Đối với các doanh nghiệp dầu khí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết tại việt nam (Trang 79 - 82)

Nâng cao năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp

Quản trị tài chính là bộ phận quan trọng trong hệ thống quản trị của DN, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển. Khối các DN ngành dầu khí xuất thân từ DN 100% vốn nhà nước, và ngành nghề kinh doanh chủ yếu liên quan đến kỹ thuật, công nghiệp dầu khí do đó các nhà lãnh đạo chưa thực sự nhận thức rõ vai trò của quản trị tài chính. Người đứng đầu của các DN chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực quản lý tài chính, thậm chí tại nhiều DN vẫn còn sự gộp chung chức năng tài chính và kế toán, chưa xây dựng được hệ thống, đội ngũ chuyên về công tác tài chính để xây dựng kế hoạch tài chính, xem

xét các phương án huy động và sử dụng vốn tài trợ cho các dự án một cách phù hợp, hiệu quả, còn phù thuộc nhiều vào cơ chế hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời công tác giám sát, kiểm tra nội bộ tại các đơn vị còn hạn chế, lỏng lẻo; thiếu công cụ nhận diện, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tài chính.

Trước đòi hỏi của cổ đông, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn trong khi các ưu đãi, đặc quyền của Chính phủ đối với DN dầu khí ngày càng ít, khiến cho các nhà lãnh đạo DN cần phải thay đổi tư duy, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và các nguyên tắc quản trị tài chính. Từng bước thiết lập nguyên tắc, chuẩn mực quản trị tài chính, áp dụng được những kỹ năng quản trị từ các đối tác chiến lược thông qua lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc để ứng dụng vào việc xây dựng CTV cho DN sao cho phù hợp với môi trường và điều kiện kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó cần tách bạch giữa chức năng tài chính và kế toán, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình quản trị tài chính của DN, bổ sung nguồn lực để xây dựng dòng tiền hoạt động hàng tuần/tháng/quý, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, xác định thời gian hoàn vốn, xem xét CTV nào là hợp lý, thực hiện các báo cáo phân tích tài chính,… để giúp cho nhà quản trị đưa ra quyết định đầu tư và phương thức tài trợ trong tương lai.

Ngoài ra, các DN dầu khí cần hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các DN. Kiểm soát nội bộ giúp DN nhận diện được các rủi ro kinh doanh, rủi ro hoạt động, rủi ro tài chính của mình. Trên cơ sở đó có những biện pháp điều chỉnh kịp thời trong hoạt động cũng như trong các mục tiêu kế hoạch tài chính của DN.

Các nhà quản trị DN xem xét sử dụng các công cụ phòng ngửa rủi ro tài chính. Một trong những công cụ hiệu quả ở đây đó chính là các sản phẩm tài chính phái sinh. Các sản phẩm này là những công cụ hiệu quả bảo vệ DN khỏi những tổn thất tài chính từ các rủi ro lãi suất, rủi ro hoạt động.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh

Với bối cảnh thị trường dầu khí liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức với sự biến động khó lường của giá dầu thô thế giới, dẫn đến sản lượng khai thác và tiêu thụ dầu khí giảm sâu, kết quả hoạt động SXKD thua lỗ ở nhiều đơn vị, không đủ

khả năng để thanh toán lãi vay, hình thành nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Vì vậy mục tiêu hàng đầu của các DN ngành dầu khí là cải thiện hiệu quả hoạt động SXKD thông qua tăng cường giám sát hiệu quả của các dự án đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm quản lý từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cải tiến công nghệ, cơ cấu lại các khoản vay ngân hàng để giảm chi phí lãi vay, …. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tăng khả năng sinh lời phải được duy trì bền vững trong dài hạn để tăng cường uy tín, tạo niềm tin từ phía các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, từ đó có thể huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau bên cạnh việc sử dụng lợi nhuận giữ lại để phục vụ hoạt động SXKD.

Một phần quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của DN là hiệu quả của mảng hoạt động kinh doanh chính. Do vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tích cực tái cấu trúc, sắp xếp lại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên theo hướng tập trung nguồn lực và các lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn, chủ chốt một cách nghiêm túc và hiệu quả, tránh trường hợp đầu tư ngoài ngành một cách tràn lan, gặp phải cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị ngoài ngành khác trong khi chưa hiểu rõ những yếu tố cần thiết, dẫn đến đầu tư không phù hợp, kém hiệu quả. Từ đó, ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông, các chủ nợ, uy tín của chính DN.

Xem xét mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và cấu trúc vốn

Dựa vào kết quả mô hình nghiên cứu có thể thấy rằng quy mô DN cũng là một lợi thế trong việc huy động vốn, các DN càng lớn thì việc gia tăng nợ dễ dàng hơn các DN quy mô nhỏ và vừa. Mà phần lớn các DN dầu khí có quy mô tài sản tương đối lớn, vì vậy việc tiếp cận các nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các nhà quản trị tài chính vẫn phải cân nhắc sử dụng nợ ở một mức độ nhất định, trong khả năng kiểm soát và quản lý của mình. Như vậy, DN mới tận dựng được hết những lợi ích từ việc sử dụng nợ. Khi hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận nhiều thì nên cân nhắc trước việc tài trợ từ nguồn vốn vay vì có thể phải chia sẻ lợi nhuận với các chủ nợ.

Minh bạch hóa thông tin tài chính của doanh nghiệp

Trong thời gian qua, các DN có vốn nhà nước và hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có nhiều ưu đãi (ưu tiên tham gia các dự án trọng điểm, ưu đãi tiếp nhận tín dụng từ phía ngân hàng thương mại, …), vì vậy việc công bố thông tin là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các chủ nợ, nhằm quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các DNNN vay, tránh để xảy ra tình trạng đánh giá tín dụng không đúng dẫn đến xử lý nợ xấu về sau. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đặng Thị Ly và Trần Đình Khôi Nguyên (2018), các chỉ số công bố thông tin trung bình của các DNNN rất thấp. Đối với các công ty/tổng công ty thành viên thuộc Tập đoàn kinh tế Nhà nước, vấn đề công bố thông tin một cách minh bạch và đầy đủ chưa được lãnh đạo coi trọng, các chế tài về việc minh bạch thông tin tài chính DN còn thấp, chưa được áp dụng triệt để.

Các nhà quản trị DN cần tiếp thu phương thức quản trị tài chính, công khai minh bạch trong hoạt động của DN, công bố báo cáo thường niên, báo cáo tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng với số liệu chính xác, minh bạch, phản ánh đúng tình trạng tài chính của DN. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phát huy tích cực hơn vai trò giám sát của mình đối với công bố thông tin và chính xác hóa thông tin tài chính của các DN, đảm bảo nguồn thông tin đáng tin cậy cho các nhà đầu tư, chủ nợ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết tại việt nam (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)