Điều kiện để lắng nghe có hiệu quả

Một phần của tài liệu Kỹ năng mềm tiếp cận theo hướng sư phạm tương tác Hoàng Thị Thu Hiền, Võ Đình Dương, Bùi Thị Bích (Trang 51 - 54)

Ở phần kỹ năng tự nhận thức bản thân, sinh viên đã nhận ra được mình thuộc loại người nào trong việc học tập, tiếp thu thông tin. Cụ thể là phương pháp: Nghe -Nhìn- Vận động đã giúp họ hình thành kỹ năng khám phá bản thân mình để đạt kết quả cao trong học tập. Trên cơ sở đó, chúng tôi muốn chỉ ra một cách cụ thể những đặc điểm của từng kiểu người để mỗi sinh viên đạt được kết quả cao nhất khi hình thành kỹ năng lắng nghe.

- Đặc điểm của người học theo phương thức “Nhìn”: + Gọn gàng ngăn nắp.

+ Hay quan sát những chi tiết nhỏ trong môi trường.

+ Viết chính tả tốt và có thể nhận biết chính xác các từ trong tâm trí họ.

+ Nhớ những gì được nhìn hơn những gì được nghe. + Ghi nhớ bằng cách liên tưởng tới những gì nhìn thấy.

+ Thường ghi nhớ kèm những hướng dẫn bằng lời nói nếu họ không ghi chép, hay yêu cầu mọi người nhắc lại.

+ Hay viết nguệch ngoạc trong khi nói chuyện điện thoại và hội họp. + Quên chuyển những thông điệp bằng lời nói tới những người khác. + Thích nghệ thuật thị giác hơn âm nhạc.

+ Thường biết phải nói gì nhưng không thể nghĩ ra từ ngữ phù hợp.

- Đặc điểm của người học theo phương thức “Nghe”: + Thích đọc to và thích nghe.

+ Có thể bắt chước cường độ, âm điệu giọng nói của người khác. + Không thích viết lách, nhưng thích kể chuyện.

+ Nói theo một khuôn mẫu và với nhịp điệu nhất định. + Thường là người có khả năng hùng biện.

+ Thích âm nhạc hơn nghệ thuật thị giác.

+ Học tập bằng cách nghe và ghi nhớ những gì đã thảo luận nhiều hơn là nhớ những gì đã quan sát.

+ Là những người hay nói, ưa thảo luận và thích diễn giải dài dòng.

- Đặc điểm của những người học theo phương thức “Vận động”: + Nói chậm.

+ Thường chạm nhẹ vào mọi người để gây sự chú ý của họ. + Đứng gần mọi người khi nói chuyện.

+ Có xu hướng vận động cơ thể và họat động nhiều. + Học bằng các thao tác và hành động.

+ Ghi nhớ bằng cách đi bộ và quan sát. + Sử dụng cử chỉ, điệu bộ nhiều.

+ Không thể ngồi yên một chỗ trong thời gian dài. + Sử dụng ngôn ngữ hành động.

+ Thích hành động.

+ Thích những trò chơi liên quan đến học.

Để lắng nghe có hiệu quả, sinh viên cần:

- Tạo không khí bình đẳng, cởi mở. Để tạo được không khí bình đẳng, cởi mở, chúng ta cần chú ý đến: khoảng cách, vị trí, tư thế, các động tác và cử chỉ của mình:

+ Khoảng cách không quá xa: Tùy theo mối quan hệ mà có khoảng cách phù hợp.

+ Tư thế ngang tầm, đối diện (đứng hoặc ngồi ngang tầm nhau): cùng đứng, cùng ngồi, hướng vào nhau (tránh người đứng chỗ cao, người đứng chỗ thấp, hoặc ghế cao ghế thấp).

+ Không khoanh tay hoặc đút tay vào túi quần, vì đó là biểu hiện của sự khép kín không muốn tham gia.

- Phải biết gợi mở.

