8. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Tác giả Ma Trường Nguyên
1.3.1.1. Tiểu sử nhà thơ Ma Trường Nguyên
Ma Trường Nguyên được coi là "người đốt lửa bừng trái tim" với "dáng
vẻ chân tình đến thật thà và hiền lành". Ông được coi là một trong những tác
giả tiêu biểu của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI.
Ma Trường Nguyên là người dân tộc Tày. Ông sinh ngày 17 tháng 5 năm 1944 tại xóm Đồng Chẩn, xã Phú Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ngay từ thuở thơ ấu, Ma Trường Nguyên đã đắm mình trong những câu chuyện cổ tích, những điệu hát Sli, hát Lượn của dân tộc mình. Điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ sau này.
Năm 1963, Ma Trường Nguyên tham gia vào quân đội và hoạt động trong một đội pháo cao xạ. Đây là nơi ông được trải nghiệm qua những khó khăn, mất mát mà người lính pháo binh phải chịu đựng. Đồng thời cũng được chứng kiện tinh thần gan dạ, quả cảm, sự lạc quan trong mọi khó khăn gian khổ của đồng đội, của nhân dân toàn miền Bắc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Ma Trường Nguyên làm phóng viên cho báo Quân khu 3, biên tập viên nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Tiếp đó, ông theo học trường viết văn Nguyễn Du. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại quê hương Thái Nguyên.
Trải qua một quá trình sáng tác, nhà thơ đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều cơ quan khác nhau của tỉnh Thái Nguyên: Phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin (1985), Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1998 - 2003), Bí thư Đảng đoàn Hội văn nghệ, Tổng biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên. Cho dù ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
Với những năm tháng trải qua trong cuộc đời, Ma Trường Nguyên đã tích lũy được một vốn tri thức phong phú, một nhân cách đáng kính trọng, một tình yêu quê hương đất nước tha thiết. Chính điều đó đã tạo thành một mạch nguồn xuyên suốt hết các sáng tác của ông.
1.3.1.2. Sự nghiệp sáng tác của Ma Trường Nguyên
Ma Trường Nguyên là nhà thơ sáng tác thơ ca từ rất sớm. Năm 16 tuổi, ông đã khởi đầu sự nghiệp văn chương của mình với bài thơ Cờ hồng được in trong tập Tiếng trống đồng xuân do Ty văn hóa Thái Nguyên xuất bản. Nhuận bút mà nhà thơ nhận được rất đặc biệt, đó là năm cuốn sách trong "Tủ sách lí
luận - hướng dẫn sáng tác". Đối với Ma Trường Nguyên, những quyển sách
này giống như những người thầy đầu tiên dìu dắt ông trong những bước chập chững bước những bước đi đầu tiên vào sự nghiệp sáng tác.
Giai đoạn từ 1960 - 1990, Ma Trường Nguyên chủ yếu sáng tác thơ in trên các báo, tạp chí. Những tập thơ in chung có: Đường qua kỉ niệm (1975),
Rừng sáng (1980), Quê núi (1987). Và các tập thơ riêng: Mát xanh rừng cọ
(1985), Trái tim không ngủ yên (1988).
Năm 1991, tiểu thuyết đầu tiên được ông cho trình làng với tên gọi "Mũi
tên ám khói". Và liên tiếp 8 năm tiếp theo, nhà thơ đã cho ra đời tất cả 6 cuốn
tiểu thuyết, một tập truyện kí: - Gió hoang (1992) - Tình xứ mây (1993) - Trăng yêu (1993) - Bến đời (1995) - Rễ người dài (1996)
- Mùa hoa hải đường (1998)
- Cơn giông thời niên thiếu (Kí - 1997)
Đến năm 2004, sau một thời gian vắng bóng, ông trở lại với văn chương và gây ấn tượng với một số thể loại khác như: tự truyện Dòng suốt tuổi thơ tôi và ba tập thơ: Câu hát vắt qua vai (2005), Cây nêu (2006), Bắc cầu vồng thăm nhau (2007).
Năm 2009, ông tiếp tục trình làng tập kí Những người bạn và gần đây
nhất, năm 2012 là cuốn tiểu thuyết Phượng Hoàng núi.
Ma Trường Nguyên đã nhận được nhiều giải thưởng cao về văn học nghệ thuật như:
- Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tiểu thuyết Rễ người dài (1996).
- Giải C Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho tập thơ Cây nêu (2007).
- Giải C giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (1987 - 1992) của tỉnh Thái Nguyên cho tập thơ Trái tim không ngủ.
- Giải B giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm của tỉnh Thái Nguyên với tiểu thuyết Mũi tên ám khói.
- Giải B giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (1992 - 1997) cho tiểu thuyết Mùi hoa hải đường.
- Giải B văn học nghệ thuật 5 năm (2002 - 2007) cho tập thơ Câu hát vắt
Với 50 năm miệt mài, say sưa với sự nghiệp văn chương, Ma Trường Nguyên đã để lại nhiều trang viết chân thật, đậm đà tình cảm, mang đậm dấu ấn cá nhân. Những giải thưởng mà ông nhận được chính là những thành quả xứng đáng cho quá trình sáng tạo không mệt mỏi của ông.
