việc thanh toán không bị hãng bảo hiểm phản đối, không có ý kiến, thực hiện đầy đủ các thủ tục về kế toán kiểm toán trong hoạt động bình thường; từ đây có thể thấy được căn cứ trường hợp một bên không thực hiện đúng điều khoản về hợp đồng nhưng không làm cho hợp đồng mất hiệu lực.

Một lĩnh vực khác chiếm phần lớn trong kinh doanh bảo hiểm là bảo hiểm nhân thọ. Hai bản Án lệ 22 và 23 đã diễn giải một số quy phạm về kinh doanh bảo hiểm cũng như mối quan hệ giữ các hãng bảo hiểm và người tiêu dùng lĩnh vực này trên thị trường, tiếp tục tập trung vào nhận định hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tương tự với Án lệ 37. Trong những vụ án của cả hai án lệ này, người tiêu dùng đã ký hợp đồng bảo hiểm với hãng bảo hiểm, về bảo hiểm tử kỳ, tức thỏa thuận về nghiệp vụ bảo hiểm đối với trường hợp người được bảo hiểm qua đời trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm101. Những đối tượng của bảo hiểm tử kỳ đều qua đời vì bệnh tật hoặc tai nạn, dẫn đến người có quyền thụ hưởng khởi

100 Án lệ 37, tr. 25.

kiện hãng cung cấp bảo hiểm, yêu cầu bị đơn trả số tiền bảo hiểm và lãi suất phát sinh khi chậm thanh toán.

Tại Án lệ 22, bị đơn là hãng bảo hiểm trình bày và đưa ra những chứng cứ thu thập được, cho rằng khách hàng trong quá trình ký kết hợp đồng bảo hiểm đã cung cấp thông tin không đúng, cụ thể là trước khi giao kết hai hợp đồng bảo hiểm đã có bệnh nền và tình trạng cơ thể có mỡ máu tăng, đau dạ dày nhưng không khai báo trong bảng câu hỏi của đơn yêu cầu bảo hiểm; do đó cho rằng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Một phần nhận định trong bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 về vụ án này trở thành án lệ. Cụ thể nội dung án lệ chỉ ra rằng tại các chứng cứ như câu hỏi của đơn yêu cầu bảo hiểm, biên bản hội chẩn của bệnh viện do bị đơn đưa ra không thể chứng minh hoặc giải thích khoa học xác định đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày. Từ đây, tình tiết này thuộc trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau, không rõ ràng, và khó hiểu, do đó phải được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm102. Như vậy, không đủ cơ sở xác định triệu chứng đau dạ dày được bao gồm trong rối loạn tại dạ dày như hãng bảo hiểm trình bày, việc bị đơn cho rằng khách hàng bị bệnh đau dạ dày mà không khai báo là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là không có căn cứ. Tòa phúc thẩm nhận định rằng những chứng cứ mà hãng bảo hiểm đưa ra chưa đủ cơ sở xác định khách hàng có gian dối khi ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Tại Án lệ 23, hãng bảo hiểm cho rằng hợp đồng đã hết hiệu lực trước thời điểm mà khách hàng qua đời bởi khách hàng không nộp tiền đúng hạn theo quy định trong hợp đồng, đây là loại hình bảo hiểm tử kỳ của bảo hiểm nhân thọ phổ biến, khi mà khách hàng sẽ nộp tiền bảo hiểm định kỳ vào những mốc thời gian nhất định hàng năm. Trong vụ án này, nhận định tại bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được chọn làm án lệ, với nội dung rằng: căn cứ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ thể hiện địa chỉ để hãng bảo hiểm thu phí là nhà của khách hàng ở tỉnh Bến Tre. Khách hàng đã ký hợp đồng bảo hiểm thông qua hình thức hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ, việc chưa đóng phí đợt hai như đã phân tích của bị đơn không phải lỗi của khách hàng, do đó yêu cầu của nguyên đơn buộc hãng bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm khi khách hàng tử vong do tai nạn là có cơ sở để chấp nhận. Xét yêu cầu của hãng bảo hiểm cho rằng khách hàng không đóng phí bảo hiểm đợt hai trước hạn chót năm 2005 và

khách hàng đã chết sau đó, như vậy hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực là không có cơ sở103. Án lệ đã phân tích lý do của việc khách hàng không đóng phí bảo hiểm là do nhân viên công ty không đến thu phí, không phải là lỗi của khách hàng, cho nên hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực.

Một phần của tài liệu Án lệ và mối liên hệ với pháp luật kinh tế ở Việt Nam. (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w