Nhận biết nợ xấu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn công thương chi nhánh bạc liêu (Trang 30 - 33)

Bước đầu tiên trong tiến trình quản lý nợ xấu ngân hàng là nhận dạng nợ xấu. Theo đó ngân hàng sẽ căn cứ vào một số tiêu thức nhất định để nhận diện hoặc để xác định khoản nợ đó có phải là nợ xấu hay không. Nợ xấu không chỉ được nhận diện sau khi đã phát sinh theo quy định mà còn được nhận dạng dưới hình thức rủi ro tiềm ẩn, chưa trễ hạn nhưng có dấu hiệu chứng tỏ rằng khả năng trả nợ của khoản vay là đáng nghi ngờ.

Việc nhận dạng nợ xấu bao gồm các công việc theo dõi, nghiên cứu môi trường hoạt động và toàn bộ mọi hoạt động của ngân hàng nhằm thống kê được tất cả các rủi ro dẫn đến nợ xấu, không chỉ những rủi ro đã xảy ra mà còn dự báo được những dạng rủi ro mới có thể xuất hiện. Đây là một quá trình liên tục và có tính hệ thống bằng cách ngân hàng phân tích khách hàng, môi trường kinh doanh, đặc thù sản phẩm, dịch vụ và quy trình nghiệp vụ. Để từ đó, đề xuất các giải pháp kiểm soát và tài trợ rủi ro thích hợp. Để nhận diện nợ xấu thường căn cứ vào các dấu hiệu như:

Ø Nhóm các dấu hiệu liên quan đến nghĩa vụ với ngân hàng

Khách hàng thường xuyên chậm thanh toán nợ vay định kỳ theo lịch cho ngân hàng. Việc khách hàng chậm thanh toán nợ vay là dấu hiệu rất cụ thể cho thấy tình hình tài chính của khách hàng đang gặp nhiều khó khăn. Có thể do không tiêu thụ được hàng hóa hoặc công nợ phải thu khó thu hồi. Vì vậy, cần trực tiếp trao đổi với khách hàng, thẩm định thực tế tình hình kinh doanh, hiệu quả kinh doanh của khách hàng để tìm ra biện pháp xử lý phù hợp. Khách hàng thường yêu cầu ngân hàng cơ cấu hay gia hạn nợ.

Việc cung cấp thông tin về tình hình tài chính của khách hàng định kỳ (báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo lưu chuyển tiền tệ) không được thực hiện kịp lúc theo yêu cầu của ngân hàng. Các số liệu về tình hình tài chính của khách hàng không được kê khai chính xác.

Tài sản đảm bảo của khách hàng bị giảm sút giá trị và không đủ đảm bảo nghĩa vụ dư nợ vay. Hoặc khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng về những tài sản bảo đảm trong thời gian vay vốn.

Ø Dấu hiệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của khách hàng

Tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng gặp vấn đề, hàng tồn kho tăng tăng cao, vòng quay hàng tồn kho chậm. Ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp gia tăng tồn kho để đẩy mạnh bán hàng theo kế hoạch phát triển kinh doanh, mở rộng quy mô vì tình hình kinh doanh tốt, việc hàng tồn kho tăng cao có thể do khách hàng không có chính sách bán hàng tốt hoặc giam trữ hàng hóa, đầu cơ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi có giá cả hàng hóa diễn biến theo chiều hướng bất lợi.

Xuất hiện nhiều các khoản phải thu bất thường, tiềm ẩn rủi ro phát sinh các khoản phải thu khó đòi. Việc đánh giá chất lượng các khoản nợ phải thu của khách hàng hết sức quan trọng, nếu việc gia tăng các khoản phải thu của khách hàng có nhiều khoản nợ phải thu tồn tại trong thời gian dài cho thấy chất lượng nợ kém, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của khách hàng. Ngoài ra, nếu các khoản nợ tập trung chủ yếu vào một vài khách hàng lớn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Kết quả hoạt động kinh doanh của khách hàng bị suy giảm, biểu hiện thông qua chỉ tiêu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của khách hàng vay vốn thấp hơn mức lợi nhuận bình quân của ngành. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của khách hàng kém hiệu quả, khả năng cạnh tranh của khách hàng thấp, khó có khả năng đứng vững trên thị trường.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của khách hàng thể hiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của khách hàng bị âm. Trong trường hợp này cán bộ tín dụng phải tìm hiểu xem, nếu khách hàng đang cần phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô hay nới lỏng chính sách bán hàng để chiếm lĩnh thị phần dẫn đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm trong một khoảng thời gian nhất định thì có thể chấp nhận được hoặc đây là chiến lược của doanh nghiệp trong việc thâm nhập thị trường mới. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đã hoạt động lâu dài, ổn định mà dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm cho thấy khách hàng có thể đang gặp khó khăn trong

việc tiêu thụ sản phẩm, chính sách bán hàng kém hiệu quả, cạnh tranh yếu.

Khách hàng hoạt động thua lỗ thể hiện thông qua các thông số tài chính như chỉ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản của người vay (ROA), lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE), hay thu nhập sau thuế (EAT).

Thị giá cổ phiếu trên thị trường có những thay đổi bất thường có thể rõ nguyên nhân hoặc chưa rõ nguyên nhân nhưng những thay đổi này theo chiều hướng không có lợi cho doanh nghiệp vay vốn.

Những thay đổi bất lợi trong cơ cấu vốn của khách hàng như tỷ lệ phải trả trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản và khả năng thanh toán nhanh và thanh toán tức thời của khách hàng.

Ø Dấu hiệu liên quan đến khía cạnh phi tài chính từ phía khách hàng

Cơ cấu tổ chức bộ máy của doanh nghiệp có những thay đổi ảnh hưởng đến hoạt động quản lý điều hành kinh doanh. Có thể xuất phát từ nguyên nhân do mâu thuẫn trong nội bộ ban lãnh đạo, tranh chấp trong quá trình quản lý.

Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới không đúng chuyên môn của ban điều hành, kinh nghiệm kinh doanh trong ngành mới của bán lãnh đạo không có hoặc ít có kinh nghiệm. Đây là một trong những nguyên nhân rất phổ biến trong giai đoạn hiện nay đối với các doanh nghiệp nợ xấu tại các ngân hàng mà lĩnh vực chủ yếu là đầu tư trái ngành vào bất động sản.

Sự thay đổi cơ chế, chính sách của cơ quan ban ngành ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh của khách hàng. Các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến ngành nghề kinh doanh của khách hàng thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của khách hàng và khả năng thanh toán nợ vay cho ngân hàng.

Khách hàng thiếu thiện chí trong việc thực hiện các nghĩa vụ đối với ngân hàng như cung cấp thông tin, thanh toán các khoản nợ vay đến hạn hoặc cam kết chuyển doanh thu về tài khoản mở tại ngân hàng… Vì vậy, một khi khách hàng có dấu hiệu thiếu hợp tác hoặc các thông tin cung cấp chưa đầy đủ, kịp thời, độ tin cậy thấp cũng là một trong các dấu hiệu quan trọng cảnh báo rủi ro cho khoản nợ vay.

Tóm lại, để nhận diện nợ xấu, nhà quản trị ngân hàng phải tìm ra được các nguyên nhân dẫn đến nợ xấu đã, đang và sẽ có thể phát sinh đối với ngân hàng. Có rất nhiều cách thức để nhận diện rủi ro nợ xấu như đã trình bày ở trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn công thương chi nhánh bạc liêu (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)