8. Cấu trúc của luận văn
2.1. Văn hóa giáo dục đạo lý trong truyện thơ Mở trời dựng đất
Dân tộc Sán Dìu đã trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, tất cả những điều đó đều được phản ánh qua văn học. Mở trời dựng đất như một bức tranh thu nhỏ về cuộc sống lao động sinh hoạt của đồng bào. Những lời khuyên răn dạy về giáo dục đạo lý như một di sản tinh thần vô cùng quý giá đối với người Sán Dìu. Ở đó tác giả dân gian ngợi ca điều tốt đẹp, phê phán lối sống, cách ứng xử không phù hợp trong gian đình, cộng đồng. Truyện thơ còn thể hiện nét đẹp về đạo đức truyền thống của người Sán Dìu. Đó là tình yêu thương đùm bọc, che chở lẫn nhau trong cuộc sống. Những câu thơ thể hiện lối giáo dục chân thực, đã tạo nên đời sống văn hóa vật chất và tinh thần phong phú của người miền núi, mà trong đời sống hàng ngày dân tộc Sán Dìu vẫn luôn truyền tụng, khuyên răn con cháu. Lời thơ ý nghĩa, sâu sắc này như một nguồn nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Văn hóa giáo dục đạo lý là sự tổng hòa các nhiều yếu tố như: gia đình, môi trường, xã hội, được người Sán Dìu đúc kết qua hàng trăm năm sinh sống trên đất nước Việt Nam. Truyện thơ Mở trời dựng đất phản ánh những bài học nhân sinh trong cuộc sống của dân tộc Sán Dìu, từ đối nhân xử thế trong các mối quan hệ, đến bài học về đạo làm người. Những yếu tố đó có sự kết hợp của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo trở thành những lời khuyên răn dạy “khuân vàng thước ngọc” để các thế hệ học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân và tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Theo Bách khoa toàn thư mở:
“Giáo dục là một quá trình mà trong đó kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của một người hay một nhóm người này được truyền tải một cách tự nhiên mà không hề áp đặt sang một nhóm người khác… qua đó đóng góp được tối đa
năng lực cho xã hội trong khi vẫn thỏa mãn được quan điểm, sở thích và thế mạnh của bản thân”[49].
“Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con người… đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn”[50].
“Giáo dục đạo đức, lối sống là quá trình biến các chuẩn mực đạo đức, lối sống từ những đòi hỏi bên ngoài của xã hội thành những đòi hỏi bên trong của mỗi cá nhân, thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục”[50].
Giáo dục đạo đức luôn là việc quan trọng được mọi thời đại đề cập đến. Giáo dục là nền tảng hình thành nên nhân cách của con người, qua đó sẽ giúp thế hệ trẻ giữ được nền nếp gia phong, phấn đấu tu dưỡng và phát triển bản thân, làm rạng danh gia đình, dòng họ và góp phần vào sự ổn định và phát triển của xã hội.
Dân tộc Sán Dìu luôn chú trọng đến truyền thống văn hóa dân tộc để giáo dục thế hệ sau. Đó là tư tưởng đề cao lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, bài học hoàn thiện nhân cách trở thành một người tốt, bên cạnh đó đồng bào còn phê phán những thói hư tật xấu còn tồn tại trong đời sống xã hội.