Năm 2004 thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo do Liên hiệp quốc tài trợ, Kim Bồng là làng nghề đầu tiên của Hội An được hưởng lợi từ một dự án du lịch cộng đồng. Cùng với chương trình hỗ trợ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Thành phố Hội An đã đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại làng mộc Kim Bồng. Hợp tác xã Dịch vụ và du lịch Kim Bồng gồm 23 xã viên cũng được thành lập nhằm điều hành hoạt động du lịch, dịch vụ.
Trong giai đoạn đầu, làng mộc Kim Bồng trở thành kiểu mẫu của mô hình du lịch cộng đồng với lượng khách đến tham quan trải nghiệm luôn cao. Riêng giai đoạn 2007 – 2010 tốc độ phát triển du lịch của làng tăng bình quân hàng năm hơn 104%, từ 22.843 lượt khách (năm 2007) lên 33.428 khách (năm 2008), dù đến năm 2010 khách có sụt giảm nhưng vẫn đạt con số 27.196 lượt. Ngoài sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương trong việc lập kế hoạch và quản lý thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đều được đầu tư khá đồng bộ. Bên cạnh đó, sự độc đáo của các sản phẩm du lịch mang đậm giá trị văn hóa làng nghề như trình diễn nghề mộc, tour xe đạp “Một thoáng Kim Bồng”… do lần đầu xuất hiện nên thu hút khá đông khách. Công tác quảng bá, xúc tiến được thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là việc xây dựng được mối quan hệ đối tác giữa HTX với các công ty lữ hành, khách sạn đã giúp làng duy trì được lượng khách ổn định nhiều năm. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2011 – 2013, số lượng khách đến bỗng sụt giảm mạnh (từ trên 28.000 lượt khách vào năm 2011
xuống chỉ còn gần 1.400 khách vào năm 2013), hoạt động của HTX Dịch vụ và du lịch Kim Bồng dần ngưng trệ. Nguyên nhân chính là Ban chủ nhiệm HTX hoạt động không hiệu quả, bộ máy thiếu liên kết, nhân lực yếu, chính sách phân phối nguồn thu không kích thích sự tham gia của tập thể lãnh đạo và xã viên, nhất là sự phân chia lợi nhuận giữa thành viên và xã viên không công bằng; sản phẩm làng nghề chưa đa dạng, thiếu chăm chuốt… Có thể nói, thời điểm này du lịch làng mộc Kim Bồng đã giảm sút về quy mô và năng lực sản xuất, hoạt động du lịch chỉ còn cầm chừng và bế tắc.
Hiện nay làng mộc Kim Bồng còn khoảng 29 cơ sở sản xuất với gần 100 lao động; trong đó có 60 lao động nghề mộc đang làm nghề trong 12 cơ sở tại trung tâm làng nghề. Hoạt động du lịch cũng không khá hơn, lượng khách giảm dần qua từng năm, từ hơn 111 nghìn lượt khách năm 2015 giảm còn 41 nghìn lượt khách năm 2018. Và 15 nghìn lượt khách 2019.