8. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Hình ảnh trăn g muôn hình, muôn khối, giàu màu sắc và đầy
Trăng vốn là một hình ảnh quen thuộc, gần gũi mà chúng ta vẫn thường thấy xuất hiện trong thơ ca từ xưa đến nay. Các nhà thơ mọi thời đại luôn coi trăng là nguồn cảm hứng vô hạn, mênh mông không bao giờ vơi cạn. Bởi trăng mang nhiều tầng bậc ý nghĩa: đôi khi "trăng là một biểu tượng vũ trụ qua tất cả
các thời đại", trong huyền thoại, folklore, truyện kể dân gian và thơ ca trăng
mang biểu tượng "về thiên chức của người phụ nữ và sức mạnh dồi dào của sự
sống" [40; 939]. Trăng gắn liền với cảm hứng lãng mạn, mơ hồ, bay bổng. Đặc
biệt là khi gắn với không gian núi rừng Việt Bắc, trăng trở thành hình ảnh thiên nhiên mang tính nguyên thủy nhất, thơ mộng nhất, trong trẻo và tinh khiết nhất. Vì trăng là nguồn cảm hứng lớn cho nên bất kể nhà thơ nào cũng viết về trăng, hướng về trăng để giãi bày tâm trạng, để bộc lộ cảm xúc. Chỉ có điều là mỗi nhà thơ tùy vào sở trường riêng trong việc lựa chọn đề tài, lựa chọn phương tiện ngôn ngữ, vào cách nhìn, cách cảm mà trăng trong thơ mỗi người lại hiện lên với dáng vẻ khác nhau, màu sắc khác nhau và tần số xuất hiện cũng khác nhau.
Là một nhà thơ, hơn nữa lại là một nhà thơ gắn bó với núi rừng, Võ Sa Hà cũng viết nhiều về trăng. Trong 179 bài thơ của ông có tới 62 bài có trăng hiện hữu. Tần số xuất hiện của trăng nhiều đứng thứ hai, chỉ sau hình ảnh núi. Nhà lý luận phê bình Trịnh Thanh Sơn khi viết về tập thơ "Sóng nhạc hồn tôi" đã phát biểu: "Trăng và núi như một giai điệu điệp trùng. Điệp trùng trong mỗi
bài thơ và lan tỏa khắp tập thơ, giống như một liên khúc mà núi và trăng là âm hưởng chủ đạo". Qua lời phát biểu ấy ta cũng đã biết hình ảnh trăng xuất hiện
nhiều như thế nào rồi.
Trăng trong thơ của Võ Sa Hà mang nhiều vẻ đẹp khác nhau, mỗi lần xuất hiện lại mang một dáng vẻ mới lạ, không bao giờ trùng lặp. Điều này phụ thuộc vào cái nhìn, góc nhìn và tâm trạng của nhà thơ.
Trăng trước hết hiện lên với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, sáng trong góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Nhà thơ đã từng đi nhiều nơi, trăng ở mỗi nơi, ở mỗi thời điểm lại khác nhau, không ở đâu giống ở đâu. Với sự tinh tế và tấm lòng yêu thiên nhiên da diết, nhà thơ đã không bỏ sót một thay đổi nào của trăng. Trăng ở quê hương thì:
Bầu trời xanh rất hẹp Trăng trong như pha lê
(Quê anh)
Vì Cao Bằng rất nhiều rừng núi, nhiều cây cối cho nên khi đứng dưới đất nhìn lên trời, bầu trời bị thu lại trong một khoảng không gian hẹp. Trên cái nền trời xanh trong ấy, nổi bật lên hình ảnh trăng với vẻ đẹp trong, lấp lánh như một quả cầu pha lê vậy. Nhưng khi sang Hà Giang, trăng lại mang một vẻ đẹp khác: "sáng trong veo". Trăng đẹp, tinh khôi như người con gái mới lớn, hơn nữa lại còn có mùi hương:
Hà Giang đấy trăng thơm hương trinh nữ Sáng trong veo cả bầu trời ngọc ngà
(Hà Giang đấy)
Kể cũng thật lạ, trăng ở tít trên bầu trời kia, xa như vậy mà nhà thơ vẫn có thể ngửi thấy mùi hương của trăng mà liệu trăng có mùi hương thật không? Điều này có lẽ chỉ có thể giải thích là do sự cảm nhận của tâm hồn nhà thơ mà thôi. Dù mỗi nơi trăng lại khác nhưng luôn có một điểm chung là cho dù ở đâu, vào thời điểm nào, trăng vẫn luôn mang một vẻ đẹp hoàn mĩ nhất. Ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến trăng trong bài "Thái Nguyên quê tôi":
"Có những đêm trăng vàng sương thu lạnh. Trăng Trung du e ấp như cô bé mười lăm lần đầu mặc áo dài. Ánh trăng tha thướt chảy khắp đồi, luồn vào từng gân lá. Sương mỏng mảnh tơ trời, dệt sáng óng không gian. Liệu có kẻ nào được những sợi tơ trăng đan dệt khắp người như vậy?"
