Lịch sử hình thành thành phố Hội An

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ PHÁT TRIỂN sản PHẨM DU LỊCH THÀNH PHỐ hội AN (Trang 39 - 42)

Do có đặc điểm địa lý thuận lợi nên từ 3.000 năm trước, trên vùng đất Hội An ngày nay đã xuất hiện những lớp cư dân đầu tiên. Qua kết qủa nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện nhiều loại hình mộ chum cùng những công cụ sản xuất, công cụ sinh hoạt, đồ trang sức tuyệt xảo bằng đá, gốm, thủy tinh, kim loại, tiền đồng, những hiện vật sắt, đồ trang sức với kỹ thuật chế tác tinh luyện cho phép khẳng định chiều dài tồn tại và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh muộn, đỉnh cao của thời kỳ tiền - sơ sử (từ thế kỷ thứ II trở về trước).

Đặc biệt, tại các hố khai quật các di chỉ ở Hội An thuộc thời kỳ này đã phát hiện được hai loại tiền đồng Ngũ Thù, Vương Mãng thời Hán, gốm và những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, hiện vật đồng mang dáng dấp văn hóa Đông Sơn (phía Bắc), những hiện vật mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Óc Eo (phía Nam), hoặc đồ trang sức với công nghệ chế tác tinh luyện có nguồn gốc Ấn Độ, Trung Quốc… chứng minh cư dân Hội An thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh đã có sự giao lưu rộng rãi với bên ngoài. Điều này cũng cho phép khẳng định đầu công nguyên đã có nền ngoại thương manh nha hình thành ở Hội An.

Dưới thời vương quốc Champa (thế kỷ thứ II đến thế kỷ XIV) vùng đất Hội An lúc bấy giờ có tên gọi là Lâm Ấp phố. Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại) và Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm) trở thành điểm dừng chân quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế. Lâm Ấp phố là một thương cảng phát triển, thu hút nhiều thuyền buôn Ả rập, Ba Tư, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu lúc bấy giờ là tơ tằm, ngọc trai, đồi mồi, vàng, trầm hương, nước ngọt...Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời kỳ khá dài, Chiêm cảng Lâm Ấp phố đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và trung tâm tôn giáo- tín ngưỡng Mỹ Sơn.

Với những phế tích nền móng kiến trúc Chăm, những giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm (tượng Vũ Công Thiên Tiên Gandhara, tượng Nam thần Tài lộc Kubera, tượng Voi thần...) cùng những mảnh gốm- sứ Trung Quốc, Đại Việt, Trung Cận Đông thế kỷ II - XIV và đồ trang sức, những mảnh vật dụng bằng thủy tinh màu nổi tiếng của vùng Trung cận Đông, Nam Ấn Độ được phát hiện càng làm sáng tỏ giả thuyết từng có một Lâm Ấp phố (thời Champa) trước Hội An (thời Đại Việt), từng tồn tại một Chiêm cảng với nền mậu dịch hàng hải phát triển phồn thịnh. Đầu thế kỷ thứ XIV, sau sự kiện vua Chiêm Thành là Chế Mân cắt hai châu Ô và Lý để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của thượng hoàng Trần Nhân Tông, biên giới phía Nam của nước Đại Việt đã đến bờ Bắc sông Thu Bồn. Đầu thế kỷ XV, nhà Hồ (Hồ Hán Thương) tiếp tục mở rộng bờ cõi đến cả Chiêm Động, Cổ Lũy (tương ứng vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay), chia vùng đất mới thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh 4 châu, cử An phủ sứ lộ trông coi việc bình định và khai khẩn. Chiến lược di dân từ các vùng phía Bắc đã được các triều đại phong kiến Đại Việt trong thời kỳ này sơ khởi đã phải gián đoạn; phần thì do sự tranh chấp, thôn tính xảy ra liên miên giữa hai nước Việt - Chiêm, phần thì do quân Minh xâm lược đặt ách đô hộ nước ta.

Cho đến giữa thế kỷ XV, năm 1471, đại binh "Nam tiến bình Chiêm" của vua Lê Thánh Tông kéo vào triệt hạ kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành, đặt ra Đạo thừa tuyên Quảng Nam, bắt đầu cho sự hiện diện chính thức của người Việt ở miền Trung. Tuy nhiên, phải đến thời các chúa Nguyễn vào trấn thủ vùng Thuận Hóa- Quảng Nam thì sự nghiệp khai phá đất Đàng Trong thật sự bước vào thời cao điểm.

