Phân tích kết quả nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết tại việt nam (Trang 70 - 71)

Theo kết quả nghiên cứu đã trình bày tại Bảng 4.9, các nhân tố quy mô DN (SIZE), cơ hội tăng trưởng (GROW) có ảnh hưởng thuận chiều đến hệ số nợ tổng thể (TLEV) của các DN ngành dầu khí niêm yết tại Việt Nam và các nhân tố khả năng sinh lời (ROA), khả năng thanh khoản (LIQ), cấu trúc tài sản cố định hữu hình (TANG) có tác động ngược chiều. Còn lại nhân tố về cấu trúc sở hữu của Nhà nước (STATE) không có ý nghĩa thống kê. Đối với hệ số nợ ngắn hạn (SLEV) thì có cùng kết quả nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng như đối với hệ số nợ tổng thể (TLEV) nêu trên, tuy nhiên riêng biến quy mô DN có độ tin cậy không cao. Nhìn chung, do nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng đa số trong tổng nợ phải trả của các DN dầu khí niêm yết trên TTCK Việt Nam nên dễ dàng nhận thấy tác động của các nhân tố lên hệ số nợ tổng thể và hệ số nợ ngắn hạn là tương tự nhau.

Kết quả hồi quy cho thấy bên cạnh những nhân tố có chiều hướng tác động phù hợp với các lý thuyết về CTV, cũng như một một số nghiên cứu thực nghiệm liên quan thì cũng có một số nhân tố tác động ngược chiều hoặc không ảnh hưởng đến CTV của các DN.

4.5.1. Quy mô doanh nghiệp

Trong mô hình nghiên cứu biến phụ thuộc TLEV, kết quả cho thấy biến SIZE có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy cao 99% (P-value < 0,01), có tác động cùng chiều với hệ số nợ tổng thể (TLEV) của các DN ngành dầu khí niêm yết tại Việt Nam.

Mối quan hệ cùng chiều này phù hợp với giả thuyết đặt ra ban đầu của tác giả và phù hợp với quan điểm của lý thuyết đánh đổi và lý thuyết chi phí đại diện về CTV. Các DN có quy mô lớn hơn thường có năng lực hoạt động kinh doanh tốt hơn, dòng tiền ổn định, khả năng trả nợ cao hơn và khả năng phá sản thấp hơn các DN nhỏ dẫn đến dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng và tạo dựng được uy tín để các nhà cung cấp, nhà thầu phụ sẵn sàng cho trả chậm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư bên ngoài thông thường sẽ có nhiều thông tin về các DN lớn nhiều hơn. Mức độ bất cân xứng về thông tin sẽ giảm đi và các công ty có xu hướng sử dụng nhiều nợ hơn (Chen và ctg 1999). Ngoài ra, đối với các DN quy mô lớn, chi phí đại diện thường cao, việc sử dụng nợ vay sẽ tạo ra một cơ chế giám sát hành vi của nhà quản trị tốt hơn.

Trong mô hình nghiên cứu biến phụ thuộc SLEV, kết quả cho thấy biến SIZE có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 90% và có mối tương quan cùng chiều với hệ số nợ ngắn hạn.

Kết quả nghiên cứu trên phù hợp với hầu hết nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước khác về các DN công nghiệp, năng lượng, dầu khí cũng như tại các nước đang phát triển như: Nguyen và Ramachandran (2006), Biger và các cộng sự (2008), Mahvish Sabir, Qaisar Ali Malik (2011), Obeid Gharaibeh (2015), Vũ Thị Ngọc Lan và Nguyễn Tiến Dũng (2013), Phan Thanh Hiệp (2016),…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết tại việt nam (Trang 70 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)