Hoạt động 1: Trò chơi Đi tìm mảnh ghép
Mục tiêu - Sinh viên tìm hiểu thông tin, tiến hành làm quen với nhau và tìm được thông tin miếng ghép liên quan miếng ghép của mình trong thời gian quy định.
- Nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng tự nhận thức bản thân để tích cực rèn luyện hoàn thiện nó nhằm thuận lợi trong học tập nghiên cứu và cuộc sống.
Thời lượng 15 phút.
Số lượng 30 – 40 sinh viên.
Vật liệu - 1 hộp giấy đẹp đựng các miếng ghép.
- 36 mảnh ghép được cắt ra từ 18 hình (xem Phụ lục 1). Quy trình 1. Thông báo mục tiêu hoạt động.
2. Hướng dẫn quy trình, yêu cầu của hoạt động: - Mỗi sinh viên bốc 01 miếng ghép bất kỳ trong hộp. - Đi tìm 01 miếng ghép còn lại để cùng ghép lại thành 01 hình ý nghĩa
- Hai sinh viên có cùng miếng ghép sẽ giao tiếp, trao đổi thông tin: họ tên, quê quán, lý do học ngành đang chọn, sở thích, ước mơ…
3. Chuẩn bị thuyết trình chéo 30 giây/người: giới thiệu về người bạn của mình với những nội dung đã chia sẻ với nhau.
Đúc kết - Trong học tập và cuộc sống, chúng ta phải giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian… rất nhiều, đây chính là những kỹ năng mềm – những bí quyết quyết định thành công bên cạnh kiến thức chuyên môn.
- Trong những kỹ năng mềm đó, kỹ năng tự nhận thức bản thân là kỹ năng căn bản không thể thiếu, làm nền tảng cho một con người phát triển toàn diện. Kỹ năng tự nhận thức bản thân (hiểu đơn giản chính là kỹ năng “biết mình là ai”), là khả năng một người nhận biết đúng đắn rằng: mình là ai, sống trong hoàn cảnh nào, yêu thích cái gì, ghét điều gì, điểm mạnh và điểm yếu của mình ra sao, vị trí của mình trong mối quan hệ với người khác như thế nào; nhận biết cảm xúc của mình có ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ và hành vi; hay mình có thể thành công ở những lĩnh vực nào…
- Hình thành và rèn luyện được kỹ năng tự nhận thức bản thân sẽ giúp chúng ta ứng xử, hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhận ra điểm mạnh của bản thân để phát huy, nhận ra điểm yếu để khắc phục, điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của mình theo hướng tích cực.
- Khi bản thân mỗi người hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, năng khiếu, biết rõ bản thân mình muốn gì, có những năng lực gì, gặp những khó khăn,thách thức nào…để có thể điều chỉnh mục tiêu cuộc sống cho phù hợp và khả thi, sống một cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Nguồn Nhóm giảng viên biên soạn.
Hoạt động 2: Trò chơi Phóng phi tiêu
Mục tiêu - Sinh viên tự tin chọn vạch đứng phù hợp khả năng của mình để phóng phi tiêu trúng đích.
- Sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc xác định được hiểu biết chung về bản thân (nhu cầu, hứng thú, lý tưởng, thế giới quan, niềm tin).
Thời lượng 15 phút.
Số lượng 30 – 40 sinh viên.
Vật liệu - Bảng mục tiêu, phi tiêu (xem Phụ lục 2) - Phấn. Quà.
Qui trình 1. Thông báo mục tiêu hoạt động.
2. Mô tả hoạt động: mỗi sinh viên sẽ chọn 1 trong 3 vạch dưới sàn để phóng phi tiêu trúng bảng phi tiêu; khi đã chọn vạch mình muốn đứng ném, trả lời câu hỏi có tin là mình ném trúng không: - Vạch 1 cách bảng 0.5m: ném trúng được cả lớp vỗ tay hoan hô. - Vạch 2 cách bảng 1m: ném trúng được 1 phần quà trị giá 20.000đ. - Vạch 3 cách bảng 2m: ném trúng được 1 phần quà trị giá 50.000đ.
3. Sinh viên thực hiện.
4. Giáo viên ghi tên vào bảng đánh giá.
Đúc kết Trong cuộc sống, mỗi cá nhân sẽ có nhu cầu, thế giới quan, lý tưởng… khác nhau. Xác định được những thuộc tính tâm lý này của bản thân sẽ giúp mỗi cá nhân có được định hướng tốt hơn trong cuộc sống.
Nguồn Nhóm giảng viên biên soạn.
Hoạt động 3: Trắc nghiệm khám phá bản thân
Mục tiêu - Sinh viên khám phá được đặc điểm học tập bản thân thông qua bài trắc nghiệm Nghe - Nhìn - Vận động.
- Nhận dạng được đặc điểm học tập của bản thân và có định hướng hoạt động học tập hiệu quả.
Thời lượng 30 phút.
Số lượng 30 – 40 sinh viên.
Vật liệu - Bảng trắc nghiệm (xem Phụ lục 3). - Kết quả trắc nghiệm.
Quy trình 1. Thông báo mục tiêu hoạt động.
2. Mô tả hoạt động: mỗi sinh viên được nhận 1 bài trắc nghiệm Nghe - Nhìn - Vận động; mỗi câu hỏi sẽ chọn 1 đáp án đúng nhất theo cách hành xử thường ngày của mình. Nếu lưỡng lự giữa 2 phương án, hãy chọn phương án nào thường xử lý nhất. Sau khi làm xong, cộng xem mình đã chọn bao nhiêu phương án A/B/C và ghi tổng kết số câu đã chọn vào trang cuối.
3. Viết kết quả số điểm lên bảng. 4. Nghe giải đáp.
Đúc kết - Phương pháp tiếp thu là vấn đề then chốt giúp bạn phát huy được khả năng trong công việc, trong học tập và trong các tình huống quan hệ giữa người với người. Khi nhận biết được phương pháp tiếp nhận và xử lý thông tin của mình và người khác, bạn có thể học và giao tiếp dễ dàng hơn.
- Xác định được phương thức tiếp thu như: nhìn, nghe, vận động. Có những người học cả ba phương thức này ở những mức độ khác nhau, song một số khác thích một phương thức hơn hai phương thức còn lại. Biết được những đặc điểm riêng này sẽ giúp bạn nhận được phương thức học tập và làm việc phù hợp hơn.
Nguồn Sưu tầm