Tăng tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản tại Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh lâm đồng (Trang 96 - 98)

5.2.4.1. Cơ sở của giải pháp:

Theo xu hướng hiện đại, tỷ trọng lợi nhuận từ các hoạt động ngoài tín dụng chiếm tỷ trọng ngày càng tăng nhưng về cơ bản thì lợi nhuận từ hoạt động tín dụng vẫn là hoạt động chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng thu nhập của ngân hàng. Do đó, việc gia tăng tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản của Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng sẽ giúp cho ngân hàng gia tăng lợi nhuận. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng.

5.2.4.2. Nội dung của giải pháp

Hoạt động tín dụng là hoạt động chủ yếu và mang lại doanh thu chính cho Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. Qua phân tích thống kê cho thấy, tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản của Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng ở tỷ lệ khá cao, trung bình đạt 96.3%, điều này cho thấy, chi nhánh luôn luôn duy trì một tỷ lệ cho vay rất cao ở các kỳ quan sát. Về mặt lý thuyết việc gia tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tài sản sẽ làm tăng ROA của Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên trên thực tế, việc tiếp tục gia tăng tỷ lệ dư nợ trên tổng tài sản của Agribank là rất khó. Do đó, giải pháp trước mắt của Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng cho vay. Cụ thể:

Thứ nhất, tập trung tăng trưởng dư nợ bền vững và ổn định. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Agribank, tích cực chuyển dịch cơ cấu tín dụng, tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay tái canh cải tạo giống cà phê, cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường triển khai các sản phẩm cho vay đáp ứng được nhu cầu đa dạng về sản phẩm tín dụng của khách hàng, trong đó sản phẩm cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, sản phẩm cho vay lưu vụ, cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg.

- Tích cực triển khai các chương trình chính sách của Nhà nước như cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay theo Nghị định 41/NĐ-CP, cho vay rau hoa công nghệ cao, cho vay xây dựng nông thôn mới,... không những đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế mà còn góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng và mở rộng thị phần của chi nhánh trên địa bàn.

- Tăng cường triển khai các hình thức cho vay lưu vụ, cho vay theo hạn mức, cho vay lưu gốc cà phê,... nhằm giảm bớt khối lượng công việc, đơn giản thủ tục hồ sơ vay vốn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. Thực hiện tốt chương trình cho vay theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn đồng thời phát triển thêm khách hàng mới.

- Xây dựng phương án và thực hiện các cơ chế tài chính khuyến khích tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng.

Thứ hai, xây dựng chính sách khách hàng đối với từng phân khúc khách hàng cụ thể.

- Đối với nhóm khách hàng tín dụng hiện tại có tình hình tài chính và lịch sử tín dụng tốt, cần: tăng cường các chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay, lãi suất tiền

gửi, tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo, tăng tỷ lệ tài trợ cho các dự án vay vốn, ưu tiên cung ứng các dịch vụ,... nhằm giữ vững khách hàng truyền thống và tiếp tục tài trợ cho các dự án mới của khách; thường xuyên theo dõi tình hình trả lãi, nợ gốc và tái tục kịp thời các hợp đồng hạn mức đến hạn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của khách hàng; thường xuyên giới thiệu các dịch vụ mới, tư vấn các biện pháp hạn chế rủi ro về lãi suất, tỷ giá hối đoái, chính sách kinh tế,... để khách hàng kinh doanh và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

- Đối với nhóm khách hàng mới: chú trọng phân khúc nhóm khách hàng là khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp siêu nhỏ (có tổng doanh thu một năm dưới 20 tỷ); tăng cường hình thức cho vay đồng tài trợ với các ngân hàng bạn đối với các dự án lớn, phát triển các sản phẩm vay vốn tiện ích cho khách hàng như cho vay thấu chi nhằm cung cấp thêm cho khách hàng vốn thanh toán tạm thời tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của khách hàng được thông suốt.

Thứ ba, cải thiện tỷ lệ thực thu lãi cho vay trên tổng lãi phải thu ngay từ bước thiết lập hồ sơ tín dụng bằng cách: thẩm định kỹ năng lực tài chính, khả năng trả nợ, dòng tiền thực tế trong hoạt động sản suất kinh doanh của khách hàng để xác định các kỳ hạn trả nợ gốc, lãi phù hợp, tránh tạo áp lực không cần thiết cho khách hàng trong việc lo tiền trả nợ ngân hàng. Tăng cường kiểm tra sau khi cho vay, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng để có những điều chỉnh kỳ hạn phù hợp đồng thời đôn đốc khách hàng trong việc trả nợ gốc, lãi đúng hạn.

Thứ tư, cải tiến quy trình thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đồng thời giảm bớt khối lượng và thời gian hoàn thành hồ sơ cho cán bộ tín dụng.

Thứ năm, nâng cao năng lực trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng trong quá trình tác nghiệp, khả năng thẩm định, đánh giá tài sản đảm bảo,… nhằm hạn chế tối đa những rủi ro tín dụng không đáng có.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh lâm đồng (Trang 96 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)