8. Cấu trúc luận văn
2.3. Cảm thức văn hóa đô thị trong thơ Nguyễn Thúy Quỳnh
Nguyễn Thúy Quỳnh cũng là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của văn học dân tộc thiểu số. Với tài năng riêng của mình, nhà thơ đã tự tạo cho mình một nét phong cách riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân: "Văn hóa đô thị". Nguyễn Thúy Quỳnh là một nhà thơ có cuộc sống gia đình không mấy bình yên, chồng bị bệnh nặng, nhà thơ đã luôn phải sống trong một tâm lý lo lắng, cẩn thận, để ý, chú tâm quan sát từng động thái nhỏ của chồng. Có lẽ vì thế mà tâm hồn nhà thơ cũng nhạy cảm hơn. Hơn nữa, do sớm được tiếp xúc và sống trong môi trường đô thị cho nên Nguyễn Thúy Quỳnh có thể quan sát, cảm nhận và nhận ra những biến đổi trong cuộc sống thành thị, từ nếp ăn, nếp ở cho đến ứng xử, lòng người cùng đổi thay theo hoàn cảnh. Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh luôn luôn gợi cho người đọc những suy tư, ám ảnh về tình đời, tình người trong sự đổi thay của cuộc sống.
Ra khỏi thời kì chiến tranh, bước vào thời kì hòa bình, mọi nơi trên đất nước Việt Nam đều bước sang một trang mới - phát triển kinh tế, từng bước xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Thái Nguyên cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy, đặc biệt là ở những khu đô thị. Xã hội đô thị hóa, cuộc sống của con người cũng thay đổi theo: con người trước đây chủ yếu sống ở rừng núi trong những ngôi nhà sàn thì giờ lại đổ về thành phố, ở trong những ngôi nhà tầng, dùng quạt điện, đi xe máy, ô tô... Quá trình đô thị hóa ấy cơ bản là tốt, nó phản ánh trình độ phát triển của xã hội loài người nhưng bên cạnh những mặt tích cực, mặt được ấy là những mặt hạn chế, là cái mất. Tất cả cái được, cái mất ấy đã lọt vào con mắt nhạy cảm của nhà thơ và được thể hiện sinh động trong thơ của chị.