1.3.1.3. Quan niệm nghệ thuật của Ma Trường Nguyên
Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội nhà văn (1997), Ma Trường Nguyên đã đưa ra lời tự bạch: "Các nhà thiên văn cảnh báo rằng trái
đất đang nóng dần lên đến một ngày nào đó môi trường sống của con người khó thích nghi nổi. Ngược lại, các nhà văn lại dự báo rằng: Cõi người ngày càng nguội lạnh dần đi. Lòng người hạ nhiệt, sẽ có thể đóng băng khép kín trong cuộc sống văn minh kĩ thuật. Để tồn tại, bản thân từng cá thể sống đều phải lệ thuộc vào không gian thực tại đang sống... Cái kết dính chất người lại với nhau ấy đích thực là tình yêu. Cái để con người lên ngôi người, khác với muôn loài, cái không thể mua bán, chỉ có thể trao gửi cho nhau như một phần tâm hồn của chính mình... Tôi sống thật như tôi. Tôi tự nhủ không phải viết như thế nào? Mà sống như thế nào để viết. Tôi viết để giữ ấm lòng mình với người khác". Quan niệm này đã chi phối rất nhiều đến nội dung được phản ánh trong
các tác phẩm của ông. Khảo sát các tập thơ của Ma Trường nguyên, chúng tôi thấy cảm hứng chủ đạo trong thơ ông là cảm hứng tình yêu, chẳng hạn như trong tập Câu hát vắt qua vai có đến 35/47 bài, tập Cây nêu có 23/35 bài, tập Bắc cầu vồng thăm nhau có 33/43 bài viết về chủ đề tình yêu. Trong tiểu thuyết
cũng vậy, một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong các tiểu thuyết của ông chính là tình yêu. Viết về tình cảm giữa con người với con người trong cuộc đời chính là cách để nhà thơ tồn tại, để giữ ấm lòng mình.
Nhà thơ cũng đã tâm niệm: "Trong sáng tạo văn học cũng như xây dựng một công trình, một tòa nhà nào đó sang trọng hơn ngôi nhà sàn, điều quan trọng nhất là không đào nền móng dưới gầm sàn nhà mình đi". Nền móng là một yếu tố
vô cùng quan trọng, không thể thiếu của mỗi một công trình, nếu thiếu nó thì công trình dù có đẹp đến đâu cũng không được bền vững. Trong văn học, nền móng chính là nền tảng để văn học phát triển và nền móng văn học không phải là cái gì xa lạ, nó chính là văn hóa dân tộc. Văn hóa chính là bộ gen di truyền của xã hội, phản ánh trình độ văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử, dùng để phân biệt giữa quốc gia này với quốc gia kia. Ma Trường Nguyên là một
nhà văn dân tộc Tày, ngay từ nhỏ ông đã được tiếp xúc, được sống trong nền văn hóa của người Tày chính vì vậy mà đọc các tác phẩm của ông, người đọc cảm nhận được rõ màu sắc văn hóa mang đậm phong vị Tày. Như vậy, theo quan niệm của nhà thơ thì sáng tác văn học phải biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa mới đồng thời cũng phải giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đẹp của dân tộc mình: "hiện đại mà không đánh mất mình, đánh mất tâm hồn dân tộc mình".
Riêng đối với thơ, Ma Trường Nguyên lại có những cảm nhận riêng: "Thơ là tiếng
lòng chân thật nhất, là lời tự thú của trái tim mình".
Theo Ma Trường Nguyên, người làm thơ lúc nào cũng phải nuôi dưỡng trong lòng mình một "dư vọng ngân nga" của cuộc đời, khi cần chỉ khẽ động
vào cũng đã thành thơ. Thơ chỉ đến với những người biết rung cảm, nồng nhiệt với đời mà thôi. Người làm thơ phải luôn gắn với đời, giao cảm với đời thì mới có thể có được những vần thơ chân thật, chân thành nhất.
Dây đàn anh mắc treo sự sống nảy sinh Mỗi nốt nhạc hát một đời của nó
Không kéo căng mà lượn theo từng chỗ Điểm nốt đâu hát thật nhất lòng mình
(Đối thoại núi và biển)
Là một nhà thơ dân tộc thiểu số, ông luôn tâm niệm trước hết phải học để chắt lọc những di sản tinh túy của dân tộc làm vốn. Nhưng không được lười biếng, chỉ biết vận dụng máy móc, rập khuôn những di sản của ông cha mà phải vận dụng sáng tạo để vươn lên, tạo thành cái riêng cho chính mình. Theo Ma Trường Nguyên: "Trên con đường khám phá, sáng tạo trong sự lao động thơ,
không phải chỉ là kế thừa về mặt hình thức mà là nội dung bên trong của tác phẩm". Do vậy mà nhà thơ đã tích lũy cho mình một kho tàng những câu Lượn,
câu Ví mang đậm bản sắc dân tộc.
Trong các tác phẩm của mình, Ma Trường Nguyên đã sử dụng thành công ngôn ngữ của dân tộc mình (Tày) qua đó người đọc cảm nhận được nét đặc biệt trong con người của người đàn ông dân tộc Tày: luôn sống và yêu mãnh liệt, đường hoàng. Không chỉ kế thừa, Ma Trường Nguyên còn thổi vào tác phẩm của mình hơi hướng của thời đại. Nhờ vậy mà chúng ta thấy được sự vận động khách quan của hiện thực cuộc sống trong thơ ông.
Với những quan niệm nghệ thuật trên, Ma Trường Nguyên đã cho trình làng một loạt những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Thông qua những tác phẩm ấy, người đọc không chỉ biết được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày mà còn có thể rút ra cho mình những bài học về đối nhân xử thế, về tình đời, tình người trong xã hội.