Vẻ đẹp của trăng được nhà thơ miêu tả tỉ mỉ: trăng e ấp, thẹn thùng như con người; trăng tha thướt bao trùm, luồn sâu vào mọi cảnh vật, phản chiếu lên những giọt sương thu dệt lên những mảng tơ sáng lấp lánh. Cả không gian như được bao trùm trong sự đẹp đẽ, huyền ảo, diệu kỳ của ánh trăng.
Trăng không chỉ được nhà thơ tái hiện trong trạng thái tròn đều, viên mãn mà còn là trăng khuyết, mầm trăng. Nhưng dù ở trạng thái nào, vẻ đẹp của trăng cũng luôn làm cho nhà thơ bất ngờ, thích thú.
Cách cảm nhận về trăng của Võ Sa Hà vô cùng đặc biệt nên đã phát hiện ra những trạng thái mới lạ của trăng mà từ trước đến nay chưa có nhà thơ nào nhận thấy:
Nhặt vài vụn trăng Thả lưng chén rượu Mắt rượu long lanh Nhìn đêm lúc lỉu
(Lẩn thẩn thơ)
Hay:
Rút một sợi tơ trăng Lôi ngược về ánh sáng Quàng lên vai con sóng Đón môi hồng bình minh
(Thi sĩ)
Từ trước tới nay, trăng xuất hiện rất nhiều trong thơ của nhiều nhà thơ nhưng chưa nhà thơ nào có sự để ý tỉ mỉ như Võ Sa Hà. "Vụn trăng", "sợi tơ trăng" chính là một phát hiện, một sáng tạo độc đáo của nhà thơ. Nó
chính là minh chứng cho sự tìm tòi không mệt mỏi, sự góp nhặt không ngừng nghỉ vẻ đẹp của thiên nhiên để mang đến cho người đọc của một nhà thơ hết mình vì nghệ thuật.
