Đối với những khó khăn, thách thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín dụng phát triển kinh tế vườn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh bến tre (Trang 75 - 80)

2.5. Đánh giá hoạt động tín dụng đối với phát triển kinh tế vƣờn của

2.5.3.2. Đối với những khó khăn, thách thức

Có nhiều nguyên nhân tác động làm cho hoạt động tín dụng của Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre thời gian qua chưa đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng. Dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu:

 Về phía ngân hàng:

Một là, nhận thức về cạnh tranh và hội nhập. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên của Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre về vấn đề này, tuy nhiên việc nhận thức về cạnh tranh và hội nhập trong hoạt động ngân hàng ở một số cán bộ, nhân viên còn mơ hồ, vì thế chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong công việc, quan hệ với khách hàng còn mang nặng tư tưởng “xin cho” như trước đây. Điều này gây không ít khó khăn trong hoạt động của ngân hàng nói chung và trong đầu tư tín dụng phát triển kinh tế vườn nói riêng.

Hai là, chất lượng nguồn nhân lực. Một bộ phận cán bộ tín dụng thiếu và yếu những kiến thức về sản xuất nông nghiệp; không am hiểu đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh có liên quan, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Việc phổ biến những vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách, hồ sơ thủ tục, tư vấn cho khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng,... có hiệu quả còn hạn chế. Cũng từ đó mà ảnh hưởng đến việc phát triển tín dụng của Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre.

Ba là, tình trạng quá tải của cán bộ tín dụng. Tính đến cuối năm 2014, số lượng cán bộ tín dụng tại Chi nhánh là 183 người (chiếm tỷ lệ 38,28%% trong tổng số cán bộ nhân viên). Trung bình mỗi cán bộ tín dụng quản lý 481 khách hàng với dư nợ bình quân là 38,3 tỷ đồng, bình quân một khoản vay là 79,60 triệu đồng. Với số lượng khách hàng như vậy nhưng món vay lại nhỏ lẻ nên cán bộ tín dụng gặp không ít khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý các món vay.

Bốn là, chưa có cơ chế thưởng, phạt thỏa đáng đối với cán bộ làm công tác tín dụng nông thôn. Đầu tư tín dụng cho phát triển kinh tế vườn phát sinh chi phí cao vì số tiền vay thường nhỏ lẻ, cán bộ tín dụng phải quản lý một lượng khách hàng lớn, hoạt động trồng trọt thường xuyên gặp rủi ro nên dễ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, thi đua của cá nhân nên có lúc, có nơi ngại mở rộng tín dụng hoặc giảm sút tính năng động, tích cực trong cho vay lĩnh vực này.

Năm là, hoạt động marketing còn bộc lộ nhiều yếu kém. Hoạt động marketing đã được Agribank quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tính chất, đặc điểm kinh doanh của Chi nhánh. Chủ yếu vẫn là các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, hoặc đáp ứng nhu cầu của người thành thị, của doanh nghiệp, của cơ quan nhà nước,... chưa chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với đối tượng khách hàng khu vực nông thôn.

Sáu là, chính sách khách hàng còn nhiều bất cập, chủ yếu vẫn tập trung đối với các khách hàng lớn ở khu vực đô thị, trong khi đó, những khách hàng truyền thống lâu năm ở nông thôn ít được quan tâm chăm sóc hơn.

 Về phía khách hàng:

Một là, tính khả thi của dự án, phương án sản xuất còn thấp. Xuất phát từ việc khách hàng nâng số tiền đề nghị vay lớn nhằm sử dụng vào mục đích khác, hoặc chưa tính đến điều kiện khác nhau của từng hộ gia đình (vốn tự có, độ màu mở của đất, loại cây trồng phù hợp,...). Để phát triển kinh tế vườn bền vững đòi hỏi người dân phải nắm bắt được thông tin về nhu cầu về thị trường, giá cả, đầu ra (tránh đến khi thu hoạch bị tư thương ép giá), khả năng phân tích các yếu tố của thị trường trên các mặt về sản lượng, cung cầu, sự tác động của các khía cạnh về thời

tiết, thiên tai dịch bệnh, chính sách khuyến nông, trình độ sử dụng công nghệ của mình. Đa phần việc trồng trọt của người dân theo tập quán truyền thống, hoặc chạy theo phong trào, chọn lựa cây trồng theo cảm tính, thấy cái gì có lợi trước mắt thì làm, không dự báo khả năng xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Hai là, công nghệ, kỹ thuật canh tác còn thấp. Việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, người dân làm kinh tế vườn đã có sự tiến bộ nhưng còn thấp, thiếu các yếu tố cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Những hạn chế, yếu kém còn thể hiện cả trong các công đoạn thu hoạch, bảo quản, chế biến, chủ yếu vẫn chỉ là thủ công, hàng hóa nông sản chủ yếu là dạng sơ chế, chưa tạo được nhiều thương hiệu có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Việc đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, với quy mô ở hộ gia đình thì không thể thực hiện được.

Ba là, quy mô canh tác nhỏ lẻ, phân tán. Việc tổ chức trồng trọt là do người dân quyết định trên mảnh vườn của họ, chưa có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền các cấp trong quy hoạch vùng, hướng người dân đi theo quy hoạch,... Với quy mô canh tác nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, mô hình trang trại rất ít, các HTX hoạt động cầm chừng và không hiệu quả do thiếu năng lực quản lý, thiếu vốn tự có,... đó là những hạn chế rất lớn của việc mở rộng tín dụng đối với phát triển kinh tế vườn trong thời gian vừa qua.

