Phát triển kênh huy động vốn dài hạn cho các doanh nghiệp thông qua thị trường trái phiếu
Hiện nay thị trường trái phiếu đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tuy nhiên, quy mô của thị trường này là nhỏ khi so sánh với quy mô của thị trường cổ phiếu xét về số lượng các công ty phát hành và khối lượng giao dịch. Đa phần các trái phiếu là trái phiếu Chính phủ, số lượng các DN phát hành trái phiếu vẫn ở mức thấp so với tiềm năng. Điều này cũng ảnh hưởng đến CTV của DN, chỉ tập trung vào tín dụng ngân hàng và tín dụng thương mại vì kênh huy động vốn vay bằng việc phát hành trái phiếu chưa thực sự hiệu quả.
Trước hết là phải có chính sách khuyến khích các DN dầu khí tiếp cận thị trường trái phiếu, phát hành trái phiếu nếu DN đó đủ điều kiện phát hành để gia tăng số lượng hành hóa trên thị trường. Đồng thời, cần có các biện pháp khuyến khích DN phát hành trái phiếu quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Ngoài ra, cần có những cơ chế phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp. Khi thị trường này thật sự phát triển, khả năng thanh khoản trái phiếu tăng lên sẽ giúp DN dễ dàng hơn trong việc phát hành trái phiếu mới.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chỉ số trái phiếu và trung tâm thông tin trái phiếu DN tương tự như trung tâm thông tin tín dụng CIC để cung cấp thông tin cho các chủ thể tham gia trên thị trường, góp phần giải quyết tình trạng thông tin bất cân xứng.
Giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp dầu khí
Mặc dù kết quả nghiên cứu chưa nhận thấy kết quả tương quan tác động của yếu tố cấu trúc sở hữu Nhà nước đến CTV của các DN dầu khí, tuy nhiên nhìn từ thực tế các bất cập trong việc thiếp lập và sử dụng CTV hiện nay, các DN dầu khí do nhà nước nắm quyền chi phối chưa thật sự linh hoạt, nhạy bén với các cơ hội đầu tư, ngay cả khi đã cổ phần hóa và niêm yết trên TTCK. Điều này có thể khiến DN mất đi các cơ hội, dự án tốt khi đấu thầu cạnh tranh quốc tế, giảm hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh không cao với các đối thủ ngoài ngành và ở nước ngoài, đồng thời gặp phải nhiều rào cản khi quyết định đầu tư dự án ra nước ngoài. Trong khi đó thị trường dầu khí hiện nay rất nhiều thách thức, các ngân hàng thương mại cũng giới hạn việc cấp hạn mức tín dụng cho các DN dầu khí sau quá trình phát hiện nhiều lỗ hổng trong công tác quản trị, làm thất thoát vốn nhà nước và phát sinh nợ xấu từ nhóm DN này.
Vì vậy việc chuyển đổi sở hữu có thể tạo điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị DN, giúp tái cơ cấu DN dầu khí theo hướng hoạt động và tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường dầu khí ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ. Tháng 08/2017, Chính phủ đã phê duyệt danh mục DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020, cụ
thể trong thời gian gần nhất là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil),thu về thặng dư cho Nhà nước khoảng 7.450 tỷ đồng. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện công tác này theo đúng lộ trình một cách minh bạch, công khai, rõ ràng gồm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, chào bán cổ phần ra công chúng hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhằm góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao năng lực quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh tại các DN dầu khí. Bên cạnh đó, cần có sự góp mặt của các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, quyết định thành công của quá trình cổ phần hóa, bởi họ có uy tín, tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường. Sự có mặt của nhà đầu tư chiến lược có thể cải thiện đáng kể giá trị cổ phiếu của DN trên TTCK.