Sự cần thiết của việc làm giàu và chuyển đổi thức ăn 1 Sự cần thiết của việc làm giàu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá Hồng Bạc (Lutjanus argentimaculatus Forskal, 1775) và ảnh hưởng của thức ăn đến sinh trưởng, tỷ lệ sống ở giai đoạn cá bột, tại Nha Trang – Khánh Hòa (Trang 37 - 38)

1.3.4.1. Sự cần thiết của việc làm giàu

Để đáp ứng nhu cầu các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như a-xít amin, HUFA, vitamin…cho cá bột cá biển, người ta thường sử dụng kỹ thuật làm giàu (enrichment) để bổ sung thêm thành phần dinh dưỡng thông qua các sinh vật sống làm thức ăn như luân trùng, Artemia.

Trong sản xuất giống cá biển nhân tạo, luân trùng và Nauplius Artemia đến nay vẫn là thức ăn sống sử dụng chủ yếu; tuy nhiên, cả hai loại này đều thiếu n-3 HUFA. Vì vậy, làm giàu thức ăn sống là cần thiết trong ương nuôi cá bột cá biển [37], [54]. Kỹ thuật làm giàu đã được sử dụng từ đầu những năm 1980, các loại dầu cá biển giàu n-3HUFA đã được chú ý sử dụng để làm tăng hàm lượng DHA và EPA trong Nauplius Artemia [96]. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, mọi nỗ lực nghiên cứu về dinh dưỡng ở cá bột cá biển đều tập trung xác định hàm lượng tối ưu của n-3 HUFA bổ sung vào thức ăn sống, bao gồm cả việc xác định tỉ lệ tối ưu của DHA và EPA [111].

Với Artemia, hầu hết các dòng Artemia sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đều có EPA nhưng thiếu DHA [82], [84]. Hơn nữa, trong thành phần lipid của Nauplius Artemia có đến 60% triacylglyceride và chỉ khoảng 20% lipid phân cực [96]. Vì vậy, làm giàu Artemia bên cạnh mục đích nhằm làm tăng DHA, tăng tỉ lệ DHA:EPA còn nhằm làm tăng tỉ lệ lipid phân cực. Nghiên cứu của Kanazawa và CTV (1983) cho thấy thành phần lipid phân cực trong thức ăn có thể cải thiện sinh trưởng và tỉ lệ sống cá bột cá hanh đỏ [96], [97]. Teshima và CTV (1987) cho rằng có thể lipid phân cực đẩy nhanh quá trình tiêu hóa lipid như triacylglyceride trong đường tiêu hóa nguyên thủy của cá bột cá biển, hoặc cá bột cá biển có khả năng rất hạn chế trong việc tổng

hợp các lipid phân cực, thành phần quan trọng trong việc vận chuyển lipid [82]. Koven và CTV (1993) chứng minh Lecithin làm tăng sự liên kết của a-xít oleic (C18:1n-9) trong lipid ở mô, nhất là trong thành phần lipid phân cực. Các tác giả cho rằng ở cá bột cá biển khi mà hàm lượng muối mật chưa đủ, lipid phân cực có vai trò nhũ hóa [96]. Với luân trùng, thành phần a-xít béo có trong phospholipid của luân trùng phụ thuộc nhiều vào thức ăn chúng ăn vào. Luân trùng có khả năng tổng hợp các PUFA như 18:2 và 20:2 từ 18:1. Tuy nhiên, khi được nuôi bằng men bánh mì, loại thức ăn thường được sử dụng nuôi luân trùng chứa chủ yếu là các loại a-xít béo 16:1 và 18:1 nhưng thiếu 18:3 và các a-xít béo no hoặc chưa no mạch dài hơn, luân trùng có hàm lượng tương đối lớn các a-xít béo 18:1 và 16:1, có hàm lượng đáng kể các a-xít béo 18:2 và 20:2 nhưng có hàm lượng rất thấp các a-xít béo C20 và C22 [94]. Để bổ sung n-3HUFA cho cá bột cá biển, luân trùng thường được làm giàu bằng các chất giàu n-3 HUFA như các nhũ tương làm từ dầu cá, các thức ăn tổng hợp có sẵn trên thị trường, hoặc từ các loài vi tảo đã được chọn lựa, trước khi cho cá bột cá biển ăn. [37], [105], [106].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá Hồng Bạc (Lutjanus argentimaculatus Forskal, 1775) và ảnh hưởng của thức ăn đến sinh trưởng, tỷ lệ sống ở giai đoạn cá bột, tại Nha Trang – Khánh Hòa (Trang 37 - 38)