8. Cấu trúc của luận văn
1.4.1. Quản lý và quản lý nhà trường
1.4.2.1. Quản lý
Trong lịch sử phát triển của xã hội, ngay từ khi con người bắt đầu hình thành các nhóm để thực hiện những mục tiêu mà họ không thể đạt đến với tư cách cá nhân riêng lẻ, thì cách tổ chức những hoạt động phối hợp, những nỗ lực cá nhân nhằm đạt đến mục tiêu, đã hình thành hoạt động quản lý. Con người tồn tại và phát triển thông qua quá trình lao động riêng lẻ và hợp tác lao động, từ những nhóm nhỏ cho đến những phạm vi rộng lớn đều cần đến sự hoạch định, tổ chức, chỉ đạo điều hành và kiểm tra đánh giá, tức là được tác động của sự quản lý. Tùy theo cách tiếp cận, quản lý được hiểu với nhiều cách khác nhau như sau:
Quản lý là nghệ thuật biết rõ ràng, chính xác cái gì cần làm và làm cái đó như thế nào, bằng phương pháp tốt nhất, rẻ nhất (William - Tay Lor).
Quản lý là sự tác động của cơ quan quản lý vào đối tượng quản lý, tạo ra sự chuyển biến của toàn bộ hệ thống, hướng vào mục tiêu nhất định. (Giáo trình - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Quản lý là dạng lao động đặc biệt của người lãnh đạo, mang tính tổng hợp các loại lao động trí óc, liên kết các bộ máy thành chỉnh thể thống nhất, điều hoà, phối hợp các khâu, các cấp quản lý, hoạt động nhịp nhàng để tạo hiệu quả quản lý (Mai Hữu Khuê - Học viện Hành chính quốc gia).
Quản lý là một hệ thống xã hội mang tính khoa học và nghệ thuật tác động vào từng thành tố của hệ bằng phương pháp thích hợp nhằm đạt mục tiêu đã đề ra. (Nguyễn Văn Lê - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo Trần Quốc Thành, quản lý được hiểu một cách rất ngắn gọn:
“Quản lý là quá trình đạt tới mục tiêu của tổ chức, trên cơ sở sử dụng tối ưu
các nguồn lực” [35].
Còn tác giả Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc: "Quản lý là sự tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý), trong tổ chức - nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức" [19]. Cũng theo đó các tác giả còn phân định rõ hơn về hoạt động quản lý: là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng cách vận dụng các hoạt động (chức năng) kế hoạch hoá, tổ chức, chỉ đạo (lãnh đạo) và kiểm tra.
Mặc dù có nhiều cách hiểu khác nhau, cách diễn đạt khác nhau về quản lý, song một cách tổng quát nhất có thể khái quát: Quản lý là cách thức tác động (sự tác động có tổ chức, có mục đích...) của chủ thể quản lý lên khách thể quản lý bằng các chế định xã hội, bằng tổ chức nguồn nhân lực, tài lực và vật lực, phẩm chất, uy tín của cơ quan quản lý hoặc người quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đạt được mục đích trong điều kiện môi trường luôn biến động.
Quản lý là một quá trình mà chủ thể quản lý tác động đến khách thể quản lý bằng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo kiểm tra đánh giá, dựa trên những nguồn lực và những điều kiện có thể nhằm đạt được mục đích của tổ chức.
1.4.2.1.Quản lý nhà trường
Quản lý nhà trường là một phạm vi cụ thể của quản lý hệ thống giáo dục. Trường học là tổ chức giáo dục, là một đơn vị cấu trúc cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, xét về bản chất, trường học là tổ chức mang tính nhà nước - xã hội - sư phạm thể hiện bản chất giai cấp, bản chất xã hội và bản chất sư phạm.
Theo Phạm Minh Hạc: “Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình đưa nhà trường vận
hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ với từng học sinh” [dẫn theo 10].
Quản lý nhà trường là hệ thống những tác động có hướng đích của hiệu trưởng đến con người (giáo viên, cán bộ nhân viên và học sinh), đến các nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, thông tin,…) hợp quy luật (quy luật quản lý, quy
luật giáo dục, quy luật tâm lý…) nhằm đạt mục tiêu giáo dục.
