Trước đây, làng nghề truyền thống Thanh Hà vốn đan xen giữa hoạt động làm gốm và sản xuất gạch ngói. Từ năm 2012, làng nghề chỉ còn giữ lại nghề gốm, nhờ đó cảnh quan môi trường được cải thiện. Cùng với đó, nhiều hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề được xúc tiến như nâng cấp đường sá, xây kè bảo vệ làng, xây cống rãnh thoát nước, vỉa hè, tạo vệt cây xanh… đã tạo đà cho phát triển du lịch.
Ngày nay, làng gốm độc đáo này đã được xây dựng thành Công viên - Bảo tàng Đất nung Thanh Hà, nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm gốm được chế tác bằng đất nung độc đáo. Từng chi tiết nhỏ ở đây như được thổi hồn bởi các nghệ nhân làng gốm và đất nung. Bước vào nơi này có lẽ ai cũng ngỡ ngàng mà lặng người nhìn ngắm, không gian như được hòa quyện bởi nhiều màu sắc, một sự pha trộn giữa lửa và nước đầy độc đáo
Bình quân hằng năm, lượng khách đến tham quan làng gốm Thanh Hà tăng đáng kể, trên 300.000 lượt khách/năm, doanh thu đạt từ 7 – 10 tỷ đồng (riêng năm 2018 tăng lên 16,5 tỷ đồng), trong đó doanh thu từ hoạt động sản xuất gốm chiếm 50%. Lao động làng nghề không chỉ có thu nhập từ bán sản phẩm mà còn tăng thêm từ hoạt động trình diễn nghề, nguồn trích lại từ doanh thu bán vé tham quan…
Theo ý kiến các nhà nghiên cứu, các làng nghề truyền thống được đánh giá là một sản phẩm du lịch thu hút đông du khách là nhờ đã cung cấp cho họ những kiến thức sống động về hoạt động công nghiệp thời xa xưa ở những vùng quê yên tĩnh hiền hoà mà các nước công nghiệp phát triển không dễ tìm thấy được cũng như về sự lạ lùng độc đáo của các sản phẩm, của quy trình sản xuất từ đôi tay khéo léo mà những người lao động bình thường tại chỗ tạo ra. Năm 2018, thành phố Hội An tổ chức sự kiện “Festival Gốm Thanh Hà - Hội An" nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho thành phố. Festival thu hút gần 30 nghệ nhân đến từ 9 làng nghề gốm đỏ và sành trên toàn quốc, gần 30 nghệ sĩ là các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng với nhiều hoạt động phong phú.
Du khách đến với làng gốm được chiêm ngưỡng những tác phẩm tạo hình từ đất sét với bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nơi đây tạo ra những tác phẩm độc đáo từng đất nung như: 12 con giáp, lồng đèn làm bằng đất nung, biểu tượng chùa cầu, những biểu tượng kỳ quang của thế giới đến những vật dụng thông thường, mang tính trang trí cao. Ngoài ra du khách còn trải nghiệm tự tay mình làm ra sản phẩm từ đất nung dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân, tạo cho du khách một trải nhiệm hết sức thú vị khi đến tham quan làng gốm Thanh Hà.