Thông qua thực tiễn thành công cũng như thất bại của nhiều công ty chứng khoán trên thế giới về quản trị rủi ro, bài học kinh nghiệm cho các công ty chứng khoán Việt Nam nhằm tăng cường quản trị rủi ro được tổng kết lại như sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp. Ban quản lý cần có khả năng đo lường, giám sát, và quản lý mức độ rủi ro ở cấp độ doanh nghiệp. Đối với các công ty chứng khoán có số lượng giao dịch lớn và các loại tài sản phức tạp, cần có một cái nhìn bao quát trên toàn công ty để quản lý hiệu quả các rủi ro kinh doanh khi tham gia thị trường. Các công ty chứng khoán phải đảm bảo rằng mô hình rủi ro được sử dụng dựa trên dữ liệu đáng tin cậy, quy trình quản trị rủi ro rõ ràng và toàn diện cũng như phân bổ từng loại rủi ro cho từng bộ phận kinh doanh và yêu cầu tổng hợp, báo cáo thường xuyên.
Thứ hai, đội ngũ nhân sự thực hiện có trình độ cao. Nếu như những bước cơ bản trong quy trình quản trị rủi ro được mỗi cá nhân thực hiện tốt ngay từ đầu trong phạm vi phụ trách công việc của mình thì việc kiểm soát của Ban điều hành sẽ trở nên dễ dàng và ít tốn kèm hơn rất nhiều, chủ yếu sẽ thông qua các báo cáo hàng năm, hàng tháng hay thậm chí hàng ngày để triển khai các hoạt động khắc phục kịp thời khi phát hiện vấn đề.
Thứ ba, hạn chế tối đa nguyên nhân gây ra rủi ro từ các yếu tố bên trong như con người, quy trình, hệ thống. Các chính sách quản trị nhân lực cần hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạo đức nghề nghiệp tốt; các quy trình nghiệp vụ cần được rà soát thường xuyên, hoàn thiện hóa, tránh quá cứng nhắc
và có lỗ hổng. Hệ thống công nghệ thông tin và vận hành cần được bảo dưỡng và cập nhật thường xuyên.
Thứ tư, hạn chế tối đa các nguyên nhân rủi ro từ bên ngoài. Xây dựng các phương án, đưa ra tình huống để sẵn sàng đối phó cũng như khắc phục kịp thời hậu quả do thị trường, các lỗi truyền thông gây ra. Giải pháp cơ bản cho việc đưa ra quyết định lựa chọn thay thế là: chấp nhận rủi ro hiện hữu, áp dụng các biện pháp để tránh bất kỳ hoạt động nào có thể gây ra rủi ro hoặc giảm tác động của rủi ro cũng như khả năng xảy ra chúng, chuyển tất cả hoặc một phần rủi ro cho đối tượng khác. Những biện pháp này được bổ sung liên tục nhằm hạn chế tổn thất và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp tục kinh doanh trong trường hợp không ngăn chặn được rủi ro.
Thứ năm, minh bạch hóa thông tin và các giao dịch phức tạp. Công bố thông tin có ý nghĩa và chính xác không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy kỷ luật thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu của công chúng mà còn tạo ra những động lực mạnh mẽ cho các công ty chứng khoán trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh an toàn, lành mạnh và hiệu quả, phù hợp với mục tiêu hoạt động đề ra, duy trì thực hiện quản trị rủi ro lành mạnh và kiểm soát nội bộ. Để buộc các đơn vị này thực hiện công bố thông tin chính xác và minh bạch đòi hỏi một hệ thống văn bản pháp quy thực sự chi tiết và rõ ràng nhằm hướng dẫn thực hiện công bố thông tin từ cơ quan giám sát tài chính cũng như sự trợ giúp và tạo điều kiện để hình thành được đội ngũ kiểm toán viên có chất lượng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Chương 1 trình bày tổng quan về công ty chứng khoán, rủi ro và quản trị rủi ro trong các công ty chứng khoán, qua đó tìm hiểu được đặc điểm, các nghiệp vụ cơ bản và vai trò của một công ty chứng khoán cũng như khái niệm cơ bản về rủi ro, các loại rủi ro và khái niệm, nguyên tắc, quy trình quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, chương 1 cũng đưa ra bài học kinh nghiệm từ vụ sụp đổ của Lehman Brothers và ngân hàng Barings, các bài học kinh nghiệm rút ra từ các nước trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tại SSI thời gian qua và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro của SSI ở các chương sau.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ RỦI RO TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN SÀI GÒN