• Tuổi và kích thước phát dục thành thục
Trong quá trình nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo đàn cá bố mẹ được nuôi lồng từ con giống tự nhiên của NICA (Thái Lan) thì cá thành thục, tuyển chọn cho đẻ lần đầu ở cỡ tuổi 4-5 tuổi, khối lượng 4-7 kg/con. Trong khi đó kết quả nghiên cứu tại EMDEC, đối với cá bố mẹ được nuôi trong ao đất cho đẻ lần đầu với khối lượng 3-7 kg/con, cỡ 4-7 tuổi.
Tuy nhiên tại Trung tâm Phát triển Nuôi trồng Thủy sản ven biển Phuket Thái Lan (1989-1992) cá bố mẹ được nuôi từ giống tự nhiên đã thành thục sớm hơn, ở tuổi 2+ và khối lượng là 3 kg/con [46], [74].
Pember và ctv (2002), nghiên cứu về cá hồng bạc ở Tây Australia, vùng Pilbara và Kimberley cho thấy kích thước thành thục lần đầu của cá hồng bạc tại vùng Pilbara là 461mm đối với con cái và 452mm đối với con đực. Tại vùng Kimberley, cá thành thục lần đầu có kích thước lớn hơn (cá cái có kích thước thành thục lần đầu 498mm, cá đực có kích thước thành thục lần đầu là 472mm).
Nguyễn Đình Mão, Nguyễn Địch Thanh (2007), nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cá hồng bạc (Lutjanus argentimaculatus) ở vùng biển Khánh Hòa. Tuổi thành thục cá hồng bạc là 3+. Kích thước thành thục: chiều dài và khối lượng trung bình lần lượt là 48,84±4,36cm và 2,27 ± 0,40 kg/con.
• Mùa vụ sinh sản và thời gian sinh sản của cá hồng bạc
Nghiên cứu của EMDEC (Thái Lan, 1993), mùa vụ sinh sản của cá hồng bạc được xác định dựa vào tuổi con giống trong tự nhiên. Tại hạ lưu sông Prasae thời gian con giống cỡ 1,8-2,5 cm xuất hiện nhiều nhất từ tháng 11 đến tháng 01 năm sau và tháng 5, tháng 6 ở kênh Mairoot. Sự phát triển của cá bột, cá giống trong tự nhiên thường chậm hơn so với trong điều kiện nuôi. Do đó con giống 1,8-2,5 cm khi xuất hiện ở vùng cửa sông Prasae có thể ước tính khoảng 30-50 ngày tuổi. Điều này chứng tỏ mùa vụ sinh
sản của cá hồng bạc ở vùng cửa sông Prasae là từ tháng 9 đến tháng 11 và từ tháng 3 đến tháng 4 ở kênh Mairoot.
Cũng tại EMDEC, trong điều kiện sinh sản nhân tạo bằng phương pháp tiêm hormone cho thấy cá hồng bạc có thể đẻ trứng hàng tháng, từ cuối tháng 01 đến đầu tháng 11 và đẻ nhiều hơn vào những ngày từ tháng 4 đến tháng 11 [46], [74].
Khi xem xét kết quả nghiên cứu mùa vụ thành thục tuyến sinh dục của cá hồng bạc, NICA đã đưa ra kết luận: tuyến sinh dục bắt đầu thành thục ở tháng 1 đến tháng 5, và thành thục hoàn toàn từ tháng 6 đến tháng 9 [40].
Trong khi đó theo nghiên cứu mới nhất hiện nay tại Đài Loan thì mùa vụ sinh sản từ tháng 4 đến tháng 6 [80].
Thời gian đẻ trứng của cá hồng bạc theo nghiên cứu của EMDEC, thường diễn ra vào ban đêm lúc 1-4 giờ sáng.
Pember và ctv (2002) đã nghiên cứu ở Australia, tuổi thành thục của cá hồng bạc từ 4 tuổi trở lên, cá đực và một vài cá cái thành thục ở 4 tuổi, hơn 50% số cá cái thành thục ở 6 tuổi. Mùa xuân-hè là thời điểm sinh sản của cá hồng bạc ở Tây Australia, cũng giống như báo cáo ở phía Đông Australia (Russell, 2003) và ở vùng biển Thái Lan (Doi và Singhagraiwan, 1993), mùa vụ sinh sản của cá từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau [60], [107], [111]. Cá thường đẻ vào buổi chiều hoặc tối.
Mùa vụ sinh sản của cá hồng bạc ở vùng biển Khánh Hòa là từ tháng 4 đến tháng 9. [17]
• Sức sinh sản của cá hồng bạc
Cá hồng bạc có sức sinh sản thực tế 1-2 triệu trứng/cá cái/lần đẻ. Trong điều kiện cho sinh sản nhân tạo, khi theo dõi hoạt động đẻ của cá hồng bạc dưới 2 hình thức: kích thích sinh thái và tiêm kích dục tố thì kết quả thu được rất khác nhau. Khi cho sinh sản bằng phương pháp kích thích sinh thái trong bể bê tông tại NICA, đối với cá có khối lượng từ 4-7 kg/con, cỡ 4-5 tuổi, tỷ lệ đực cái là 1,5:1,0 thì số trứng đẻ ra được 0,1 triệu trứng/1kg cá cái. Trong khi đó tại EMDEC khi cho sinh sản nhân tạo cá hồng bạc bằng phương pháp tiêm hormone, đối với cá có khối lượng từ 3-7 kg/con và 4-7 tuổi thì số trứng cá đẻ ra từ 0,15- 0,25 triệu trứng/1kg cá cái. Ở vùng biển Thái Lan, Doi và Singhagraiwan, 1993 tính toán sức sinh sản thực tế của 13 cá hồng bạc bố mẹ cỡ 46 - 67,9cm, khối lượng tương ứng 1,6-5,6kg ở vùng Pilbara là từ 0,4-2,4 triệu
Nguyễn Đình Mão, Nguyễn Địch Thanh (2007), nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cá hồng bạc tại Khánh Hòa. Hệ số thành thục của cá đực ở giai đoạn IV đạt giá trị cao nhất trong số mẫu nghiên cứu là 1,60%, trung bình: 1,25 ± 0,26%. Cá cái, hệ số thành thục ở giai đoạn II từ 0,11- 0,35%, trung bình: 0,24 ± 0,1%. Giai đoạn III từ 0,22-1,14%, trung bình: 0,56±0,3%. Ở giai đoạn IV hệ số thành thục tăng lên rõ rệt, từ 0,80-5,67%, trung bình: 2,78±1,23%. Sức sinh sản tuyệt đối dao động từ 583.209 (tuổi 4+) đến 4.857.650 (tuổi 6+) trứng/cá cái. Sức sinh sản tương đối từ 165,98 trứng/g đến 603,72 trứng/g khối lượng thân cá.