Quản lý nhà trường là quản lý mọi hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục làm sao đưa hoạt động đó từ trạng thái này sang trạng thái khác để dần dần tiến tới mục tiêu giáo dục. Nhà trường có tổ chức dạy, học và giáo dục tốt mới cụ thể hoá được đường lối thành hiện thực, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và đất nước.
Quản lý nhà trường bao gồm tập hợp những tác động tối ưu của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh và và các cán bộ khác nhằm:
Tận dụng các nguồn dự trữ do Nhà nước đầu tư lực lượng xã hội đóng góp và lao động xây dựng vốn tự có.
Hướng dẫn vào việc đẩy mạnh mọi hoạt động của nhà trường mà điểm hội tụ là đào tạo thế hệ trẻ.
Thực hiện có chất lượng mục tiêu, kế hoạch và đào tạo đưa nhà trường tiến lên trạng thái mới.
Quản lý nhà trường trước hết phải thực hiện đầy đủ chức năng của quản lý nói chung. Đồng thời ở nhà trường có chức năng cụ thể là quản lý quá trình dạy học và quá trình giáo dục. Chức năng đó cần được cụ thể hoá một cách chặt chẽ thông qua kế hoạch đào tạo. Việc xây dựng nề nếp dạy học nhằm mục đích đảm bảo các kế hoạch quy chế đào tạo, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, hấp dẫn với kỷ luật tự giác và tình cảm trách nhiệm, xây dựng mối quan hệ cộng tác giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau giữa giáo viên và học sinh… Mục tiêu cuối cùng của hoạt động này là nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục và đào tạo trong nhà trường.
Quản lý nhà trường bao gồm:
Quản lý hoạt động dạy học: Hoạt động dạy học là hoạt động trung tâm của nhà trường, nó chi phối mọi hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Nó là con đường trực tiếp và thuận lợi nhất để giáo dục thế hệ trẻ và thực hiện mục đích cao nhất của nhà trường. Vì vậy, có thể nói trọng tâm của quản lý nhà trường là quản lý quá trình dạy học, quản lý việc chấp hành các quy định về hoạt động giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh, đảm bảo cho các hoạt động đó được tiến hành tự giác, có nền nếp ổn định, có chất lượng và hiệu quả cao.
Quản lý hoạt động của thầy: Quản lý việc thực hiện chương trình, quản lý việc soạn bài và chuẩn bị lên lớp của giáo viên, quản lý việc dự giờ thao giảng và tự bồi dưỡng của giáo viên, quản lý việc thực hiện công tác nghiên cứu khoa học của giáo viên.
Quản lý hoạt động học tập của trò: Quản lý việc thực hiện giờ giấc học tập, tinh thần và ý thức học tập, phương pháp học tập…
Quản lý hoạt động giáo dục: Quản lý mọi hoạt động giáo dục của nhà trường đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục của Đảng, Nhà nước đó là đào tạo nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và năng lực thực hành tương xứng với trình độ đào tạo thích ứng với việc làm trong xã hội.
Quản lý hoạt động phối hợp: Trong trường THCS có nhiều bộ phận, mọi hoạt động trong nhà trường nói chung đều là các hoạt động mang tính phối hợp. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận trong nhà trường góp phần làm cho các hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.
Quản lý tài chính và cơ sở vật chất: Quản lý cơ sở vật chất, tài sản của nhà trường bao gồm đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, các hoạt động khoa học và công nghệ các trang thiết bị được Nhà nước giao cho trường quản lý và sử dụng hoặc do đầu tư mua sắm xây dựng và các hoạt động khác. Quản lý tài sản nói chung và quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho quá trình đào tạo
nói riêng phải đảm bảo được các yêu cầu liên quan mật thiết với nhau là: Đảm bảo đủ cơ sở vật chất - kỹ thuật trong quá trình đào tạo, quản lý tốt cơ sở vật chất - kỹ thuật của nhà trường.
Quản lý tài chính: Trong bất kỳ tổ chức đơn vị nào thì nguồn kinh phí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì các hoạt động. Nếu nhà trường tạo được nguồn kinh phí tốt và sử dụng đúng mục đích tức là đã quản lý tốt nguồn tài chính của đơn vị mình.
Quản lý nhà trường chính là sự tác động có ý thức, có kế hoạch và có mục đích của chủ thể quản lý đến tất cả các hoạt động trong nhà trường, nhằm đảm bảo sự vận hành tối ưu, hoạt động của nhà trường.