Trong giao tiếp, có những vấn đề, nội dung khó nói hoặc tế nhị thì người ta sẽ khó chia sẻ một cách tự nhiên. Đôi khi sự chi phối của yếu tố xúc cảm làm cho người ta tỏ ra e ngại, hoặc bối rối trước người khác. Vậy nên, để người đối thoại tự nhiên và mạnh dạn chia sẻ, có thể áp dụng một số thủ thuật sau đây:

+ Tỏ ra am hiểu vấn đề và đồng cảm về cảm xúc. Những câu nói được sử dụng như: “Tôi hiểu”, “Tôi đã từng nghe vấn đề này”; hay “Tôi có thể hiểu được lúc đó anh buồn như thế nào…”. Đồng thời kết hợp với những yếu tố phi ngôn ngữ như, ánh mắt, nét mặt, nụ cười… để cảm nhận được rằng, mình đang quan tâm và hưởng ứng những gì họ nói.

+ Có sự phản hồi tích cực với nội dung mà người nói chia sẻ. Việc phản hồi bao gồm cả bằng lời kết hợp với cử chỉ, điệu bộ như: gật gù, nhún vai, chau mày… sẽ làm cho hiệu ứng giao tiếp gia tăng một cách đáng kể.

+ Đặt câu hỏi để làm rõ hơn vấn đề và cũng thể hiện sự quan tâm đến nội dung đối thoại. Tuy nhiên, không nên hỏi quá nhiều, mà nên dùng câu hỏi gợi mở: “Rồi sao nữa?”, “Lúc đó anh phản ứng như thế nào?”…

+ Giữ sự im lặng đầy thiện chí. Trong quá trình giao tiếp, có những lúc câu chuyện bị ngắt quãng và người nói sẽ tạm thời im lặng, thì người nghe cũng nên tạm thời giữ im lặng và thể hiện sự chờ đợi để tiếp tục lắng nghe thì người nói sẽ sớm nối lại cuộc đối thoại. Tuy nhiên, nếu sự im lặng quá lâu thì bạn cần chủ động phá vỡ sự im lặng ấy để cuộc giao tiếp được tiếp tục.

- Bộc lộ sự quan tâm.

Thông qua tư thế, điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt của mình, bạn thể hiện sự quan tâm:

+ Ngồi hướng về phía người đối thoại.

+ Có sự tiếp xúc bằng mắt hợp lý (chiếm khoảng 70 - 75% tổng thời gian cuộc đối thoại), mắt nhìn người đối thoại một cách nhẹ nhàng, chân thành, nhưng không tập trung vào một điểm nào đó trên cơ thể mà nhìn tổng thể cả người họ và tốt nhất là nhìn từ phần bờ vai trở lên phía ánh mắt.

+ Có những động tác, cử chỉ đáp lại như: gật đầu, mỉm cười hay những động tác của tay. Cần tránh những động tác biểu lộ sự không chú ý như: bẻ tay, dùng ngón tay mân mê một vật gì đó (như cây viết, gấu áo…).

- Phải biết phản ánh lại.

Sau khi nghe người đối thoại trình bày một vấn đề nào đó, bạn diễn đạt lại nội dung đó theo cách hiểu của bạn như: “Theo tôi hiểu thì ý anh là… có phải không?”. Điều này giúp cho người đối thoại biết bạn đã hiểu họ như thế nào, cũng như họ đã được chú ý lắng nghe ra sao.

- Tạo thói quen để có được kỹ năng lắng nghe hiệu quả.

+ Thay đổi thái độ: Muốn lắng nghe hiệu quả thì đầu tiên phải “Muốn”, có nghĩa là tự tạo ra nhu cầu cho chính bản thân. Ví dụ như, lắng nghe để học hỏi, để biết thông tin, tìm hiểu người nói, chia sẻ…

+ Thay đổi cử chỉ: Thay vì nhìn lơ đãng, thì hãy chú ý vào người nói thể hiện sự mong muốn lắng nghe. Gật đầu hòa nhịp cùng người nói. Vẻ mặt thể hiện sự hào hứng khi lắng nghe.

+ Thay đổi lời nói: Thay vì ngồi im thì hãy thể hiện cho người nói biết, mình đang lắng nghe họ bằng những tiếng đệm: dạ, vâng,...; hoặc câu hỏi ngắn: "Vậy à? Thế á? Cái gì? Thật không? Gì nữa?...”., kết luận bằng: “Tôi hiểu rồi”. “Tôi biết rồi…”.

Một phần của tài liệu Kỹ năng mềm tiếp cận theo hướng sư phạm tương tác Hoàng Thị Thu Hiền, Võ Đình Dương, Bùi Thị Bích (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)