Một trong những lý thuyết ra đời sớm nhất về chi phí đại diện là nghiên cứu của Jenshen và Meckling (1976) qua việc xem xét lại mô hình M&M với giả định các quyết định đầu tư độc lập với CTV. Theo Jenhsen và Meckling, việc quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính của DN có liên quan đến chi phí đại diện. Lý thuyết này cho rằng hoạt động tài chính của DN bao gồm chủ yếu mối liên quan giữa cổ đông, nhà quản lý và các trung gian tài chính, giữa họ có các lợi ích khác nhau. Do đó, có thể xuất hiện các mâu thuẫn và phát sinh chi phí đại diện. Nghiên cứu cho rằng tồn tại hai dạng mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa chủ DN (có thể là cổ đông) với nhà quản lý DN, mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa chủ DN và chủ nợ.
Dạng mâu thuẫn thứ nhất là mâu thuẫn giữa chủ DN với nhà quản lý DN. Mâu thuẫn này phát sinh khi chủ DN không phải là người quản lý DN, do đó chủ DN phải gánh chịu toàn bộ chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN nhưng lại không được hưởng toàn bộ lợi ích do phải bỏ ra các khoản chi phí đại diện. Chi phí này thể hiện việc một cá nhân sẽ làm việc cho anh ta tốt hơn là làm thuê cho người khác. Một nhà quản lý đơn thuần chỉ là người làm thuê có thể sử dụng hoặc chuyển một phần nguồn lực của DN để phục vụ cho lợi ích riêng của mình chứ không đưa ra các quyết định vì lợi ích của chủ sở hữu. Theo đó, Jenshen và Meckling cho rằng trong điều kiện thông tin thị trường không hoàn hảo sẽ phát sinh hai vấn đề về đại diện: một là lựa chọn bất lợi xảy ra khi chủ DN không chắc chắn về khả năng điều hành của người quản lý và chi phí bỏ ra cho người quản lý có xứng đáng hay không; hai là mối nguy hại về đạo đức do chủ DN không chắc chắn về việc người quản lý có phát huy hết khả năng làm việc tối ưu của mình hay chưa và liệu họ có vì lợi ích riêng mà đưa ra những quyết định gây ra rủi ro cho DN hay không.
Dạng mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa chủ DN với chủ nợ. Mâu thuẫn này phát sinh trong hợp đồng ký kết giữa chủ nợ và chủ DN khi cân nhắc mức vay nợ trong các khoản đầu tư. Chi phí đại diện vốn nợ phát sinh từ xung đột lợi ích tiềm năng giữa chủ sở hữu và các chủ nợ. Cổ đông là người có quyền quyết định hoạt động kinh doanh của DN nhưng chủ nợ thì không. Người chủ sở hữu có thể hành
động vì lợi ích của chính họ hơn là vì lợi ích chung của DN, chẳng hạn như việc quyết định chi trả cổ tức bằng tiền mặt bất chấp dòng tiền nhàn rỗi của DN không đủ để tài trợ cho các dự án mới, tham gia vào các dự án đầu tư có lợi cho cổ đông hơn là chủ nợ như các dự án có mức độ rủi ro cao – đồng nghĩa với khả năng phá sản cao. Từ thực tế này, để bảo vệ quyền lợi của mình, chủ nợ sẽ đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn trong hợp đồng. Đồng thời, họ cũng giám sát chặt chẽ nhằm yêu cầu các DN tuân thủ theo các điều kiện trong hợp đồng đã ký kết. Ở đây, chi phí đại diện phát sinh do chi phí lãi vay tăng lên, đặc biệt là đối với các DN nhỏ. Bên cạnh đó, chi phí đại diện cũng liên quan đến uy tín của DN vì nếu lịch sử thanh toán của DN tốt thì DN sẽ có cơ hội vay vốn với mức lãi suất ưu đãi hơn kèm với các điều kiện ràng buộc cũng ít hơn như: điều kiện về thanh lý tài sản, điều kiện về gia tăng nợ vay, điều kiện về thanh toán cổ tức.
Một nghiên cứu lý thuyết khác về chi phí đại diện và cấu trúc quyền sở hữu được thực hiện bởi Fama & Jensen (1983). Nghiên cứu này kết luận rằng trong một công ty có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và kiểm soát, nói cách khác là người sở hữu thực sự của công ty không tham gia vào việc quản lý công ty, chi phí đại diện sẽ xuất hiện vì tình trạng bất cân xứng thông tin giữa nhà quản lý và các cổ đông. Nhà quản lý có nhiều thông tin hơn về tình hình công ty và họ sẽ dùng quyền quản lý để trục lợi cho bản thân.
Tóm lại, lý thuyết chi phí đại diện đã nêu lên quan điểm về việc những phát sinh trong nội bộ DN có tác động rất lớn đến CTV của DN và nghiên cứu về CTV góp phần kiểm soát các chi phí đại diện tốt hơn, từ đó giúp quản lý DN tốt hơn.