Biến cấu trúc tài sản cố định hữu hình (TANG) có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 95% đối với mô hình nghiên cứu biến TLEV và độ tin cậy cao 99% đối với mô hình nghiên cứu biến SLEV. Trong cả hai mô hình nghiên cứu, kết quả cho thấy biến TANG đều có quan hệ ngược chiều với CTV của DN thông qua hệ số nợ tổng thể và hệ số nợ ngắn hạn. Điều này không phù hợp với giả thuyết ban đầu của tác giả dựa trên lý thuyết đánh đổi rằng những công ty có nhiều tài sản hữu hình hơn thì sẽ có cơ hội sử dụng nhiều nợ vay hơn. Theo kết quả thống kê, phần lớn nợ phải trả mà các DN ngành dầu khí sử dụng là nợ ngắn hạn, do đó các chủ nợ như ngân hàng, nhà cung cấp thường quan tâm đến khả năng thanh khoản của DN hơn là tài sản cố định hữu hình. Ngoài ra, DN có thể đầu tư tài sản cố định chủ yếu bằng lợi nhuận giữ lại hoặc gia tăng vốn chủ sở hữu, chứ không ưu tiên sử dụng từ những khoản vay.
Một số nghiên cứu khác có cùng kết quả như: Nguyen và Ramachandran (2006), Biger và các cộng sự (2008), Phan Thanh Hiệp (2016), Lê Trung Thành và Đỗ Mai Hương (2017).
4.5.3. Khả năng thanh khoản
Kết quả nghiên cứu cho thấy biến khả năng thanh khoản (LIQ) có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy cao 99% (P-value < 0,01). Khả năng thanh khoản (đo lường bằng khả năng thanh toán ngắn hạn) có mối quan hệ ngược chiều với tỷ lệ nợ tổng thể và tỷ lệ nợ ngắn hạn của DN. Kết quả này hoàn toàn phù hợp giả thuyết ban đầu của tác giả và phù hợp với với nghiên cứu quan điểm của lý thuyết trật tự phân hạng về CTV, cho rằng các DN có thanh khoản tốt sẽ có nhiều khả năng chuyển hóa các tài sản ngắn hạn thành tiền mặt để tài trợ tài trợ cho các nhu cầu vốn phát sinh hơn là vay mượn từ bên ngoài. Mặt khác, mối quan hệ ngược chiều giữa tính thanh khoản và hệ số nợ của DN có thể được giải thích do các DN trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Nhà nước sở hữu với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về ngành nghề khai thác – chế biến tài nguyên và an ninh năng lượng quốc gia do đó thường được ưu tiên huy động vốn từ các ngân hàng thương mại, nhà cung cấp để tài trợ cho các dự án đầu tư, mặc dù trong giai đoạn nghiên cứu nhóm ngành này
gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của giá dầu thế giới, hoạt động kinh doanh giảm sút, thanh khoản thấp nhưng tỷ lệ nợ của các DN vẫn có thể tăng cao thông qua các chương trình hỗ trợ tín dụng.
Một số nghiên cứu của Wahab và Ramli (2014), Nguyen và các cộng sự (2014), Mehmet Arslan và Mustafa Fatih Boz (2017), Lê Thị Mỹ Phương (2014), Phan Thanh Hiệp (2016) cũng có kết quả về mối tương quan ngược chiều giữa khả năng thanh khoản và CTV DN.
4.5.4. Khả năng sinh lời
Kết quả hồi quy cho thấy biến khả năng sinh lời (ROA) có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy cao 99% (P-value <0,01), theo đó tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa khả năng sinh lời và hệ số nợ tổng thể và hệ số nợ ngắn hạn của các các DN. Điều này cho thấy lý thuyết trật tự phân hạng phù hợp hơn lý thuyết đánh đổi khi giải thích về CTV của các DN ngành dầu khí niêm yết tại Việt Nam. DN ưu tiên thực hiện việc tài trợ cho hoạt động đầu tư dự án, phục vụ sản xuất kinh doanh bằng nguồn lợi nhuận giữ lại từ kết quả hoạt động kinh doanh. Khi có nhu cầu vốn, thứ tự ưu tiên lần lượt là lợi nhuận giữ lại, nợ vay rồi mới đến phát hành cổ phiếu.
Trong giai đoạn hiện nay, lợi nhuận giữ lại được xem là ưu tiên hàng đầu để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án mới của DN, một trong những nguyên nhân chính do thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa phát triển, đặc biệt là thị trường trái phiếu, TTCK thì còn nhiều bất cập như mức độ thông suốt, minh bạch thông tin chưa cao, tâm lý bầy đàn còn tồn tại và chịu tác động lớn bởi hoạt động mua bán của nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả này cũng giống với kết quả nghiên cứu của hầu hết các tác giả khác như Biger và các cộng sự (2008), Mahvish Sabir, Qaisar Ali Malik (2011), Nguyen và các cộng sự (2014), Obeid Gharaibeh (2015), Đặng Thị Quỳnh Anh và Quách Thị Hải Yến (2014), Phan Thanh Hiệp (2016),…
4.5.5. Cơ hội tăng trưởng
Biến cơ hội tăng trưởng (GROW) có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy cao 99%, kết quả mang lại là tương quan thuận chiều với hệ số nợ tổng thể và hệ số nợ ngắn
hạn. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng ban đầu của tác giả, có thể được giải thích do các ngân hàng, các nhà cung cấp cũng nhận ra cơ hội tăng trưởng của các DN như các nhà đầu tư trên TTCK, sẵn sàng tài trợ vốn cho các DN có tốc độ tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, thực tế các DN tại Việt Nam, để có thể giữ được tốc độ tăng trưởng hằng năm thì phải phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, theo mô hình “cơ chế phát tín hiệu” (signalling model) cũng đưa ra nhận định về việc những công ty có lợi nhuận tốt hơn và nhiều cơ hội tăng trưởng hơn sẽ sử dụng nhiều nợ hơn để giảm chi phí sử dụng vốn, trong khi các công ty nhỏ hơn sẽ có chi phí phá sản nhiều hơn khi gia tăng sử dụng nợ (Ross 1977). Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm mà tác giả khảo lược đều có cùng kết quả về tương quan thuận chiều giữa cơ hội tăng trưởng của DN và hệ số nợ, riêng nghiên cứu của Lê Đạt Chí (2013) cho kết quả ngược lại, ủng hộ lập luận của lý thuyết chi phí đại diện, cho rằng với một DN đang trong giai đoạn tăng trưởng, cổ đông có xu hướng không muốn chia sẻ lợi nhuận với các chủ nợ, do đó thường huy động vốn chủ sở hữu hơn là vốn vay.