Kinh nghiệm và trải nghiệm

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Dạy học theo tiếp cận trải nghiệm trong đào tạo nghề Cắt gọt kim loại trình độ cao đẳng (Trang 38 - 39)

10. Khung cấu trúc của luận án

1.2.1. Kinh nghiệm và trải nghiệm

Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (2003), Kinh nghiệm là “Điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải” [33, tr. 529]; Trải nghiệm là “trải qua, kinh qua” [33, tr. 1020].

Trong Tiếng Anh, thuật ngữ ‘Kinh nghiệm’ và ‘Trải nghiệm’ đều là ‘Experience’. Khi là một danh từ, ‘Experience’ được hiểu là ‘Kinh nghiệm’, và khi là một động từ, ‘Experience’ được hiểu là ‘Trải nghiệm’. Theo Từ điển Tiếng Anh Oxford Online, kinh nghiệm được hiểu ở ba ý nghĩa, thứ nhất nó là “các kiến thức và kĩ năng mà con người đã đạt được khi làm việc gì đó trong một khoảng thời gian”, thứ hai, nó là “các sự kiện hoặc kiến thức được chia sẻ bởi tất cả các thành viên của một nhóm cụ thể trong xã hội”, và thứ ba, nó là “những điều đã xảy ra với con người ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của họ”. Cũng theo Từ điển Tiếng Anh Oxford Online, trải nghiệm được hiểu ở hai ý nghĩa, thứ nhất, nó là “trải qua điều gì đó để hiểu một tình huống cụ thể ảnh hưởng đến bạn hoặc xảy ra với bạn”, thứ hai, nó là “trải qua điều gì đó để có hoặc nhận thức một cảm xúc cụ thể hoặc cảm giác vật lí”.

Như vậy, bản chất của kinh nghiệm là kết quả của việc tham gia hành động hoặc tiếp xúc trực tiếp với điều gì đó. Các đặc trưng chính của kinh nghiệm gồm: i) các kiến thức và kĩ năng mà con người đã đạt được khi làm điều gì đó; ii) được chia sẻ bởi các thành viên của một nhóm cụ thể trong xã hội (tức là tiếp xúc nghe, nhìn, thảo luận); và iii) ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của họ. Đến đây, chúng ta có thể định nghĩa: Kinh nghiệm là những kiến thức và kĩ năng mà con người có được khi tham gia hành động trực tiếp hoặc được chia sẻ bởi các thành viên của một nhóm cụ thể trong xã hội; tất cả những kết quả đó ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của họ.

Trong khi đó, bản chất của trải nghiệm là quá trình tham gia hành động hoặc tiếp xúc trực tiếp với sự vật hiện tượng. Các đặc trưng chính của trải nghiệm gồm: i)

quá trình trải qua (hay làm, hành động) một điều gì đó có ý nghĩa hoặc xảy ra với bản thân; ii) hiểu (hay nghiệm ra, ngẫm lại) ý nghĩa của một tình huống cụ thể hoặc một cảm xúc cụ thể. Đến đây, chúng ta có thể định nghĩa: Trải nghiệm là quá trình trải qua (làm, hành động) một điều gì đó và nghiệm ra (xem, ngẫm) ý nghĩa của một tình huống cụ thể hoặc một cảm xúc cụ thể.

Mục đích chính của đào tạo nghề là đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo [34]. Vì vậy trong luận án này, tác giả nghiên cứu sẽ giải thích rõ hơn hai khái niệm trải nghiệm và kinh nghiệm dưới phương diện đào tạo nghề Cắt gọt kim loại. Cụ thể như sau:

- Kinh nghiệm là các năng lực hành nghề bao gồm kiếm thức và kĩ năng nghề nghiệp mà người học có được trong quá trình đào tạo nghề Cắt gọt kim loại khi được tham gia trực tiếp trong thực hành nghề nghiệp hoặc được chia sẻ bởi các thành viên của lớp/ nhóm.

- Trải nghiệm là một quá trình tham gia thực hành nghề và nghiệm ra những ý nghĩa của các nhiệm vụ/ công việc nghề nghiệp Cắt gọt kim loại, trong đó cá nhân sử dụng vốn kinh nghiệm đã có để tương tác với các nhiệm vụ nghề nghiệp và những thông tin thu được sẽ phản ánh trở lại bộ não tạo nên những hiểu biết mới/ kinh nghiệm mới về nhiệm vụ nghề nghiệp đó. Những kinh nghiệm mới này giúp cá nhân hình thành những ý tưởng mới cho những lần trải nghiệm trong tương lai.

Như vậy, cũng giống như mọi khái niệm “quá trình” khác, trải nghiệm cũng bao gồm ba yếu tố là: (1) đầu vào, (2) diễn biến, và (3) kết quả. Trong đó, kinh nghiệm đã có là vật liệu đầu vào của trải nghiệm, các hoạt động làm và ngẫm để sửa đổi kinh nghiệm là diễn biến của trải nghiệm, sau đó người học đúc rút ra một kinh nghiệm mới chính là kết quả của trải nghiệm.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Dạy học theo tiếp cận trải nghiệm trong đào tạo nghề Cắt gọt kim loại trình độ cao đẳng (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)