Kênh phân phối là công cụ giúp phân phối sản phẩm và giao tiếp với thị trường rất hiệu quả. Mục tiêu của nó là tổ chức được một hệ thống cung ứng sản phẩm phù hợp với cơ cấu của khách hàng, địa điểm và thời gian giao dịch vụ của ngân hàng. Mục tiêu này đạt được khi có hệ thống kênh phân phối hợp lý và đảm bảo phù hợp với từng loại khách hàng.
Trên thị trường ngân hàng, các mạng lưới chi nhánh đã thực hiện cả hai chức năng này rất thành công. Việc phối hợp các kênh phân phối sao cho đạt hiệu quả tối ưu hiện đang là một vấn đề mang tính chiến lược mà các ngân hàng đang quan tâm. Thậm chí sự lựa chọn này sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển chủng loại sản phẩm, kết cấu chi phí cơ bản của các ngân hàng, sự cạnh tranh về giá và lợi nhuận.
Trước khi đưa ra quyết định sẽ sử dụng nhiều loại kênh phân phối đối với dịch vụ thẻ, các ngân hàng phải xác định xem là có khả năng thành công trên thị trường hay không. Sự lựa chọn các kênh phân phối dịch vụ thẻ dựa trên những quan điểm dưới đây:
- Duy trì một thị trường vững mạnh thông qua thu hút và giữ lại một phần lớn lợi nhuận của khách hàng.
- Sử dụng các kênh phân phối mới để làm giảm sự tác động của các chi phí tới lợi nhuận so với khi áp dụng kênh phân phối là mạng lưới chi nhánh.
- Xây dựng nhiều loại kênh phân phối để có thể phản ứng linh hoạt với những thay đổi trong cạnh tranh và trên thị trường.
Ngày nay, bên cạnh các mạng lưới chi nhánh còn có rất nhiều máy ATM cùng hệ thống POS hoạt động như là các chi nhánh ngân hàng tự động. Công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định phương hướng chiến lược. Việc áp dụng công nghệ vào các kênh phân phối để khẳng định với khách hàng rằng sản phẩm của họ là các sản phẩm công nghệ hiện đại nhất mà các đối thủ cạnh tranh khác không có nhằm thu hút những khách hàng mục tiêu.
Các ngân hàng thực hiện phân phối dịch vụ thẻ thông qua các kênh chủ yếu sau đây:
- Phân phối thông qua mạng lưới các chi nhánh ngân hàng: Điểm then chốt quyết định việc thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm thẻ mới phụ thuộc vào nhân viên ngân hàng cùng với các kỹ năng giao tiếp và am hiểu của anh ta về dịch vụ thẻ.
- Thông qua đội ngũ bán hàng trực tiếp: Ngân hàng có thể thuê nhân công bên ngoài phát hành thẻ đến khách hàng thông qua việc ký kết hợp đồng đại lý với các đơn vị cá nhân có khả năng và trả hoa hồng phát hành thẻ cho họ.
- Thông qua gửi thư trực tiếp: Đây là cách làm phổ biến đối với các ngân hàng phát hành thẻ. Việc gửi thư trực tiếp giúp ngân hàng tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu trong phân đoạn thị trường của mình
- Kênh Internet: Internet vẫn là kênh phân phối mới đối với sản phẩm thẻ nhưng có nhiều triển vọng. Khá nhiều trang web của các ngân hàng quảng cáo về dịch vụ thẻ và cho phép khách hàng đăng ký phát hành thẻ trực tuyến hay qua email. Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng thẻ để thực hiện các dịch vụ thanh toán trực tiếp thông qua Internet như đặt vé máy bay, mua tài liệu, hàng hóa qua mạng…
- Mạng lưới ATM: Ngày nay, ATM đóng vai trò quan trọng trong việc tự động hóa các dịch vụ diễn ra hàng ngày, gia tăng tính thuận tiện và khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Các máy ATM có thể xem là một kênh phân phối hoặc một sản phẩm vì ATM là minh họa về chất lượng của cả hai góc độ. Ví dụ, khi truy cập thông tin tài khoản, rút tiền, chuyển khoản, ATM phản ánh chức năng phân phối, tuy nhiên khi một số giao dịch bị tính phí thì thể hiện chức năng sản phẩm của máy ATM. Tuy nhiên, việc đầu tư vào mạng lưới ATM khá tốn kém và đòi hỏi ngân hàng phải có hệ thống bảo mật tốt vì các máy ATM đều không có sự quản lý của nhân viên ngân hàng, do đó, có thể xảy ra các giao dịch gian lận tại ATM.
Trong các kênh phân phối trên đối với dịch vụ thẻ, việc phát triển mạng lưới chi nhánh là kênh tốn kém nhất và thường đi kèm với phát triển các dịch vụ ngân hàng khác. Việc đầu tư hệ thống ATM cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn và hạ tầng công nghệ tốt. Các kênh còn lại có chi phí đầu tư ít tốn kém hơn, tuy nhiên, vấn đề bảo mật và an toàn đối với chủ thẻ vẫn là vấn đề cần cân nhắc khi ngân hàng muốn phát triển các kênh phân phối mới này.