Bốn là, sự am hiểu về pháp luật cũng như khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tiện ích mà ngân hàng cung cấp chưa nhiều. Mức độ nhận thức pháp luật của người dân trong giao dịch dân sự còn bất cập, nhất là nhận thức về nghĩa vụ của người vay trong giao dịch tín dụng với ngân hàng. Có trường hợp khách hàng khi đi vay vốn, cán bộ tín dụng đưa gì ký nấy, miễn sao vay được tiền, hoặc ngán ngại khi phải có đầy đủ thành viên trong gia đình cùng có mặt và ký tên trước cán bộ công chứng, chứng thực hợp đồng. Việc tuyên truyền, phổ biến về pháp luật trong hoạt động của ngân hàng chưa nhiều dẫn đến sự thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ khách hàng khu vực nông thôn, chính vì để được vay tiền nên người dân nông

thôn chấp nhận mọi rủi ro: thông qua cò tín dụng; chấp nhận cho vay ké; vay nặng lãi để có tiền trả nợ ngân hàng để được vay mới; bán nông sản non; xâm tiêu, quà cáp cán bộ tín dụng,…

 Nguyên nhân khác:

Một là, hạn chế trong chính sách trợ giá cho hàng nông sản, bảo hiểm nông nghiệp. Người dân luôn phải đối mặt với nghịch lý được mùa thì giá thấp, có khi giá mua không đủ để bù đắp chi phí thu hoạch, giá cao thì không có mà bán, dẫn đến thu nhập của người nông dân làm kinh tế vườn cũng bấp bênh theo đó. Đến nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa phát huy được tác dụng tích cực của chính sách trợ giá hàng nông sản. Mô hình bảo hiểm trong nông nghiệp được thí điểm tại địa bàn tỉnh chỉ thực hiện trên một số cây trồng. Tuy nhiên vẫn chỉ là triển khai thí điểm, hiệu quả chưa được xác định, người nông dân vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất mùa do thiên tai, dịch bệnh.

Hai là, hạn chế trong chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu. Một khi khách hàng không còn khả năng trả nợ thì phải xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên xử lý món nợ không còn khả năng trả nợ trong thực tế là không hề dễ dàng. Sở dĩ như vậy là còn có sự chồng chéo nhau giữa các vấn đề về kinh tế, chính sách, xã hội với nhiều đối tượng khác nhau khi gặp phải rủi ro không còn khả năng trả nợ. Đây là vấn đề mà không chỉ ngân hàng mà ngay cả chính quyền địa phương các cấp cũng rất khó phân xử, định đoạt, nhất là đối với người dân làm vườn.

Ba là, một số bất cập khi triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015, cụ thể là:

- Khó khăn cho các TCTD trong xử lý nợ cho vay không có tài sản bảo đảm. Nghị định quy định các TCTD được cho vay không có tải sản bảo đảm và chỉ giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Rủi ro xảy ra, ngân hàng

luôn gặp khó khăn trong thu hồi nợ khi người dân chây ỳ, cố tình không trả nợ và chính quyền địa phương cũng rất khó khăn trong giải quyết.

- Khó khăn cho các TCTD trong việc bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Theo thông tư 13/2010/TT–NHNN ngày 20/5/2010 của NHNN quy định các TCTD phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro mà hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay không có tài sản đảm bảo là 100%, như vậy nếu đẩy nhanh cho vay không có tài sản đảm bảo theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các TCTD.

Bốn là, vấn đề định hướng, quy hoạch của địa phương trong phát triển kinh tế vườn còn nhiều bất cập, thông tin thị trường đối với hàng nông sản vừa thiếu, vừa chưa minh bạch dẫn đến người dân cứ tự phát làm. Do vậy, ngân hàng chưa dám mạnh dạn để đầu tư mở rộng tín dụng.

KẾT LUẬN CHƢƠNG 2

Trong chương này, luận văn đã khái quát đặc điểm tự nhiên, xã hội có tác động thuận lợi và khó khăn đến phát triển kinh tế vườn cũng như việc đầu tư tín dụng cho phát triển kinh tế vườn tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre; nghiên cứu thực trạng về phát triển kinh tế vườn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Luận văn giới thiệu tổng quan tín dụng đối với phát triển kinh tế vườn của Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2014. Trên cơ sở đó, luận văn tập trung phân tích, đánh giá thực trạng tín dụng đối với phát triển kinh tế vườn của Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2014.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, luận văn đã rút ra những kết quả đạt được và những hạn chế trong tín dụng đối với phát triển kinh tế vườn tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2014. Những hạn chế và nguyên nhân là cơ sở khoa học cho hệ thống những giải pháp, kiến nghị và đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong đó tập trung vào lĩnh vực kinh tế vườn tại Agribank Chi nhánh tỉnh Bến Tre trong Chương 3.

CHƢƠNG 3

GIẢI PHÁP MỞ RỘNG TÍN DỤNG CỦA AGRIBANK CHI NHÁNH TỈNH BẾN TRE ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ VƢỜN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tín dụng phát triển kinh tế vườn tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh bến tre (Trang 75 - 80)