bột cá biển và cá bột cá hồng bạc
Các HUFA như ARA, EPA, DHA tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của tế bào, sự hoạt động của các ezyme ở màng và quá trình tổng hợp các eicosanoid [113]. Ấu trùng cá khi bị đói, ARA và DHA là hai a-xít béo luôn được duy trì hàm lượng trong cơ thể [89]. Từ vai trò quan trọng của các n-3HUFA như EPA - C20:5n-3, DHA - C22:6n-3, từ lâu các n-3HUFA này đã được biết đến là thành phần dinh dưỡng cần thiết và đã có nhiều nghiên cứu các giải pháp làm tăng cao hàm lượng của chúng trong thức ăn sống khi ương nuôi cá bột cá biển [45], [54], [106], [107], [109], [113], [125], [126]. Tuy nhiên, cho đến gần cuối những năm 1990, các nghiên cứu chủ yếu nhấn mạnh đến vai trò của n-3HUFA, ít chú ý vai trò của a-xít arachidonic (20:4n-6) cũng là một a-xít béo cần có trong thức ăn. Đồng thời vai trò của các a-xít béo no và chưa no 1 nối đôi cũng là nguồn năng lượng chính trong chất dinh dưỡng mà cá hấp thụ được [112].
Từ cuối những năm 1990 đến nay, các nghiên cứu chú ý nhiều hơn đến hàm lượng và tỉ lệ tối ưu của cả 3 loại HUFA là DHA - 22:6n-3, EPA - 20:5n-3 và ARA - 20:4n-6 [111], thay đổi quan điểm khi xét đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng, nhấn mạnh sự cần thiết của ARA trong thức ăn của cá biển, xem xét sự cần thiết của HUFA trong sự cân bằng chung với các a-xít béo chưa no nhiều nối đôi (PUFA), a-xít béo chưa no một nối đôi (MUFA) và a-xít béo no (SFA) khác [110], [111].
Xét riêng về tầm quan trọng từng loại HUFA ở cá bột cá biển, nếu thiếu DHA (22:6n-3) trong thức ăn, cá bột cá biển thường sinh trưởng kém, tỉ lệ chết cao, nhạy cảm với sốc và bệnh [64], hạn chế đáng kể sự phát triển của thần kinh và thị giác, nếu không cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các quá trình sinh lý và tập tính
[111]. Các nghiên cứu của Kanazawa và CTV (1981), Kanazawa (1993), Reitan (1994); McEvoyvà CTV (1998), đã ghi nhận sự bất thường trong quá trình hình thành sắc tố xảy ra ở cá bột cá các loài cá bơn nuôi như cá bơn Nhật Bản, cá turbot, cá halibut có thể giải quyết bằng cách tăng cường hàm lượng 22:6n-3 trong thức ăn sống cho cá bột [45], [111]. Thức ăn có hàm lượng cao DHA tăng cao khả năng chịu sốc nhiệt độ, sốc độ mặn, và hàm lượng thấp của Oxy hòa tan ở cá bột cá hanh đỏ (Pagrus major) [86] và cá bột cá bơn Nhật Bản [122], tăng cao sức sống ở cá bột cá chẽm (Lates calcarifer) [59]. Cá bột cá tuyết (Gadus morhua) giai đoạn cho ăn luân trùng làm giàu (đến 25 ngày tuổi) sinh trưởng tốt hơn khi luân trùng có hàm lượng DHA cao, và ở giai đoạn cho ăn Artemia làm giàu (đến 51 ngày tuổi), có một mối quan hệ thuận giữa tỉ lệ sống và hàm lượng DHA trong cá bột cá tuyết [40]. Cá bột cá kèn sọc (Latris lineata) nếu cho ăn thức ăn có hàm lượng DHA thấp, biểu hiện bơi lội không bình thường, chất lượng cá bột kém, cá bột cho ăn luân trùng làm giàu có hàm lượng DHA 8mg/g khô đã giảm đáng kể tỉ lệ cá bột bị sốc khi vớt, hàm lượng thích hợp cho cá bột cá kèn sọc: tối thiểu đạt 13 mg DHA/g khô luân trùng. Ở giai đoạn hậu cá bột (16-36 ngày tuổi), sự sinh trưởng của cá bột cá kèn sọc có liên quan trực tiếp với hàm lượng DHA trong Artemia làm giàu, và hàm lượng DHA trong Artemia đạt 20,8 mg/g khô có thể thúc đẩy sự sinh trưởng gần đạt mức cao nhất.
Về ảnh hưởng của EPA và ARA đến cá bột cá biển, một số ghi nhận từ các loài cá khác nhau: Ấu trùng cá bơn Nhật Bản hình thành sắc tố tốt hơn nếu được cho ăn thức ăn làm giàu với hàm lượng ARA thấp, nhưng nếu hàm lượng ARA cao thì tỉ lệ cá hình thành sắc tố không bình thường càng lớn. Nói cách khác, làm giàu với hàm lượng thấp ARA có thể tốt cho quá trình hình thành sắc tố [44]. Nghiên cứu của Koven và CTV (2001) trên cá bột cá tráp (Sparus aurata) cho thấy tỉ lệ sống, khả năng chịu sốc của cá bột tốt hơn khi được cho ăn thức ăn làm giàu có n-6HUFA gồm ARA (C20:4n- 6) và DPA (C22:5n-6), trong đó ARA có tác dụng tốt hơn [89]. ARA cũng ảnh hưởng tăng tốc độ sinh trưởng ở cá bột cá tuyết (Gadus morhua) giai đoạn cho ăn luân trùng và tỉ lệ sống ở giai đoạn cho ăn Artemia [55].
Về tỉ lệ các HUFA, tỉ lệ thích hợp nhất cho cá bột cá chẽm châu Âu (Dicentrachus labrax) DHA:EPA là 2:1; EPA:ARA là 1:1. Tuy nhiên, đối với cá bột cá turbot và halibut, tỉ lệ DHA:EPA tối ưu cũng 2:1 nhưng EPA:ARA khoảng 10:1
HUFA, có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cá bột cá biển không cần qua làm giàu, tỉ lệ DHA:EPA:ARA được xác định: 2:1:0,17 ở Eurytemora velox; 2,2:1:0,15 ở Tisbe furcata và 4,5:1:0,11 ở loài Acartia tonsa [109].
Tuy nhiên trong thực tế lượng Copepoda nuôi trong bể xi măng không đủ cung cấp cho ấu trùng cá biển. Nếu muốn sử dụng Copepoda làm thức ăn, thì tiến hành ương cá bột cá biển trong ao đất hoặc vớt Copepoda từ ao đất cung cấp cho bể ương nuôi cá bột. Vấn đề hạn chế khi sử dụng Copepoda từ ao làm thức ăn là khó khống chế mầm bệnh xâm nhập, dẫn đến cá thường bị mắc bệnh.