Cũng giống như núi, trăng cũng có tính cách, tâm hồn như con người. Trăng luôn hiện lên có tiếng:
Tiếng gì như tiếng lá rơi
Ồ không phải lá! Tiếng trời đổ mưa Ồ không, không phải tiếng mưa! Trăng trườn sau núi, trăng vừa bò lên (Tiếng trăng)
Có hình khối:
Trăng như chiếc đầu ai Đầu nhà sư trọc lóc
Ai bẻ quả trứng trăng
Bờ sông Ngân lấp lánh
Thậm chí còn nô đùa vui vẻ với con người: Trăng bảo Tít xấu xấu
Tít trăng cười rung rinh
(Tít và trăng)
Trong câu thơ, Võ Sa Hà đã biến vầng trăng thành một đứa trẻ tinh nghịch, nhí nhảnh, hồn nhiên, trong sáng. Trăng như một người bạn đáng yêu, dễ gần của những đứa trẻ. Đọc thơ Võ Sa Hà, chúng ta thấy nhà thơ luôn luôn miêu tả trăng trong trạng thái động, có sự di chuyển:
Trăng vàng trăng bạc Trăng dội khắp nhà Áo anh loáng ướt Trăng mướt thịt da
(Mưa trăng)
Trăng theo thời gian bao trùm dần dần hết mọi không gian, cảnh vật từ những vật vô tri vô giác cho đến con người cũng tràn đầy ánh trăng. Dưới ánh sáng bàng bạc, bóng ướt, huyền ảo của ánh trăng, con người cũng trở lên lung linh, huyền ảo diệu kỳ. Có rất nhiều lần nhà thơ gọi trăng bằng "nàng trăng"
đầy ngưỡng mộ, trìu mến đến mức si mê:
Ngắm nàng trăng đi dạo giữa rừng sao Trăng diêm dúa xiêm y nô giỡn
Trăng cũng là nơi gửi gắm biết bao kỉ niệm vui buồn của tình yêu đôi lứa, là nhân chứng của cuộc chia ly; là cái để nhà thơ trông vào tính khoảng thời gian "Đợi":
Trăng đã mấy lần rằm Chục vì sao đã rụng Cuối trời tôi vẫn đứng Đợi con đò đưa em
Và cũng là nhân chứng cho tình yêu trong sáng, lòng chung thủy, sự mỏn mỏi chờ đợi đến hóa đá của nàng Tô Thị bồng con đợi chồng:
Nàng có đau không, con nàng có đau không? Nắng lửa, mưa dầm hay đêm vàng trăng tỏ
(Gọi hồn Tô Thị)
Xa quê là xa mẹ, Võ Sa Hà luôn bị ám ảnh bởi nỗi nhớ quê, nhớ mẹ cho nên khi nhắc đến trăng, nhà thơ cũng để trăng mang cảm thức về mẹ. Trăng che chở người đã khuất và an ủi, động viên người còn sống:
Ngôi nhà mẹ ta tròn đẹp như trăng rừng Ta bỗng hiểu từ đây trăng mang hình mộ mẹ
(Tảo mộ)
Nhà của mẹ giống vầng trăng đang lặn
(Mắt bố)
Đối với mỗi người dân miền núi, trăng không phải chỉ là một thực thể tự nhiên, không hề xa lạ mà ngược lại trăng là một người bạn tri âm tri kỉ, gần gũi, thân tình, nồng hậu, thiết tha; trăng lớn lên cùng với sự lớn lên của con người, trăng đồng hành cùng con người trong mọi hoạt động, mọi hoàn cảnh; trăng chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn của con người. Chính vì vậy mà rời xa mẹ, nhà thơ cũng có đôi phần an lòng vì nơi đó đã có trăng thường xuyên lui tới: "Nơi trăng huyền rón rén đỉnh non" (Nhà của mẹ).
Cũng viết về trăng nhưng trăng của Võ Sa Hà khác với trăng của các nhà thơ khác. Nếu như trăng của Hàn Mạc Tử đẹp một cách lạnh lùng, kì dị; trăng của Xuân Diệu luôn gắn liền với tình yêu, bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, mạnh mẽ thì trăng của Võ Sa Hà lại mang một vẻ đẹp dịu dàng, nhiều sắc thái và cung bậc tình cảm. Ẩn sau hình ảnh trăng nhiều sắc thái ấy đều ẩn dấu nhiều tâm sự, tâm trạng, nỗi lòng của nhà thơ. Cùng với hình ảnh núi, hình ảnh trăng đã trở thành hình ảnh nghệ thuật nổi bật trong thơ Võ Sa Hà. Trăng không đơn thuần chỉ là một thực thể tự nhiên nữa mà nó mang sóng nhạc hồn người mà cụ thể là của chính người sáng tạo ra nó. Từ đó làm cho thơ Võ Sa Hà luôn có tính nhạc, làm rung động đến trái tim người đọc.