Khởi phát từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng quyết tâm rời bỏ vùng đất bản hộ của họ Nguyễn ở Thanh Hóa để tiến về phương Nam, thoát khỏi ách kiềm tỏa của vua Lê - chúa Trịnh, thực hiện kế sách tạo dựng một khu vực quản chế độc lập, phát triển lâu dài, dựa vào ưu thế của vùng đất “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Cả vùng đất rộng lớn từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông mới trở nên ổn định và thu hút đông đảo nhân dân ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ vào khai hoang lập làng, xây dựng cuộc sống mới. Một bộ phận cư dân Việt phát tích từ các

vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã dừng bước lưu dân, an cư lạc nghiệp, dựng làng lập phố bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng.

Để thu phục nhân tâm, có đủ sức đương đầu với thế lực hùng mạnh của chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, Nguyễn Hoàng đã ban hành và thực thi hàng loạt các chính sách tích cực, xây dựng và củng cố uy lực của một thể chế chính quyền mới như khuyến khích khai hoang, trọng dụng người tài, xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu…Đến thời các chúa Nguyễn kế nghiệp sau đó ở Đàng Trong là thời kỳ phát triển rất mạnh của nền công nghiệp hàng hải mậu dịch quốc tế và là thời đại hoàng kim của hệ thống thương mại Đông Á. Cùng với tài thao lược của các chúa Nguyễn đương thời; cộng đồng cư dân Hội An - xứ Quảng đã biết phát huy tính cần cù, trí thông minh, óc sáng tạo để xây dựng nên phố thị, làng quê ngày càng thêm trù phú.

Từ giữa thế kỷ XVI, các “Chiêm cảng” ở miền Trung vốn có truyền thống từ thời đại Champa được tái sinh. Do có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng của một xứ Quảng giàu tài nguyên, dồi dào đặc sản, nguồn nhân lực tràn đầy sinh khí, chính sách ngoại kiều và ngoại thương khôn khéo, thoáng mở…nên cảng thị Hội An đã tạo nên một hấp lực lớn, thu hút nhiều thuyền buôn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm…tấp nập đến giao thương.

Từ một “Chiêm cảng” bị suy tàn, Hội An mau chóng phục hưng và trở thành trung tâm thương mại quốc tế phát triển thịnh đạt bậc nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Hội An giữ vai trò trung tâm điều phối cho các thương cảng miền Trung như Thanh Hà (Huế), Thị Nại (Bình Định) và cùng với các cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên…trở thành những thương cảng trọng yếu ở Đàng Trong. Không những thế, với vai trò là trung tâm liên vùng, Hội An đã cùng với Goa (Ấn Độ), Ayuthaya (Siam), Malacca (Malaysia), Batavia (Indonesia), Lyzon (Philippin)…nối kết với Formosa (Đài Loan), Macao, Hạ Môn (Trung Quốc), Pusan (Hàn Quốc) tạo nên một hệ thống thương mại hoàn chỉnh của châu Á.

Từ cuối thế kỷ XIX, do nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần, nhường vị thế trung tâm thương mại quốc tế cho “cảng thị cơ khí” Đà Nẵng. Tuy nhiên, Hội An vẫn là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Quảng Nam.

Dưới thời Pháp thuộc, Đà Nẵng là đất “nhượng địa”, còn Quảng Nam trở thành đất “bảo hộ”. Bên cạnh chính quyền Nam triều còn có chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp cai trị, mà đứng đầu là công sứ Pháp kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng tỉnh Quảng Nam, đóng tòa sứ tại Hội An cùng các cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền bảo hộ. Trong các thời kỳ kháng chiến, thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ đều chọn Hội An làm tỉnh lỵ, đặt nhiều cơ quan đầu não chính trị, quân sự của Quảng Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, Hội An là thị xã thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa IX, kỳ họp thứ 10, phê chuẩn việc tách Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1997. Hội An là thị xã trực thuộc tỉnh Quảng Nam.

Ngày 03/4/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 602/QĐ-BXD công nhận Hội An là Đô thị loại III. Ngày 29/01/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/NĐ-CP thành lập Thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Hội An.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ PHÁT TRIỂN sản PHẨM DU LỊCH THÀNH PHỐ hội AN (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(109 trang)
w